Chuyện của những người thầm lặng kiểm soát "quả bom" dân số

Một cán bộ dân số cho biết cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số đến tận ngõ, gõ tận nhà để vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhưng không ít lần người dân bất hợp tác.
Chuyện của những người thầm lặng kiểm soát "quả bom" dân số ảnh 1Cán bộ dân số truyền thông về kế hoạch hóa gia đình. (Nguồn: TTXVN)

Tỷ suất chênh lệch giới tính khi sinh của Thủ đô Hà Nội tuy đã giảm nhưng vẫn đang ở mức báo động và chưa có dấu hiệu dừng khi vẫn còn tình trạng “khát con trai” ở các gia đình, dòng họ. Làm thế nào để giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở Thủ đô đang là một bài toán cần có lời giải.

Vẫn còn bất cập

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm gần đây, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình của Hà Nội đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực ở hiện tại và tương lai.

Bên cạnh sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, chính quyền, phối kết hợp của các ban ngành, huy động cộng đồng và vai trò tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở..., không thể thiếu vai trò của lực lượng cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số của thành phố. Không có lực lượng này trực tiếp tham gia thực hiện công tác dân số tại các địa bàn dân cư, tiếp xúc với người dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân để vận động thì "quả bom" dân số rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, công tác vận động, tuyên truyền vẫn còn những bất cập.

Chị Nguyễn Thị Liên, cán bộ chuyên trách dân số xã Tây Đằng (huyện Ba Vì) tâm sự, cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số đến tận ngõ, gõ tận nhà để vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình theo phương châm "mưa dầm, thấm lâu" nhưng không ít lần người dân bất hợp tác.

"Gia đình anh chị V rất hoàn cảnh, chồng nghiện ma túy, nhiễm HIV lây sang cho vợ nhưng khi cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số đến vận động, chị đều trốn sang nhà hàng xóm. Mặc dù nhiễm HIV nhưng vợ chồng chị vẫn đẻ đến con thứ 5, trong đó 3 cháu bị nhiễm HIV. Ở gia đình khác khá giả hơn thì quan niệm "tôi đẻ, tôi nuôi," cho rằng cộng tác viên dân số “rỗi hơi,” soi vào việc nhà khác. Việc chưa có biện pháp xử lý vi phạm chính sách Dân số đã gây khó khăn cho việc vận động giảm sinh con thứ ba và chênh lệch giới tính khi sinh," chị Liên nói.

Nói về những hạn chế trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình của địa phương, ông Trần Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện Ba Vì cho biết tư tưởng muốn có con trai nối dõi tông đường ở Ba Vì còn nặng nề; nhận thức của một bộ phận nhân dân về công tác này còn hạn chế muốn sinh nhiều con.

Trong khi khoa học công nghệ phát triển, công tác quản lý đối với các cơ sở siêu âm, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh vẫn còn bất cập. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ người sinh con thứ ba và tỷ số giới tính khi sinh còn cao.

Ngoài ra, công tác dân số chủ yếu tuyên truyền, vận động là chính, không có chế tài xử phạt đối với người vi phạm, do đó việc vận động giảm sinh con thứ ba còn gặp khó khăn. Một số cán bộ chuyên trách dân số còn trẻ, kinh nghiệm quản lý, điều hành công tác dân số còn hạn chế.

Việc tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chỉ tiêu dân số còn chậm. Việc kiểm tra, đôn đốc đội ngũ cộng tác viên dân số ở một số địa phương còn thiếu, chưa thường xuyên. Một bộ phận cộng tác viên dân số kỹ năng tư vấn, vận động còn hạn chế. Phương pháp, cách thức tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thôn, cụm dân cư và cách tiếp cận đối tượng đích cũng chưa đạt hiệu quả cao.

Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thị xã Sơn Tây Đỗ Việt Hùng cho biết nguyên nhân sâu xa của tình trạng “khát con trai” ở vùng ngoại thành là do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động và chế độ an sinh hiện nay chưa đảm bảo. Khoảng 70% dân số sống nông thôn không có lương hưu bảo hiểm tuổi già, họ cần con trai để phụng dưỡng, chăm sóc. Họ sẽ cảm thấy lo lắng và không an tâm trong tương lai nếu chưa có con trai. Mặt khác, chính sách đối với nữ giới hiện chưa thỏa đáng, bình đẳng giới có mặt chưa được quan tâm đầy đủ.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân trực tiếp là việc lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ trước lúc mang thai như chế độ ăn uống, theo dõi ngày phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, siêu âm, chọc hút dịch ối, nạo phá thai và một số phương pháp như bắt mạch, kê đơn thuốc của các ông lang. Tất cả những điều đó khiến tình trạng sinh con thứ ba và tỷ suất chênh lệch giới tính khi sinh ở Thủ đô vẫn chưa có điểm dừng.

Cần giải pháp lâu dài

Để giảm tỷ suất chênh lệch giới tính khi sinh ở Thủ đô, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông dân số-kế hoạch hóa gia đình tại các quận, huyện, thị xã, trong đó chú trọng các vùng dân cư đặc thù; tuyên truyền về giới, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh. Thành phố tổ chức hội thảo cơ chế phối hợp các hoạt động truyền thông về dân số-kế hoạch hóa gia đình với các ban ngành, đoàn thể, quận, huyện; tăng cường hoạt động tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác dân số; thực hiện nâng cao chất lượng dân số tại các quận, huyện, thị xã... nên số người sinh con thứ ba và chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn đã giảm nhưng vẫn còn cao.

Theo Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thị xã Sơn Tây Đỗ Việt Hùng, để tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh từng bước được khống chế, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án "Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" giai đoạn 2011-2015; ngoài sự nỗ lực của ngành dân số, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của ngành chức năng, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài.

Trước hết, cần tăng cường mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về giới và bình đẳng giới, về hệ lụy và hậu quả của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; tuyên truyền và phổ biến rộng rãi về Pháp lệnh Dân số 2003 quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, Nghị định 114/2006 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính cho các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Hình thức tuyên truyền cần phải thiết thực, phù hợp, nội dung phong phú, hấp dẫn nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân và thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa và đáp ứng nhu cầu cung cấp các biện pháp tránh thai an toàn tới các căp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là đối với những đối tượng sinh con một bề.

Các cơ sở siêu âm xét nghiệm, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình phải cam kết không thực hiện lựa chọn giới tính khi sinh. Ngành y tế sẽ phối kết hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở siêu âm, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh, in ấn phát hành các tài liệu, ấn phẩm có nội dung về lựa chọn giới tính thai nhi để chấn chỉnh kịp thời những trường hợp vi phạm, liên quan đến lựa chon giới tính khi sinh.

Chuyện của những người thầm lặng kiểm soát "quả bom" dân số ảnh 2Cán bộ dân số truyền thông về kế hoạch hóa gia đình. (Nguồn: TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết các trường hợp sinh con thứ ba trước đây bị xử lý hành chính nhưng nay chỉ đảng viên không được phép vi phạm, còn đối với người dân, các đơn vị liên quan chủ yếu tuyên truyền, vận động mọi người tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Theo ông Hạnh, giảm chênh lệch giới tính khi sinh là nhiệm vụ lâu dài không thể một sớm, một chiều mà làm được. Để làm tốt điều này cần đưa nội dung kế hoạch hóa gia đình vào hương ước, tiêu chí xây dựng làng văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa của địa phương, của dòng họ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho hệ thống dân số địa phương cũng như kinh phí duy trì hoạt động dân số-kế hoạch hóa gia đình; đảm bảo nhân lực và chế độ chính sách cho tuyên truyền dân số.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án mất cân bằng giới tính khi sinh để có biện pháp cụ thể, các biện pháp hỗ trợ lẫn nhau nhằm hạ thấp tỷ suất chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục