Chuyện người Xôviết mừng chiến thắng của Việt Nam

Hơn 40 năm trước, người dân Liên Xô luôn dõi theo cuộc chiến Việt Nam và với họ, Hiệp định Paris là một kỳ tích, niềm vui lớn.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tôi nhớ lại một chuyện có liên quan trực tiếp đến sự kiện lịch sử này trong số muôn vàn sự kiện, kỷ ức về những người xôviết đã kề vai, sát cánh với chúng ta trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những năm tháng chúng ta kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Liên Xô đã ủng hộ, giúp đỡ vô cùng chí tình và hiệu quả. Mỗi người xôviết đều dõi theo những tin tức thời sự về Việt Nam, trăn trở lo lắng cho số phận những thành phố, làng mạc, những người dân Việt Nam trong mưa bom, bão đạn của Mỹ. Người xôviết cũng rất tự hào về mỗi thắng lợi của quân và dân ta. Và trong mỗi người xôviết luôn luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình cho Việt Nam.

Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 đánh dấu việc chúng ta đã “đánh cho Mỹ cút.” Chúng ta rất hiểu, đây mới chỉ là một bước, để đi đến hòa bình và thống nhất đất nước thì chặng đường tiếp theo còn lắm chông gai. Nhưng với dư luận Liên Xô thì việc ký kết Hiệp định Paris đã là một kỳ tích.

Cuộc chiến quá khốc liệt, qua phương tiện truyền thông đại chúng, người xôviết cảm giác Việt Nam có thể bị hủy diệt, bị đẩy trở lại thời kỳ đồ đá! Cho nên, Hiệp định hòa bình Paris như trút bỏ được gánh nặng lo âu cho vận mệnh của nhân dân Việt Nam trong trái tim mỗi người xôviết. Người dân Liên Xô, tùy theo hiểu biết và tính cách của mình, đã có cách biểu hiện khác nhau, nhưng ai nấy đều hân hoan hạnh phúc trước thắng lợi lịch sử của Việt Nam.

Tôi nhớ rõ buổi sáng hôm đó - sáng Chủ Nhật 28/1/1973. Mùa Đông Nga. Rét đậm. Tôi là sinh viên năm thứ nhất Khoa Báo chí Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva mang tên Lomonosov. Chúng tôi ở khu ký túc xá 5 tầng trên đại lộ Míttrurinxki.

Còn ngon giấc, tôi và ba bạn sinh viên Nga ở cùng phòng bỗng nghe tiếng đập cửa rầm rầm và tiếng bà lao công ở tầng 3 của chúng tôi la hét gì đó rất lạ! Đang ngái ngủ, chúng tôi cứ tưởng bà chửi mắng ai đó. Bởi thường ngày bà rất hay bực bội, cáu gắt do đám sinh viên chúng tôi nhiều khi vứt rác bừa bãi, làm vương vãi nước khắp sàn bếp, khắp hành lang khiến bà phải lau chùi, dọn dẹp vất vả.

Chúng tôi định cứ trùm chăn đánh bài “lờ,” vì hôm đó không đi học. Với lại chúng tôi nghĩ, ngày Chủ Nhật thì bà lao công chẳng có “phận sự” gì ở ký túc xá cả! Nhưng bà cứ đấm cửa, cứ kêu ầm lên. Rồi chúng tôi cũng nghe được hai tiếng “Việt Nam,” “Việt Nam ơi”… Tưởng rằng bà gọi tôi ra để mắng nhiếc, cẩm thấy không thể “trốn thoát” nên tôi đành vùng dậy mở hé cửa xem sự tình ra sao. Tôi vừa ló đầu ra thì bà lập tức ôm lấy đầu tôi, miệng liếng thoắng “Con trai ơi, hòa bình rồi, hòa bình rồi nhé!”

Rồi bà tiếp tục nói toáng lên “Ơn trời, lạy trời, mọi chuyện kết thúc rồi!”… Thực tế là lúc đó tôi chưa hiểu ra ngô khoai chuyện gì, bởi mới năm thứ nhất đại học thì trình độ tiếng Nga của tôi còn xoàng lắm, mà bà lao công thì la hét, tỏ ra hết sức xúc động. Trong khi tôi còn ngẩn tò te thì ba bạn sinh viên Nga ở chung phòng đã hiểu ra mọi chuyện, họ cũng bật dậy luôn và mở cửa cho bà vào hẳn trong phòng.

Bà run run kể, sáng nay vừa nghe đài, biết ở Paris đã ký kết hiệp định, chiến tranh chấm dứt rồi, hòa bình đến rồi, Việt Nam thanh bình rồi. Bà lại ôm lấy tôi, luôn mồm “con ơi,” “con ơi” (cынок, cынок), vỗ vỗ vào vai, vào lưng tôi rồi giàn giụa nước mắt. Bà lay lay vai tôi, chúc mừng, sung sướng không tả xiết, mộc mạc, chân tình… Bà nói, hôm nay ngày nghỉ nhưng vội vàng đến ngay ký túc xá để “chúc mừng chúng mày, chúc mừng các con.”

Các bạn Nga cùng phòng lúc đó cùng quay sang nắm tay tôi nồng nhiệt chúc mừng chiến thắng, mừng Việt Nam hòa bình… Một lát sau, bà lao công trở ra, đi dọc hành lang, đấm đấm vào cửa những phòng khác, kêu rất to “Việt Nam hòa bình rồi!..”.

Những giờ sau, những ngày sau đó của năm 1973 và sau này, ngày 30 tháng 4, ngày 1 tháng 5 năm 1975, chúng tôi, những sinh viên Việt Nam trên đất nước xôviết, đã sung sướng và tự hào tiếp nhận muôn vàn lời chúc mừng của bạn bè, thầy cô, của những người dân xôviết về chiến thắng vĩ đại của chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Người xôviết coi đó là thắng lợi chung, một thắng lợi mà họ đã có phần đóng góp bằng tâm hồn, trí tuệ, bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình./.

Nguyễn Đăng Phát (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục