Chương trình cải cách hành chính nhà nước: 5 năm nhìn lại

Sau 5 năm triển khai chương trình cải cách hành chính nhà nước, 100% dịch vụ công cơ bản được các bộ, ngành, địa phương cung cấp trực tuyến.
Chương trình cải cách hành chính nhà nước: 5 năm nhìn lại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 (theo Nghị quyết 30c/NQ-CP) đã đi qua 5 năm.

Nhìn lại nửa chặng đường trên cả 6 nội dung cải cách hành chính gồm cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính, có thể thấy bức tranh cải cách hành chính đã có nhiều điểm nhấn quan trọng, không chỉ tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, mà còn tạo động lực cho các bộ, ngành, địa phương bước tiếp những bước đi cải cách mạnh mẽ hơn trong nửa chặng đường còn lại.

Xây dựng một thể chế tốt

Khi đánh giá kết quả thực hiện rà soát thủ tục hành chính giai đoạn 2 của Đề án 30 (năm 2010), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - kiến trúc sư trưởng của Đề án, khi đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã nói “chúng ta chưa có một thể chế tốt, thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì cũng rất khó làm.” Bởi vậy, cải cách thể chế luôn là bước đi đầu tiên đóng vai trò quan trọng trong cải cách hành chính.

Những năm qua, Chính phủ đã chú trọng công tác xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội và ban hành một số lượng lớn nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, thể hiện rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, hệ thống hóa trên 100.000 văn bản quy phạm pháp luật các loại, đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới trên 17.000 văn bản, nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, khả thi, đặc biệt là bảo đảm phân định trách nhiệm, thẩm quyền giữa chủ thể quản lý hành chính là Nhà nước với các chủ thể dân sự, kinh tế, thương mại; làm rõ các vấn đề về sở hữu, tạo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 106 dự án luật và 8 dự án pháp lệnh (tính đến tháng 10/2015) và đã được Quốc hội thông qua 64 luật, 19 luật sửa đổi, bổ sung; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 1 pháp lệnh và 4 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung.

Một loạt các luật quan trọng được ban hành, đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thể chế về lĩnh vực kinh tế, dân sự, tổ chức bộ máy và nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy tổ chức nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, từ năm 2011 đến tháng 8/2015, mỗi năm Chính phủ đã ban hành trên 130 nghị định hướng dẫn. Hàng năm, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành trên 700 thông tư và thông tư liên tịch.

Chính quyền địa phương các cấp cũng đã chú trọng việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, mỗi năm ban hành khoảng 1.000 quyết định để cụ thể hoá các văn bản của Trung ương cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Cải cách thủ tục hành chính - Đột phá khẩu

Có thể nói một đột phá khẩu trong cải cách hành chính 5 năm qua với những kết quả có thể đong, đo, đếm được, đó là chính là cải cách thủ tục hành chính. Đây là một trong những nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình triển khai Nghị quyết 30c/NQ-CP.

Công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; truyền thông về cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả.

Từ một “rừng” thủ tục hành chính, đến nay, với việc thực thi phương án đơn giản hóa theo 25 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 4.525/4.723 thủ tục hành chính, đạt 95,8% (tính đến hết quý I/2016).

Thủ tục hành chính quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường kiểm soát, cơ bản bảo đảm chỉ ban hành các thủ tục hành chính đáp ứng tiêu chí về sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất.

Theo Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng, việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã giúp giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quan trọng như đất đai, đầu tư, thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, xây dựng, tiếp cận điện năng… đã được thường xuyên rà soát, đơn giản hóa.

Nhiều đề án, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính mang tính đột phá được nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện như Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020; Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 04/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi…

Thông qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là các kết quả cải cách, cắt giảm thời gian và thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội. Từ đầu năm 2014 đến hết tháng 9/2015, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm tới 420 giờ, còn 117 giờ/năm.

Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng đã ban hành quy trình kiểm tra thuế nhằm hướng tới mục tiêu cải cách hành chính trong việc kiểm tra thuế, tránh gây phiền nhiễu cho người nộp thuế, theo đó, các Cục Thuế sẽ thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá 1 lần/năm.

Thực hiện Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 5/2015, Bảo hiểm xã hội các địa phương trên toàn quốc chính thức thực hiện phương thức giao dịch điện tử đối với thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế đối với cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, góp phần giảm số lần giao dịch mà doanh nghiệp phải tiến hành mỗi năm từ 12 xuống còn 1 lần.

Thủ tục hành chính được các bộ, ngành, địa phương công bố, niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương với nhiều cách làm mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện.

Đến nay, cả nước có 98,2% số đơn vị hành chính cấp xã, 98,7% số đơn vị hành chính cấp huyện và 92,5% số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 48,1% số quận, huyện, thị xã, thành phố tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mô hình một cửa liên thông hiện đại cấp huyện.

Các cơ quan ngành dọc tại địa phương như Công an, Thuế, Kho bạc, Hải quan, Bảo hiểm xã hội... cũng tích cực triển khai cơ chế một cửa và thực hiện liên thông với các cơ quan hành chính của địa phương trong thực hiện liên thông một số thủ tục hành chính. Đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật một cửa ASEAN đối với một số lĩnh vực.


Bộ máy hành chính nhà nước kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Ông Phạm Minh Hùng cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, việc hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện, tạo cơ sở pháp lý để kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành việc rà soát về tổ chức bộ máy và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Bộ Nội vụ đã tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng để ban hành các Thông tư liên tịch hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Phân cấp quản lý giữa Trung ương - địa phương tiếp tục được đẩy mạnh triển khai theo Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến nay, chính quyền địa phương cấp tỉnh đã được phân cấp thẩm quyền trên hầu hết các lĩnh vực quản lý, như ngân sách, nhân sự, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch và đầu tư, ban hành văn bản quy phạm pháp luật..., góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng như của các bộ, ngành Trung ương.

Thực hiện phân cấp gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính đã giảm phiền hà, giải quyết nhanh gọn thủ tục cho công dân và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, nhất là về đất đai, đầu tư và xây dựng, thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh việc đẩy mạnh phân cấp, Chính phủ tăng cường giải quyết các vấn đề có tính chiến lược, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhiệm vụ đã phân cấp cho địa phương.

Cùng với đó, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Cải cách tài chính công đã đạt được kết quả tích cực góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, từng bước tăng tính minh bạch trong thực hiện ngân sách.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính thời gian qua được triển khai một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từng bước phấn đấu theo hướng “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử.”

Đến nay hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức (tên miền: gov.vn.chinhphu.vn) phục vụ công việc. 80% số lượng văn bản hành chính được các cơ quan hành chính cấp trung ương và địa phương trao đổi dưới dạng điện tử. 100% dịch vụ công cơ bản đã được các bộ, ngành và địa phương cung cấp trực tuyến mức độ 2 trên Cổng thông tin điện tử của mình; các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã và đang được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được thực hiện có hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện năng...

Đặc biệt, việc xây dựng, triển khai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã góp phần nâng cao tính chính xác, kịp thời trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thông qua việc tổng hợp, phân tích thông tin từ các bộ, ngành, địa phương đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục