Chuyện cắm bản nơi địa đầu Tổ quốc và những giọt nước mắt hằng đêm

Để lại sau lưng cả gia đình với bố mẹ già, gia đình nhỏ, những thầy giáo, cô giáo vẫn nén những giọt nước mắt nhớ thương khóc thầm hằng đêm, để bám bản dạy chữ cho học trò nghèo.
Chuyện cắm bản nơi địa đầu Tổ quốc và những giọt nước mắt hằng đêm ảnh 1Vượt qua những thiếu thốn cả vật chất và tinh thần, các giáo viên vẫn miệt mài gieo chữ nơi những bản làng heo hút. (Ảnh: TTXVN)

Để lại sau lưng cả gia đình với bố mẹ già, vợ/chồng, con nhỏ, những thầy giáo, cô giáo vẫn nén những giọt nước mắt nhớ thương khóc thầm hằng đêm, để bám bản dạy chữ cho học trò nghèo. Dù nơi ấy, trường học chỉ là lán nứa tạm bợ, mùa Hè mưa dột tứ tung, mùa Đông gió lùa rét buốt, không điện, không nước, không cả sóng điện thoại dù chỉ để nghe tiếng con thơ từ cách xa hàng trăm cây số…

Nhiều khi bật khóc

Gần 20 năm cắm bản nơi địa đầu Tổ quốc Đồng Văn (Hà Giang), cô Nguyễn Thị Thêu không thể đếm hết những đêm nằm trắng khóc ròng vì thương nhớ con.

Mười chín năm trước, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thêu khăn gói từ Nam Định lên điểm trường Lũng Thầu (Đồng Văn). Là cô gái vùng xuôi quen với đồng bằng, cô Thêu không biết bao lần thót tim khi lóng ngóng men theo khe núi, băng qua những cánh rừng bạt ngàn.

Lớp học trống tuềnh toàng được ghép bởi những thanh trúc. Trời mưa, vở học sinh ướt nhoẹt, mùa Đông lạnh thấu xương. Những ngày giáp hạt, sỹ số 15 em nhưng chỉ có một em đến lớp, cô lại phải lặn lội cuốc bộ đến từng nhà vận động.

“Ở điểm trường khi đó chỉ có tôi và một cô giáo nữa. Nhiều đêm, hai chị em nằm ôm nhau khóc, vừa nhớ nhà, vừa thấy cảnh vùng cao quá khổ. Nhưng ban ngày, nhìn thấy các em học sinh là cả hai lại quên hết,” cô Thêu chia sẻ.

Suốt gần 20 năm, cô Thêu gần như chỉ được dạy lớp một vì ở đây, lớp một là quan trọng nhất, mang tính quyết định. Đồng bào thấy con mình tiến bộ, biết đọc biết viết, thích đi học, mới cho con học tiếp lên các lớp trên.

Mảnh đất Đồng Văn cũng giúp cô nên duyên với một đồng nghiệp, nhưng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, điều kiện thiếu thốn khiến cho con cô bị suy dinh dưỡng ngay khi còn là bào thai trong bụng mẹ, bị teo cả hai chân.

Chăm con đến 3 tuổi, thấy con lạc lõng giữa đại ngàn từ ngôn ngữ đến phong tục tập quán, hai vợ chồng cô gạt nước mắt đưa con về quê cho ông bà nội chăm sóc, còn mình ở lại với lũ trẻ Lũng Thầu.

“Nghĩ đến con là tôi lại không cầm được nước mắt, thương con chịu nhiều thiệt thòi. Đồng nghiệp bảo: sao chị sống giàu tình cảm như thế mà lại có thể xa con? Nhưng đồng bảo ở đây yêu thương mình, học sinh cần mình, mình cũng yêu thương họ, làm sao nỡ bỏ?” cô Thêu chia sẻ. 

“Không bao giờ chúng tôi bù đắp được những năm tháng các con thiếu thốn tình cảm khi không có cha mẹ ở bên. Lúc nào, tôi cũng thấy mình là người có lỗi với con", cô Thêu nói và bật khóc.

Chuyện cắm bản nơi địa đầu Tổ quốc và những giọt nước mắt hằng đêm ảnh 2Các giáo viên luôn chăm sóc học sinh bằng tình thương người mẹ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Chăm trò bằng tình thương người mẹ

Không chỉ riêng cô Thêu, có rất nhiều giáo viên cắm bản đã phải hy sinh hạnh phúc riêng của mình vì những học trò nghèo miền sơn cước.

Cô Phùng Thị Hiền, giáo viên trường mầm non Huổi Lếch (Mường Nhé, Điện Biên) cũng phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc. “Xa con, tôi chỉ biết khóc. Mỗi lần về, trước khi đi không dám nhìn con vì sợ không đi nổi. Chăm các con ở lớp lại nhớ đến con mình", cô Hiền nói trong nước mắt.

Xa con, nhớ con, nhưng mỗi năm, các cô chỉ về được với con một đôi lần vào dịp nghỉ hè hay nghỉ Tết. Cô Lò Thị Chiên, giáo viên trường mầm non Nậm Khăn (xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) chia sẻ: “Nghĩ đến con ở cách xa đến 300 cây số, tôi lại tự trách mình là một người mẹ chưa tròn trách nhiệm.”

Nhớ con, thèm nghe tiếng con nói, con cười nhưng ở Nặm Khăn không có sóng điện thoại. Cô Chiên phải trèo lên cây, hứng chút “sóng rơi,” nhưng cũng chỉ phập phù được vài câu.

Với các thầy giáo cắm bản, nỗi niềm với con cũng luôn canh cánh. 

Thầy Vi Văn Thỏa, giáo viên trường Tiểu họcTrung Lý (xã Trung Lý, huyện Mường Lát) thầy tâm sự: "Con trai tôi từ ngày sinh ra đã phải gửi ông bà nội chăm nuôi. Dù rất nhớ con nhưng một năm tôi chỉ tranh thủ về thăm con được một vài lần. Muốn nghe tiếng con, phải bắc thang trèo lây cây hứng sóng.”

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp, giáo viên trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) có 15 năm cắm bản gieo chữ nơi những bản nghèo. “15 năm, tôi đã dạy hàng trăm học sinh, nhưng con mình thì không dạy được ngày nào mà khoán trắng cho vợ.”

Nhớ thương con nhưng các thầy cô giáo đều gạt nỗi niềm riêng để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. “Chúng tôi coi học sinh như con mình để khỏa đi nỗi nhớ,” thầy Vi Văn Thỏa xúc động nói. Còn với cô Lò Thị Chiên, thương con bao nhiêu, cô lại dồn tất cả tình cảm ấy cho những học trò nhỏ của mình.

Với những cống hiến không mệt mỏi của mình trong cả chục năm trời cho vùng khó, họ hoàn toàn đủ tiêu chuẩn luân chuyển về xuôi, bù đắp những thiếu thốn tình cảm cho vợ, cho con. Bởi nói như thầy Hồng Hiệp, người thân nào cũng muốn chồng, vợ mình công tác ở vùng thuận lợi để hàng ngày có thể cùng ăn cơm, cùng nói chuyện, giúp nhau công việc gia đình. 

Vẫn biết thế, nhưng tình thương yêu học trò lại chính là sợi dây vô hình vững chắc níu kéo họ. “Trong điều kiện công tác của tôi, chỉ cần viết đơn là sẽ được chuyển ngay, nhưng ở quen rồi nên chuyện về… chưa tính,” thầy Hiệp nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục