Clean & Security VPN và nỗi lo người dùng cảnh giác với ứng dụng Việt

Chuyên gia trong lĩnh vực lập trình cho rằng, vụ “Clean & Security VPN” bị "bóc mẽ" sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của người dùng đối với những sản phẩm “Made in Vietnam.”
Clean & Security VPN và nỗi lo người dùng cảnh giác với ứng dụng Việt ảnh 1"Clean & Security VPN" lọt Top các ứng dụng cho doanh thu lớn. (Nguồn: medium.com)

Trước thông tin về ứng dụng “Clean & Security VPN” của nhà phát triển mang tên “Ngan Vo Thi Thuy” bị “bóc mẽ” là đem lại ít giá trị nhưng thu về hơn 80.000 USD mỗi tháng, chuyên gia trong lĩnh vực lập trình cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của người dùng đối với những sản phẩm “Made in Vietnam.”

Ảnh hưởng tiêu cực

Năm 2014, trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông gây ra sự chú ý cho cộng đồng công nghệ và người dùng toàn cầu, nhiều chuyên gia đã cho rằng đây là một bước “đánh dấu” vị trí của lập trình viên Việt trên bản đồ công nghệ với những trò chơi, ứng dụng ​quốc tế.

Từ sau “cú hích” của chú chim đập cánh ấy, những người làm lập trình Việt đã thêm quyết tâm để đưa sản phẩm của mình ra thế giới. Trong số đó, có những ứng dụng đã trở nên nổi tiếng, có cộng đồng người dùng rộng khắp như Khu vườn trên mây, Dead Target (của VNG), Monkey Junior (Early Start), Politaire (Pine Entertainment)…

Với những nỗ lực ấy, các sản phẩm Việt đang có những bước tiến vững vàng. Nhưng mới đây, trang medium.com lại đăng tải bài viết của chuyên gia Johnny Lin về ứng dụng “Clean & Security VPN” và “bóc mẽ” nhà phát triển Ngan Vo Thi Thuy đã thu về số tiền lên tới 80.000 USD mỗi tháng trong khi ứng dụng không mang lại nhiều giá trị.

Và, sau khi dư luận trong nước đăng tải thông tin vào ngày 13/6, cùng ngày, ứng dụng này đã không còn tồn tại trên Apple Store.

[Ứng dụng Việt gian lận kiếm hơn 80.000 USD mỗi tháng qua AppStore?]

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, đại diện của Bluebird Award (thi lập trình trò chơi và ứng dụng trên thiết bị di động) cho rằng đây là “hành động không đẹp.” Tình trạng này không phải bây giờ mới có mà luôn tồn tại trong ngành di động nói chung và trò chơi, ứng dụng nói riêng.

Đồng tình, anh Thái Thanh Liêm (sáng lập Pine Entertainment, sở hữu Politaire-được Apple đã chọn là một trong 10 tựa game hay nhất của năm 2016) cho rằng, cá thể này [tác giả của Clean & Security VPN-pv] không chỉ có ở Việt Nam mà các nước khác như Trung Quốc cũng có tương đối nhiều.

Anh Liêm cũng nhận định sẽ không có chuyện Apple hoặc Google “cạch mặt” các nhà phát triển Việt khi những “gã khổng lồ” này đang định hướng phát triển với cái nhìn tích cực với cộng đồng lập trình viên và thị trường smartphone ở Việt Nam.

“Tuy nhiên, trở ngại lớn sẽ đến từ người dùng quốc tế và cái nhìn của họ về những sản phẩm Made in Vietnam sau sự việc này là có,” anh Liêm thẳng thắn.

Vị đại diện của Bluebird Award cũng cho rằng, sự việc này sẽ có ảnh hưởng rất không tốt tới cộng đồng các nhà phát triển Việt Nam, đặc biệt là các nhà phát triển độc lập hoặc các studio quy mô vừa và nhỏ.

Thức tỉnh?

Phân tích sự việc của “Clean & Security VPN,” Thái Thanh Liêm cho rằng cá thể này vận hành ứng dụng dưới dạng cá nhân, nếu bị Apple hoặc Google phát hiện, họ sẽ tạo tài khoản khác và tiếp tục đưa ứng dụng lên nên rất khó kiểm soát.

Anh Liêm cho rằng, Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có ít hiểu biết về làm trò chơi, ứng dụng so với bạn bè trên thế giới, tính sáng tạo thường bị coi nhẹ trong quá trình làm sản phẩm. Bởi vậy, nhiều người thường dùng chiêu trò, thủ thuật để đưa ứng dụng tới tay người dùng, tăng số lượng sử dụng.

“Tôi hy vọng Google và Apple sẽ có cơ chế kiểm duyệt tốt hơn để bảo đảm quyền lợi của khách hàng cũng như tạo thêm niềm tin cho người mua ứng dụng, bảo vệ những nhà phát triển chân chính,” anh Liêm bày tỏ.

Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị các lập trình viên nên tập trung vào sáng tạo chất lượng của ứng dụng để tạo điểm phóng cho mình. Đây cũng là “điểm cộng” được Apple và Google ủng hộ.

[Ứng dụng Việt kiếm 80.000 USD mỗi tháng "biến mất" khỏi Apple Store]

Là một trong những đơn vị tổ chức thi lập trình tại Việt Nam, đại diện Bluebird Award cho biết công cuộc thay đổi nhận thức trong cộng đồng làm sản phẩm vẫn là một bài toán khó. Bởi vậy, Bluebird Award này sẽ tạo ra “sân chơi sạch, nhằm thay đổi định kiến xã hội và tư duy của những nhà phát triển sản phẩm Việt Nam.”

“Bluebird Award lần thứ ba được phát động vào 22/6 tới. Và, ngay từ năm đầu tiên của mùa giải, chúng tôi đã có những yêu cầu nghiêm ngặt trong quy định của cuộc thi. Ngoài việc không được vi phạm các chính sách của Google, Apple, Ban tổ chức còn đưa ra những quy định để giảm thiểu việc thí sinh clone (sao chép ý tưởng) sản phẩm đã có trên thị trường. Việc kiểm duyệt sản phẩm cũng rất khắt khe khi hội đồng duyệt từng sản phẩm trong nhiều ngày,” đại diện đại diện Bluebird Award nói.

Nhận định vài năm gần đây cộng đồng làm game, ứng dụng đã có cái nhìn nghiêm túc hơn trước về sản phẩm của mình, c​anh Thái Thanh Liêm hy vọng qua vụ việc “Clean & Security VPN” bị “bóc mẽ,” những người làm lập trình game, ứng dụng còn mơ hồ sẽ thức tỉnh để tạo ra những sản phẩm đem lại giá trị cho người dùng.

Và, có lẽ, chỉ có vậy, những tựa game, ứng dụng của các lập trình viên Việt Nam mới thực sự tạo nên chỗ đứng vững chắc trong lòng người dùng toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục