Chuyên gia Nga đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Bí thư

Tờ Sự thật của Nga có bài viết tổng hợp phản ứng dư luận về chuyến thăm Liên bang Nga sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chuyên gia Nga đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Bí thư ảnh 1Ông Alexandr Sokolovski.

Ngày 21/11, tờ Sự thật (Pravda.ru) của Nga có bài viết tổng hợp phản ứng dư luận của chính giới, học giả, chuyên gia và những người làm công tác hữu nghị với Việt Nam về chuyến thăm Liên bang Nga sắp tới của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga trân trọng giới thiệu toàn văn bài báo này:

Bước ngoặt của nước Nga về phía Đông không chỉ là đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc, mà còn tăng cường các cuộc tiếp xúc với Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sắp có chuyến thăm Nga, và chuyến thăm này hứa hẹn trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước.

Dự kiến, một trong những chương trình nghị sự là việc Việt Nam tham gia Khu vực thương mại tự do với Liên minh Hải quan. Báo Sự thật cùng với các chuyên gia sẽ đi sâu phân tích mối quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga.

Chuyên gia Nga đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Bí thư ảnh 2Ông Leonid Kalashnikov.

Ông Leonid Kalashnikov, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga, Nghị sỹ của Đảng cộng sản Liên bang Nga trong Quốc hội:

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga có lịch sử lâu đời và phát triển ở mức cao. Theo tôi, hiện nay mối quan hệ này tiếp tục được thúc đẩy trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, công nghiệp và văn hóa. Nga đã và đang cung cấp cho Việt nam các loại vũ khí, hai bên cũng đang hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Tất cả những điều này là bước đi quan trọng để tiếp tục xây dựng và củng cố mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.

Hiện nay Hà Nội đang tích cực chuẩn bị cho việc tham gia vào Khu vực thương mại tự do với Liên minh hải quan (gồm Nga, Kazakhstan, Belarus-). Vấn đề này sẽ trở thành một trong những đề tài thảo luận quan trọng trong các cuộc gặp cấp cao sắp tới giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà lãnh đạo Nga.

Tôi chưa nắm được thông tin ngoài Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do còn những văn kiện nào nữa sẽ được ký kết vì công tác chuẩn bị vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên tôi tin tưởng rằng trong đó sẽ có nhiều thoả thuận về kinh tế.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh quan hệ giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác văn hóa và khoa học. Chúng ta thường xuyên tổ chức các ngày lễ, liên hoan phim và các sự kiện văn hóa khác. Trẻ em hai nước cũng được thăm viếng lẫn nhau qua hình thức luân phiên tổ chức trại hè thiếu nhi.

Hợp tác giữa hai Đảng cộng sản hai nước cũng được duy trì thường xuyên. Các đoàn đại biểu hai đảng định kỳ có chuyến thăm lẫn nhau và ngày 24/11 tới, tôi và Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennadi Zuganov cũng sẽ có cuộc gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tôi cho rằng cả Việt Nam và Trung Quốc đều là những đối tác chiến lược của Liên bang Nga. Các đối tác này đang có tốc độ tăng trưởng rất cao mà ngay cả Mỹ cũng không thể đạt được, và đáng tiếc là Liên bang Nga cũng thế.


Ông Vladimir Buyanov, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt

Theo tuyên bố ở cấp cao, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga có tính chất đối tác chiến lược toàn diện. Chúng ta có rất nhiều văn kiện hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, từ kỹ thuật-quân sự đến kinh tế-thương mại. Hai bên hiện đang hợp tác xây dựng nhà máy điện nguyên tử và lò phản ứng hạt nhân thí nghiệm ở Việt Nam. Nhìn chung rất khó có thể nêu tên lĩnh vực mà Việt Nam và Liên bang Nga không có quan hệ hợp tác. Các mối quan hệ đã có được tiếp tục vun đắp và củng cố qua từng năm.

Việt Nam và Liên bang Nga cũng trao đổi các chuyến thăm cấp cao rất thường xuyên. Tổng thống Putin đã vài lần thăm Việt Nam và Thủ tướng Medvedev cũng đã đến Hà Nội. Trong tuần tới, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm Nga.

Chủ đề được chú ý đặc biệt là việc Việt Nam tham gia Khu vực thương mại tự do với Liên minh hải quan. Tôi được biết Hiệp định này sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm tới. Bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa và nhân văn, nơi đang diễn ra các cuộc tiếp xúc hết sức tích cực.

Nga ủng hộ mọi mặt sự phát triển quan hệ với Việt Nam. Trong đánh giá mối quan hệ hợp tác này cần cần lưu ý là sự phối hợp hành động mang tính chất đôi bên cùng có lợi. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều là đối tác chiến lược quan trọng nhất của chúng ta ở châu Á.

Ông Anton Svetov, chuyên viên Hội đồng đối ngoại Nga

Quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga có quy chế tương đối cao. Trong số các quốc gia châu Á, Việt Nam có vị thế nổi bật trong các ưu tiên đối ngoại của Nga ở khu vực này. Cụ thể, Việt Nam cùng với Trung Quốc và Ấn Độ là 3 quốc gia được Tổng thống Putin xác định là các đối tác then chốt của Nga trong các sắc lệnh đưa ra hồi tháng 5/2012, khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba.

Có thông tin ông Putin sẽ tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại dinh thự riêng ở Sochi. Đây là cử chỉ ngoại giao rất quan trọng cho thấy vị thế đặc biệt của Việt Nam trong số các đối tác ở châu Á.

Giữa hai quốc gia chúng ta không có bất đồng chưa được giải quyết, mặc dù lập trường đôi lúc có thể khác nhau. Ví dụ Nga đã không ủng hộ Việt Nam một cách đầy đủ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông.

Cũng cần lưu ý rằng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga chưa đạt được mức độ phát triển cao tương xứng với quan hệ chính trị. Mặc dù trao đổi thương mại có tăng trưởng ổn định, song Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga, và ngược lại Nga cũng chỉ chiếm trên 1% của Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam có các đối tác đối tác rất lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cơ cấu trao đổi hàng hóa giữa hai bên cũng cần được cải thiện. Nga hiện đang xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu, trong khi đó Việt Nam bán sang Nga cơ bản là hàng máy tính, linh kiện điện tử và thiết bị di động. Nhưng nhìn chung trong lĩnh vực này có tiến triển và đang có thêm nhiều dự án mới.

Tôi cho rằng việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước diễn ra tốt đẹp. Một trong những chương trình nghị sự quan trọng hiện nay giữa Liên bang Nga và Việt Nam là thành lập Khu vực thương mại tự do, dự kiến sẽ chính thức vận hành ngay từ đầu năm 2015 sắp tới.

Bên cạnh đó cũng cần chú trọng vấn đề di trú. Không phải tất cả cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Nga đều là không hợp pháp. Những vụ bắt bớ và trục xuất trong năm vừa qua rõ ràng là không hợp lý và cần được thảo luận để tháo gỡ.

Chuyên gia Nga đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Bí thư ảnh 3Ông Fedor Lukyanov.

Ông Fedor Lukyanov, Tổng Biên tập tạp chí “Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu”

Bước ngoặt về phía Đông trong chính sách đối ngoại của Nga được xác định từ khá lâu trước cuộc khủng hoảng Ukraine. Hiện nay mối quan hệ này được bổ sung động lực mới: Thứ nhất là việc khủng hoảng qua hệ với châu Âu và thứ hai là vị thế của phương Tây trên trường quốc tế thực sự đã suy yếu trông thấy. Như vậy tôi cho rằng vấn đề Nga tái định hướng sang các nước châu Á là không cần phải bàn luận thêm.

Trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Nga là sự kiện quan trọng và thú vị. Hiện nay Việt Nam là quốc gia đang thu hút được sự chú ý của rất nhiều cường quốc, trong đó có Nga và Mỹ.

Tôi cho rằng mặc dù từng có vấn đề phức tạp trong lịch sử song hiện nay lợi ích của Việt Nam và Mỹ đang ngày càng xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Hai nước thậm chí còn bắt đầu tiến hành hợp tác kỹ thuật-quân sự, điều trước đây tưởng chừng như không thể. Điều này liên quan trước hết đến việc cả Việt Nam và Mỹ đều bất an trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Đối với Nga, Việt Nam là người bạn và đối tác truyền thống, hơn thế nữa đây còn là quốc gia phát triển năng động và hết sức thành công. Chúng ta cần Việt Nam để cân bằng sự phát triển quá thiên lệch với Trung Quốc vì bước ngoặt về hướng châu Á thường được hiểu trước hết là sự gần gũi với Bắc Kinh. Điều này là không tồi nhưng nếu cứ tiếp tục tiến xa hơn nữa thì chúng ta sẽ gặp rủi ro do quá lệ thuộc vào Trung Quốc.

Thông qua phát triển mối quan hệ với Việt Nam, Nga có thể cân bằng các cuộc tiếp xúc với Bắc Kinh, và như vậy chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể trở thành một bước đi quan trọng trong hướng này.

Ông Ilya Usov, chuyên gia độc lập

Trong bối cảnh chính trị đối ngoại hiện nay, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan trọng đối với cả Liên bang Nga và Việt Nam. Mới đây Việt Nam vừa đối mặt với sự leo thang tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông, còn sát biên giới Nga cũng đang diễn ra xung đột quân sự có nguy cơ biến thành cuộc giao tranh kéo dài. Cả hai quốc gia đều đang cần đến sự ủng hộ của bè bạn quốc tế. Trong khi đó Việt Nam và Nga lại có quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống và bạn bè thuỷ chung lâu đời.

Cần nhấn mạnh rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm của nhà lãnh đạo chính đảng cầm quyền và duy nhất ở Việt Nam. Nghĩa là chuyến thăm này mang tính chất định hướng cho quan hệ hai nước.

Mặc dù Việt Nam có các mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… và quan hệ chính trị tốt đẹp với hầu hết các cường quốc ở khu vực Đông Nam Á, song trong bối cảnh hiện nay hệ tư tưởng chính là nhân tố đưa Nga và Việt Nam xích lại gần nhau. Ở đây tôi muốn nói đến sự trùng hợp quan điểm của cả hai nước tiến hành chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ trên trường quốc tế.

Không ngạc nhiên khi Việt Nam là một trong những đối tác mua vũ khí lớn nhất của Nga, và càng không ngạc nhiên khi Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng mối quan hệ với Nga.

Ở đây cần lưu ý rằng ngày 19/11 vừa qua tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn đã trình Ủy nhiệm thư lên Tổng thống Putin. Trước khi được cử đi làm đại sứ, ông Nguyễn Thanh Sơn từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tất nhiên hiện nay quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ đang có bước cải thiện đáng kể, song tôi cho rằng đây chỉ là khuynh hướng nhất thời bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam từng nói: “không có gì quý hơn độc lập, tự do.”

Tôi cho rằng Việt Nam sẽ không bao giờ đi ngược lại lời di huấn này. Trong khi đó Nga luôn nhấn mạnh tất cả các quốc gia đều cần phải tiến hành chính sách đối ngoại độc lập và không phải lệ thuộc vào các cường quốc lớn. Vì vậy tôi tin tưởng Việt Nam vẫn sẽ là người bạn, đối tác tin cậy của Liên bang Nga.

Ông Alexandr Sokolovski, Giám đốc Trung tâm văn hóa-giáo dục Việt Nam thuộc Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông

Sau biến cố những năm 1990, quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga có thời gian bị ngưng trệ, song đến đầu những năm 2000 được khôi phục, phát triển và mở rộng. Quan hệ “Đối tác chiến lược” được thiết lập năm 2001 và đến năm 2012 được nâng lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Việt Nam là đối tác then chốt của Nga ở Đông Nam Á.

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị chủ yếu và duy nhất ở Việt Nam, gắn liền với lịch sử đất nước gần như suốt thế kỷ 20. Cần nhấn mạnh rằng chiến lược chung phát triển đất nước là do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xác định.

Vì vậy, chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chính là nhằm tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác giữa Việt Nam với Liên bang Nga.

Trong chương trình nghị sự chuyến thăm, hai bên cũng bàn thảo cả việc tăng cường phối hợp giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng phái chính trị ở Nga, trong đó chủ yếu là đảng cầm quyền “Nước Nga thống nhất” và Đảng Cộng sản Liên bang Nga.

Tôi cho rằng triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga chỉ có thể đi theo chiều hướng tốt đẹp. Quan hệ Việt-Nga là mối quan hệ đã được thời gian thử thách, dựa trên nền tảng sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ cả trong những năm tháng Việt nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ lẫn sự nghiệp xây dựng hoà bình đất nước hiện nay.

Việt Nam là người bạn lâu đời và tin cậy của chúng ta. Giống như trong tiếng Nga có một câu thành ngữ: “Một người bạn cũ tốt hơn hai người bạn mới.” Và tất nhiên chúng ta sẽ không đánh mất những người bạn cũ và tin cậy như Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục