Chung tay khắc phục hậu quả nặng nề do bom mìn sót lại

Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề do số lượng lớn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Chung tay khắc phục hậu quả nặng nề do bom mìn sót lại ảnh 1Rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Đất đai và con người Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề do số lượng lớn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh


Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng vẫn còn để lại nhiều tàn tích đau thương, trong đó có hàng trăm nghìn tấn bom, mìn, vật nổ sót lại và hàng ngày gây ra những hậu quả thương tâm. Chỉ tính riêng số bom, mìn do quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam là trên 15 triệu tấn. Con số này gấp 3,9 lần số lượng bom, đạn các nước sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Kết thúc chiến tranh, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn nặng nề nhất trên thế giới. Đây là một hiểm họa khó lường, tác động không nhỏ đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của khu vực chịu ảnh hưởng.

Theo kết quả điều tra sơ bộ của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (gọi tắt Ban Chỉ đạo 504), tổng diện tích ô nhiễm bom, mìn ở Việt Nam sau chiến tranh khoảng 6,6 triệu ha, chiếm trên 20% diện tích cả nước. Số bom, mìn chưa nổ đang nằm rải rác hầu hết ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, nhiều nhất là tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt có địa phương bị ô nhiễm tới 80% diện tích.

Đơn cử như tại Thừa Thiên-Huế - một trong những địa phương chịu tác động rất lớn của ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, dù rất nỗ lực, toàn tỉnh cũng phải mất hàng chục năm mới giảm được vài phần trăm trong tổng số 34,4% diện tích bị ô nhiễm, Theo tính toán của cơ quan chức năng, muốn rà phá hết bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, cần hàng chục tỷ USD và kéo dài trong nhiều năm.

Có đến vùng quê, cũng như vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Kom Tum... mới thấy hết được những hiểm họa mà người dân phải gánh chịu vì số bom, mìn, vật nổ còn nằm rải rác trên đồng ruộng, làng mạc, đường sá...

Theo số liệu của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504, cả nước đã có trên 42.000 người chết, hơn 62.000 người bị thương do bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh gây ra, trong đó có khoảng 1/3 là trẻ em. Đa phần những người bị chết, thương tật do bom, mìn đều là lao động chủ chốt trong các gia đình nông dân.

Khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ rất quan tâm khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ với quy mô lớn nhằm giải phóng đất đai, đưa nhân dân về sinh sống. Hướng tới mục tiêu khắc phục bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2015 (gọi tắt là Chương trình 504), với mục tiêu “Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu cũng như tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội."

Đặc biệt, Quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (gọi tắt Trung tâm VNMAC) được coi như một nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom, mìn để thực hiện hiệu quả Chương trình 504 ở Việt Nam. Việc ra đời của Trung tâm VNMAC sẽ có tác động tích cực cho những hoạt động của các đối tác giúp Việt Nam giải quyết nạn ô nhiễm bom, mìn cũng như hậu quả bom, mìn gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Sau khi đất nước thống nhất, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, riêng công tác rà phá, Chính phủ đã dành một nguồn vốn lớn với tổng kinh phí hàng năm khoảng 30 triệu USD; chi khoảng 50 triệu USD cho hoạt động tái định cư, an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là các hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn khác như giáo dục về hiểm họa bom, mìn, hỗ trợ nạn nhân bị bom, mìn...

Nguồn viện trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và những tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hỗ trợ một số trang thiết bị, kinh phí góp phần giúp Việt Nam khắc phục, giải quyết hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.

Đặc biệt, tại Hội nghị Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam được tổ chức trung tuần tháng Ba tại Hà Nội vừa qua, đại diện các nước cũng như những nhà tài trợ và đối tác đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả bom, mìn và cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.

Cùng với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, sự hợp tác của bạn bè quốc tế, đặc biệt sự ưu tiên tối đa theo khả năng từ Chính phủ, công tác khắc phục hậu quả của bom, mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Riêng những đơn vị quân đội, nhất là bộ đội công binh cùng các cơ quan chức năng đã nỗ lực dò tìm, thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ, giải phóng hàng trăm nghìn ha đất đai, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của nhân dân.

Thượng tá Nguyễn Văn Cốc, Phó Lữ đoàn Trưởng, Lữ đoàn 229, Bộ Tư lệnh Công binh cho biết ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn còn là một trong các đơn vị chủ lực của quân đội thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Theo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504, Bộ tiêu chuẩn khắc phục hậu quả bom mìn đã được biên soạn hoàn chỉnh; dự án "Điều tra, lập bản đồ bom mìn toàn quốc" đã nhập xong dữ liệu của 49/63 tỉnh. Trong 2 năm (2012 và 2013), toàn quốc đã tổ chức rà phá bom, mìn, vật nổ được khoảng 100.000ha, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nước và quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, do hậu quả chiến tranh gây ra quá lớn nên công tác khắc phục hậu quả bom, mìn ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, diện tích đất đai bị ô nhiễm bom, mìn hiện nay vẫn còn rất lớn, trong khi đó trang thiết bị kỹ thuật rà phá còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân bom, mìn gặp nhiều bất cập do các cơ sở y tế cấp xã và khu vực ô nhiễm bom, mìn chưa đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện. Nguồn lực bảo đảm cho thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh còn hạn chế, chủ yếu vẫn từ nguồn vốn của Chính phủ...

Do đó, để thực hiện thành công chương trình khắc phục hậu quả của bom, mìn, Việt Nam rất cần sự chung tay góp sức của mọi người dân trong và ngoài nước; sự giúp đỡ, hỗ trợ từ bạn bè quốc tế, các nhà tài trợ. Đặc biệt là cần sự khắc phục hậu quả do bom, mìn để lại từ phía Chính phủ Hoa Kỳ trên các mặt như kinh phí, kỹ thuật, tìm kiếm, rà soát làm sạch ô nhiễm bom, mìn tại các địa phương của Việt Nam, hỗ trợ các nạn nhân của bom mìn sau chiến tranh.

Các cơ quan ngoại giao, các bộ, ngành hữu quan cần chung tay phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, thực hiện chương trình vận động tài trợ, hợp tác, khai thác nguồn hỗ trợ kỹ thuật cũng như triển khai nhiệm vụ của Chương trình quốc gia trong công tác khắc phục hậu quả do bom, mìn gây ra. Thực hiện được những điều này chính là góp phần làm sạch môi trường, giúp cho người dân ở các vùng bị ô nhiễm bom, mìn có cuộc sống bình yên và an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục