Chuyên gia ngoại “lý thú” vì Việt Nam bêu tên cơ quan "ém" báo cáo

Chuyên gia Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales cho rằng, cần trang bị cho cơ quan chức năng Việt Nam công cụ để đốc thúc các đơn vị Nhà nước nộp báo cáo đúng hạn.
Chuyên gia ngoại “lý thú” vì Việt Nam bêu tên cơ quan "ém" báo cáo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theaccountants.yolasite.com)

Cảm thấy “lý thú” khi biết cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện giải pháp bêu tên các cơ quan chậm nộp báo cáo giám sát tài chính, chuyên gia Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) kể câu chuyện, ở Anh, một cơ quan chậm nộp báo cáo tương tự sẽ phải giải trình trước Quốc hội.

Đây là điều được ông Henning Diderichs, quản lý báo cáo tài chính công ICAEW nói lên trong hội thảo “Chuẩn mực kế toán công quốc tế và báo cáo tài chính của Chính phủ” tổ chức sáng 4/5 tại Hà Nội.

Nói về việc mới đây Bộ Tài chính đã công khai 13 cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện báo cáo kết quả giám sát tài chính, ông Henning Diderichs cho rằng, cái khó trong câu chuyện này là không có một đơn vị đủ sức ép để yêu cầu các cơ quan phải nộp báo cáo đúng hạn.

Kể kinh nghiệm của Anh, đại diện ICAEW cho hay, gần đây, bộ giáo dục của nước này cũng đã chậm nộp báo cáo tài chính. Theo quy định của Anh, năm tài chính kết thúc vào 31/3 hàng năm và chậm nhất là tới 31/3 của năm tiếp theo, các cơ quan đơn vị phải nộp báo cáo tài chính. Tuy nhiên, trường hợp của bộ giáo dục nước này, vì chậm nộp báo cáo nên đã phải xin gia hạn và trình lên cấp có thẩm quyền.

“Ở Anh, có một đơn vị chuyên rà soát báo cáo tài chính các đơn vị Nhà nước. Đơn vị này đã xem báo cáo của Bộ Giáo dục và triệu tập đích thân bộ trưởng cùng giám đốc tài chính của Bộ Giáo dục lên giải trình trước Quốc hội xem lý do gì, chậm trễ ở đâu và kế hoạch sang năm ra sao để khắc phục,” ông Henning Diderichs nói.

Vấn đề theo ông là cần trang bị cho cơ quan chức năng công cụ để đốc thúc các đơn vị Nhà nước nộp báo cáo đúng hạn.

“Chỉ có một cách duy nhất là quy định trong luật, ngoài ra không có cách nào khác,” ông nói.

Nói rộng hơn, vị chuyên gia của ICAEW nhấn mạnh việc cần có được một hệ thống kế toán minh bạch, thống nhất và gia tăng trách nhiệm giải trình. Điều này theo ông là điều kiện tất yếu giúp các đơn vị công cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra được những quyết định quan trọng. Một trong những báo cáo quan trọng ở Anh theo ông là báo cáo tài chính hợp nhất của Chính phủ. Đây là bộ báo cáo tài chính đại diện cho toàn bộ Chính phủ nhằm nhìn toàn cảnh tài sản, nợ phải trả, chi tiêu, các dòng thu nhập chính,…

Về phía mình, ông Vũ Đức Chính, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) cho hay, một bản báo cáo tương tự đã được nói tới trong Nghị định số 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính Nhà nước. Nghị định này có hiệu lực từ 1/1/2018.

Theo ông, để triển khai, cơ quan chức năng đang xây dựng thông tư quy trình lập báo cáo tài chính Nhà nước./.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 28/2, có 13 cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016. Cụ thể, 13 cơ quan này là: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ; tỉnh An Giang; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tỉnh Bắc Giang; tỉnh Cao Bằng; thành phố Cần Thơ; tỉnh Đăk Lăk; tỉnh Kon Tum; tỉnh Phú Yên; tỉnh Quảng Trị; tỉnh Sơn La.

Theo quy định, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm và cách chức đối với cá nhân, tổ chức liên quan thực hiện nhiệm vụ cơ quan đại diện chủ sở hữu nếu vi phạm một số trường hợp trong đó có việc: Không nộp báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp cho cơ quan tài chính theo thời gian hoặc nội dung quy định.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục