Chuyên gia: Tình hình Qatar có thể là khởi đầu của cuộc chiến tranh

Giám đốc Chương trình quan hệ chính trị với các quốc gia vùng Vịnh tại Đại học Washington cho rằng việc cô lập ngoại giao Qatar có thể là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh mới.
Chuyên gia: Tình hình Qatar có thể là khởi đầu của cuộc chiến tranh ảnh 1Trụ sở hãng hàng không Saudi Airlines tại Riyadh ngày 6/6. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sputnik/AP đưa tin Tạp chí Foreign Policy đăng bài phân tích của Giám đốc Chương trình quan hệ chính trị với các quốc gia vùng Vịnh tại Đại học Washington, ông Simon Henderson cho rằng việc cô lập ngoại giao Qatar có thể là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh mới.

Ông Henderson nhận định: "Các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni từ lâu đã tìm cách gây chiến với Iran. Vấn đề Qatar có lẽ chỉ là cái cớ mà họ quyết định sử dụng."

Theo ông, hiện chúng ta có khả năng đang đứng trước ngưỡng cửa một thời khắc lịch sử, có thể so sánh với vụ ám sát hoàng tử Áo Franz Ferdinand tại Sarajevo vào năm 1914. Sự kiện này như một cái cớ chính thức cho sự bùng nổ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Cô lập Qatar không giải quyết được khủng hoảng]

Trong trường hợp này, mục tiêu hình thức của Saudi Arabia và UAE không phải Iran mà là Qatar, quốc gia từ lâu đã đứng ngoài thỏa thuận chung của các nước Arab vùng Vịnh liên quan đến mối quan hệ với Tehran.

Hôm 5/6, một số nước Arab đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc vương quốc này hỗ trợ khủng bố.

Bên cạnh đó, Riyadh công bố lệnh cấm bay đối với hãng hàng không Qatar Airways, đóng cửa biên giới và các cảng của Saudi Arabia với Qatar.

Ngay sau đó, Iran đã lên tiếng ngỏ ý hỗ trợ và sẵn sàng cung cấp ba cảng của mình cho Quatar sử dụng. Riyadh và Abu Dhabi coi động thái này là sự xác nhận của mối quan hệ "nguy hiểm" giữa Doha và Tehran.

Theo quan điểm của ông Henderson, Washington có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu tình hình có khả năng bùng nổ này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ở một vị trí thuận lợi, vì trước khi nhậm chức, ông đã lãnh đạo ExxonMobil - công ty nước ngoài chính hoạt động trong lĩnh vực năng lượng ở Qatar.

Ông Henderson viết: "Washington phải hành động nhanh chóng và ngăn chặn các bước tiến tới chiến tranh chứ không phải chờ cho đến khi cuộc chém giết bắt đầu."

Trong khi đó, Mỹ có khả năng không đóng vai trò trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab khác.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Washington tin rằng tốt nhất là các nước trong khu vực tự giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Người phát ngôn này chỉ nhấn mạnh Mỹ đang tìm cách giải quyết cuộc xung đột này và đảm bảo rằng Mỹ và các đối tác Arab vẫn đoàn kết trong nỗ lực chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục