Chứng khoán thiếu hàng “khủng” dụ nhà đầu tư lớn

Qui mô thị trường nhỏ, tiến độ thực hiện IPO và niêm yết của doanh nghiệp trì trệ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thu hút được nhà đầu tư lớn.

Mặt khác, các quỹ quốc tế chưa mặn mà với việc tăng giá trị đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam, một phần do chưa có tín hiệu rõ ràng về các IPO sắp tới của các doanh nghiệp nhà nước và nghi ngại các doanh nghiệp cổ phần hóa mới sẽ được định giá cao giống như Vietcombank, PVFC và Sabeco. Do vậy, họ chưa sẵn sàng chuẩn bị tiền đầu tư vào Việt Nam để đón đầu cơ hội.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên theo quan điểm chung của nhiều chuyên gia thì nguyên nhân chủ yếu là quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhỏ, do tiến độ thực hiện IPO và niêm yết doanh nghiệp lớn rất trì trệ.

Doanh nghiệp ngại niêm yết

Ông Phạm Thành Thái Lĩnh, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và Đầu tư, Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ và chưa thực sự thu hút được các quỹ đầu tư lớn trên thế giới do số lượng các công ty niêm yết, dù đã tăng lên nhanh chóng nhưng vẫn ở con số hạn chế. Quy mô vốn của các công ty niêm yết còn nhỏ với số lượng công ty niêm yết có giá trị vốn hóa thị trường từ trên 500 triệu USD còn rất ít.

Một ví dụ điển hình là việc Sabeco, Habeco, với số vốn điều lệ lần lượt là hơn 6.400 tỷ đồng và hơn 2.300 tỷ đồng, cùng với thị giá đang giao dịch trên thị trường tự do dao động ở mức 60.000 đồng/cổ phiếu và 36.000 đồng/cổ phiếu, nếu niêm yết sẽ làm tăng đáng kể quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, đã hơn một năm rưỡi kể từ thời điểm bán cổ phiếu lần đầu nhưng đến thời điểm này, Sabeco (IPO tháng 1/2008), Habeco (tháng 3/2008) vẫn chưa rục rịch chuyện lên sàn niêm yết, dù trước đó, trong bản công bố thông tin, hai doanh nghiệp lớn này đều cam kết sẽ nhanh chóng niêm yết sau khi IPO.

Sự chậm chạp của hai đại gia trong ngành đồ uống này, dù với lý do gì, cũng đang làm giảm đi sự hấp dẫn đáng kể về thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Trước thực tế trên, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã có các văn bản đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Sabaco và Habeco đẩy nhanh việc lên sàn niêm yết, song đến nay, hai đại gia này lên sàn vào thời điểm nào vẫn còn là ẩn số.

Hệ quả của việc kéo dài thời gian niêm yết khi IPO cũng được minh chứng khi thời gian vừa qua, rất nhiều phiên đấu giá không thành công và cũng không có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng để tăng quy mô của thị trường, cần đẩy nhanh tiến độ IPO các doanh nghiệp lớn nhằm tăng lượng hàng chất lượng vào thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ần đẩy nhanh tiến độ niêm yết cổ phiếu kể từ khi tiến hành IPO cổ phiếu đó thời gian từ khi IPO đến khi cổ phiếu có thể niêm yết dài có thể khiến nhà đầu tư nản chí và không còn nhiều hứng thú tham gia thị trường.

Cần có lộ trình cho IPO

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ cuối 2008 dấu hiệu bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài khá rõ rệt, nhưng việc rút vốn không nhiều, mà phần lớn thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư (cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản...).

Trong 6 tháng đầu năm, giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài nghiêng về bên bán. Tổng khối lượng bán ròng đạt 54 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, giá trị bán ròng đạt 590 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, để phát triển ổn định thị trường chứng khoán và thu hút sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư, việc cổ phần hóa cần tiếp tục được thực hiện để đảm bảo chương trình cải cách, đổi mới doanh nghiệp, tạo hàng chất lượng cao cho thị trường chứng khoán và thu hút vốn đầu tư.

Mặt khác, phương thức thỏa thuận cho đối tác chiến lược, hoặc đấu giá giữa các đối tác chiến lược cần được áp dụng, đồng thời giảm bớt tỷ lệ bán ra bên ngoài. Điều này sẽ có tác dụng trong việc chuyển đổi được hình thức sở hữu, góp phần cải thiện quản trị công ty mà không gây thiệt hại cho nhà nước, đồng thời thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (góp vốn mua cổ phần được coi là đầu tư trực tiếp phải nắm giữ 2-3 năm).

Dựa trên số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, từ 1/1 đến 28/10/2009, theo Tập đoàn VinaCapital, tổng cộng giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 8,1% và giá trị bán là 7,7%. Điều này cho thấy nhà đầu tư trong nước luôn chiếm vai trò chi phối trong các chuyển động của thị trường.

VinaCapital cho rằng, trong năm 2009, có một số quỹ mới được thành lập và đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên phần lớn các quỹ này không chú trọng đầu tư vào các cổ phiếu đã niêm yết.

Các quỹ quốc tế chưa mặn mà với việc tăng giá trị đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam, một phần do chưa có tín hiệu rõ ràng về các IPO sắp tới của các doanh nghiệp nhà nước. Một phần nữa là họ vẫn nghi ngại rằng các doanh nghiệp cổ phần hóa mới sẽ được định giá cao giống như Vietcombank, PVFC và Sabeco. Do vậy, họ chưa sẵn sàng chuẩn bị tiền đầu tư vào Việt Nam để đón đầu cơ hội.

Cũng theo VinaCapital, việc định giá IPO cho các doanh nghiệp cổ phần hóa cần được thực hiện một cách hợp lý để cân bằng với lợi ích của nhà đầu tư. Việc định giá hợp lý và để doanh nghiệp ở giá trị đủ hấp dẫn sẽ tạo sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo đòn bẩy thu hút vốn đầu tư gián tiếp, từ đó tăng cung ngoại tệ và giảm áp lực về tỷ giá.

Càng tạo ra các doanh nghiệp hấp dẫn, với giá IPO hấp dẫn cho nhà đầu tư, sức thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài càng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục