Chuyện chưa kể về huyền thoại đặc công vẫy cờ trên dinh Độc Lập

Chuyện chưa kể về huyền thoại đặc công nước vẫy cờ trên dinh Độc Lập

Người đàn ông nhỏ bé, hiền lành trước mặt tôi từng vẫy cờ trên Dinh Độc Lập, đã kéo theo hàng chục tấn bộc phá, bơi cả cây số qua con sông phá trạm điện địch, cùng nhiều chiến công khác.
Chuyện chưa kể về huyền thoại đặc công nước vẫy cờ trên dinh Độc Lập ảnh 1Cựu đặc công nước Phạm Duy Đô. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Một buổi sớm tại thành phố Thái Bình, ít ngày trước khi đất nước kỷ niệm 40 năm thống nhất non sông, người đàn ông nhỏ bé ngồi trầm ngâm nơi quán nước nhỏ, có lẽ, nếu tôi không cất tiếng gọi, rất lâu nữa, ông vẫn chỉ ngồi đấy cùng những trầm tư của riêng mình.

Người đàn ông đứng trước mặt tôi có vóc dáng gầy gò, nhỏ bé, gù lưng. Với cái kiểu hay "nom mặt bắt hình dong" của tuổi trẻ, tôi khó tin lắm, ông không những là một cựu binh từng vào sinh ra tử, mà thậm chí có dầy đặc chiến công đánh đồn, diệt địch. Ngày thanh niên, ông từng cao tới 1m73, và theo như ông nói đùa: “Ngày đấy, khối cô theo!”

Ông Phạm Duy Đô (sinh năm 1950, tại thành phố Thái Bình) - cựu binh thuộc đơn vị đặc công nước, thượng sỹ đại đội phó đại đội 2, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116, Sư đoàn F477. Đồng đội biết đến ông như một huyền thoại sông nước, từng là 1 trong 6 chiến sỹ đặc công được biểu diễn cho lãnh tụ Fidel Castro khi ấy sang thăm Việt Nam và là một tấm gương trong rèn luyện, chiến đấu. Với đối phương, ông là nỗi khiếp sợ đến từ mặt nước.

Đặc công nước và bộ sưu tập tiền cổ

“Chuyện ngày 30/4, chuyện tôi ngồi trong xe tăng tiến về Sài Gòn, chuyện tôi vẫy cờ trên Dinh Độc Lập, chuyện tôi chĩa AK trấn áp đối phương trong chính phủ Sài Gòn cũ thì kể nhiều rồi, tôi không kể cũng nhiều người kể, cậu thích thì mình nói sau nhé...”

Tôi vẫn chờ ông nói hết. Rồi đột nhiên ông chuyển chủ đề.

“Đằng ấy có thích tiền cổ không. Tớ hơi bị nhiều nhé. Xem rồi kể tiếp cho”

Nói rồi, ông đi vào trong nhà, mang cho tôi xem một gói nhỏ được bọc kỹ lưỡng, ông có cả một bộ sưu tập toàn tiền cổ, trong đó có cả tờ tiền cũ từ thời Việt Nam Cộng hòa. Quan sát thấy sự chăm chú của tôi, người cựu binh cười, nụ cười vừa hoan hỉ, vừa tinh quái.

Chuyện chưa kể về huyền thoại đặc công nước vẫy cờ trên dinh Độc Lập ảnh 2Ông Đô cùng bộ sưu tập tiền cổ của mình, trong đó, phần lớn là tiền ông được cấp cho các nhiệm vụ trinh sát. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

“Hơi bị hiếm nhé, tiền được cấp cho đi công tác đấy. Muốn nghe chuyện đặc công nước đi làm trinh sát không?”

Trong nghiệp binh đao, ngoài nhiệm vụ làm đặc công nước, có một nhiệm vụ khiến ông rất thích thú, ấy là vào vai để đi trinh sát.

Ông kể, trước ngày chiến thắng, chính xác là trong hai ngày 25 và 26/4/1975, ông, cùng một số đồng đội được đi trinh sát Dinh Độc Lập theo chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sắm vai là lính Việt Nam Cộng hòa, ông cùng đồng đội lên xe lửa, theo đường Bình Triệu đến nghĩa địa Đô Thành để đi lối tắt.

“Hôm đấy, trong lúc chờ nội ứng tới dẫn đường, anh em tôi, lựa theo họ tên trong thẻ căn cước, ngồi phục xuống trước các ngôi mộ để thắp hương” - ông kể: “Cho đến xế chiều, nội ứng tới, anh em tôi vào được Dinh Độc Lập, qua bao nhiêu vòng giám sát, cảm giác vừa hồi hộp, vừa thích thú.”

Ông Đô nhớ như in lần bắt sống một viên đại tá quân lực Việt Nam Cộng hòa, tên là Kiệt, khiến đám lính đối phương khiếp sợ.

Nói về nhiệm vụ táo bạo này, ông Đô kể rằng năm 1974, ông nhận lệnh của Quân ủy Miền phải bắt bằng được đại tá Kiệt (thuộc Chiến đoàn 43) - kẻ nắm hồ sơ về việc điều hành Mỹ-Ngụy bắn phá miền Bắc cũng như nắm rõ về lịch điều quân Việt Nam Cộng hòa ra Quảng Trị, Buôn Mê Thuột và các quân khu.

Để thực hiện nhiệm vụ, Phạm Duy Đô đã mất cả tháng trời cải trang thành lính Cộng hòa để theo dõi lịch trình sinh hoạt của sỹ quan Kiệt. Sau khi biết y có một rẫy cà phê ở khu vực Biên Hòa, ông đã lên kế hoạch chi tiết để bắt viên chỉ huy sừng sỏ này, khi hắn đến thăm rẫy và cuộc vây bắt thành công.

Hồi ức ngày chiến thắng của mãnh tướng sông nước

Chuyện chưa kể về huyền thoại đặc công nước vẫy cờ trên dinh Độc Lập ảnh 3Sơ đồ 14 mũi tiến công đánh cầu mở đường cho đại quân vào Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng nhằm đánh bại toàn bộ lực lượng địch còn lại, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn-Gia Định vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trong chiến dịch này, bộ đội đặc công được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là đánh chiếm và bảo vệ một loạt các cứ điểm trọng yếu ở 14 cửa ngõ vào Sài Gòn, đợi cho quân đội chủ lực của ta vào hiệp đồng tác chiến, giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

Lần giở lại những bức ảnh đã bạc phếch màu thời gian, cựu chiến binh Phạm Duy Đô không khỏi bùi ngùi. Ông kể, điều may mắn nhất trong cuộc đời cầm súng của ông là đã được chứng kiến và trực tiếp tham gia vào giờ khắc linh thiêng nhất của cả dân tộc.

Chuyện chưa kể về huyền thoại đặc công nước vẫy cờ trên dinh Độc Lập ảnh 4Ông Đô (người cầm cờ) thời còn trong quân ngũ. (Ảnh tư liệu)

Vào những ngày cuối tháng 4/1975, Phạm Duy Đô đã là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116 Binh Chủng Đặc Công. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đại đội của ông được lệnh tấn công vào kho xăng An Bình, chiếm giữ và bảo vệ cầu xa lộ Biên Hòa.

Nhận lệnh, ngày 26/4, Đại đội của thượng sỹ Phạm Duy Đô gồm 24 chiến sĩ đặc công đã bất ngờ tập kích kho xăng An Bình, đánh tan một trung đoàn của địch.

Tiếp đó, Phạm Duy Đô tiếp tục cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ khó khăn hơn là chiếm giữ và bảo vệ cầu Đồng Nai, một trong 14 cửa ngõ dẫn thẳng vào Sài Gòn, đợi đến khi đại quân ta tiến vào.

Nhớ về ngày này, ông kể: Lính đối phương giữ cầu rất cảnh giác với đặc công nước. Chúng liên tục thay nhau nhìn chăm chăm xuống dòng nước, cứ thấy động là nã đạn xối xả. Đặc biệt, trong bối cảnh Sài Gòn đang có nguy cơ thất thủ, lính Cộng hòa càng củng cố phòng thủ ở các cầu trọng yếu. Riêng tại cầu Đồng Nai nối với xa lộ Biên Hòa, địch bố trí 4 quả bom tấn đề phòng trường hợp cầu thất thủ sẽ ngay lập tức kích nổ, phá tan đường vào của binh đoàn xe tăng ta.

Chiến sỹ Đô, người đại đội trưởng tạm quyền khi ấy xác định trong đầu: Bằng mọi giá phải chiếm, giữ được cầu chờ quân ta từ các mũi tiến vào. Anh dẫn theo 2 đồng đội, mang theo bộc phá, lặng lẽ băng qua sông để phá trạm điện của địch với mục tiêu cắt đứt kíp nổ xa của 4 tấn bom đang ém ở cầu. Một mũi khác cũng bí mật xuôi theo dòng nước tiềm nhập lên cầu.

Rạng sáng ngày 28/4/1975, 3 chiến sỹ đặc công nước mang theo súng cùng gần 100 cân bộc phá, đặt lên một phao, buộc vào lưng cùng nhau xuống nước, bí mật bơi sang bờ bên kia. Quyền đại đội trưởng chỉ tay về phía ngọn đèn bên kia cầu, sau đó chỉ vào giữa trán và dặn anh em: “Nhớ, bơi theo ánh đèn kia là biết được bờ.”

3 “người nhái” lặng lẽ bơi suốt hơn 1km không để lại động tĩnh, không khiến quân địch mảy may nghi ngờ. Lên tới bờ, mỗi người 30 kg bộc phá, chia nhau ra và phá thành công trạm điện trong sự ngỡ ngàng tột độ của quân địch.

Kế hoạch sẵn sàng cho kích nổ phá cầu thất bại chỉ bởi 3 người lính đặc công khiến cho địch giận giữ, điên cuồng nã đạn pháo về phía quân ta. “Kế hoạch phá sản, quân địch giận dữ bủa vây chúng tôi bằng đạn pháo, tôi là người duy nhất may mắn sống sót...,” ông Đô nhớ lại.

Hoàn thành nhiệm vụ, Đại đội của ông Đô lại chia làm 2 mũi, cùng với xe tăng của Đại quân tiến vào Sài Gòn, thẳng tới dinh Độc Lập làm nhiệm vụ chiến đấu và chỉ đường. Chiếc xe tăng ông Đô ngồi đi thứ hai.

Sau khi chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh độc lập, chiếc xe tăng chở Thượng sĩ Đô cùng Trung úy xe tăng Bùi Quang Thận (người cắm cờ trên dinh Độc lập)… vòng theo phía tay trái tiến lên.

Ngay lập tức, Thượng sĩ Phạm Duy Đô đã chạy lên ban công của dinh Độc lập, vẫy cờ giải phóng để ra hiệu cho xe tăng tiến vào. “Khi ấy, toàn bộ Trung đoàn Đặc công đã bao vây dinh Độc lập. Và địch đã chịu bỏ giáp đầu hàng,” ông Đô nhớ lại.

Sau khi ra hiệu cho xe tăng tiến vào, ông Đô cùng đồng đội đã phát hiện toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn trong phòng họp. Lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 đã kịp thời bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn. Và, tướng Dương Văn Minh - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Chuyện chưa kể về huyền thoại đặc công nước vẫy cờ trên dinh Độc Lập ảnh 5Gác những ngày tháng oanh liệt vào ký ức, người cựu binh từng vẫy cờ trên Dinh Độc Lập ngày nào giờ dành toàn bộ tình yêu cho gia đình nhỏ, đặc biệt là cậu cháu trai của mình. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Cứ thế, những chuyện xưa không bao giờ cũ được người cựu binh kể lại rành rọt, chi tiết. Người lính già, bằng cách kể chuyện khéo léo, giúp tôi hiểu về cái thời đó những người trai trẻ oanh liệt thế nào, kiên trường ra sao, và trong mỗi khoảng lặng của sự mất mát, những đường gân trên trán ông khiến tôi rùng mình về sự trần trụi, gai góc.

Những người trẻ trạc tuổi nhau, vai kể vai chiến đấu. Những người trẻ trạc tuổi nhau, mặt đối mặt chiến đấu. Ông cố kể cho tôi một cách giản ước nhất, như để bớt đi những trầm tư cho buổi nói chuyện, cho cả tôi, cả ông.

Ngày hôm nay, giữa thời bình, mãnh tướng sông nước ngày nào giờ thảnh thơi trong vóc dáng nhỏ bé, hiền lành. Những oanh liệt thuở nào ông tạm cất vào một góc trang nghiêm, để dành toàn bộ tình cảm cho gia đình.

Dưới mái nhà mới cất nằm trong ngõ nhỏ tại thành phố Thái Bình, chỉ nghe thấy những tiếng cười sang sảng, tươi vui của người đàn ông đã ngoại lục tuần cùng đứa cháu nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục