Có 95% doanh nghiệp "hài lòng" với hệ thống thông quan điện tử

Tốc độ phản hồi thông tin, tính ổn định hay khả năng truy cập của hệ thống thông quan điện tử (VNACCS) được cộng đồng doanh nghiệp cho biết cảm thấy rất hải lòng hoặc hài lòng.
Có 95% doanh nghiệp "hài lòng" với hệ thống thông quan điện tử ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tốc độ phản hồi thông tin, tính ổn định hay khả năng truy cập của hệ thống thông quan điện tử (VNACCS) sau 18 tháng thực hiện được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao với phần lớn tỏ ra hài lòng hoặc rất hài lòng.

Doanh nghiệp tiết kiệm được hàng nghìn USD

Đưa ra thống kê trong hội nghị tham vấn do Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 3/11, bà Đào Thị Thu Thủy, Phó trưởng phòng Giám quản 1, Cục Quản lý và Giám sát về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan chức năng vừa khảo sát hơn 300 doanh nghiệp trên cả nước về hệ thống VNACCS.

Theo kết quả ghi nhận, bà Thủy cho biết, có tới 95% doanh nghiệp được hỏi tỏ ra hài lòng với hệ thống thông quan điện tử sau 18 tháng triển khai. Đối tượng doanh nghiệp được chọn theo bà Thủy được lựa chọn ngẫu nhiên trong hệ thống với thời gian khảo sát từ ngày 7/10 tới 20/10.

Với tốc độ phản hồi thông tin, báo cáo cho thấy, có 18% số doanh nghiệp cảm thấy "rất hài lòng" và 79% "hài lòng." Tỷ lệ đơn vị cảm thấy chưa hài lòng chiếm 3% trong số các doanh nghiệp được khảo sát.

Tính ổn định và khả năng truy cập của hệ thống cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Theo đó, 15% doanh nghiệp được hỏi tỏ ra rất hải lòng, 75% cho biết hài lòng và 10% chưa hài lòng.

Một số ý kiến tỏ ra không hài lòng xuất phát từ thực tế như: tốc độ phản hồi với mã vạch của danh sách container, tiêu chí khai báo trên tờ khai không phản ánh đúng thông tin cần khai báo, việc liên hệ với bộ phận hỗ trợ phải chờ lâu,...

Đây là những vấn đề được đại diện Tổng cục Hải quan cho biết đã nắm được và thừa nhận những phản ánh trên chính là những hạn chế của hệ thống VNACCS. Tuy nhiên, về tổng quan, bà Thủy thống kê, đã có 12% cảm thấy rất hài lòng và 83% doanh nghiệp hài lòng. Tỷ lệ doanh nghiệp cảm thấy chưa hài lòng là 5%.

Cụ thể hơn về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Brother Việt Nam đánh giá, việc khai báo và nhận kết quả đối với mỗi tờ khai của doanh nghiệp chỉ còn khoảng 15 giây thay vì 2 phút như trước. Tính ra, mỗi tháng doanh nghiệp này tiết kiệm được khoảng hơn 6.000 phút, tức là khoảng 100 giờ mỗi tháng.

Theo tính toán của đại diện Brother Việt Nam, việc rút ngắn thời gian, giảm nhân lực đã giúp công ty tiết kiệm khoảng hơn 12.000 USD mỗi tháng.

Sẽ có thêm chức năng mới cho doanh nghiệp

Tỏ ra hài lòng với hệ thống thông quan điện tử nhưng cũng chính bà Vũ Thị Thời, Chủ nhiệm Phòng Xuất nhập khẩu Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Brother Việt Nam chỉ ra tình trạng một số dòng hàng của đơn vị nãy bỗng bị nhảy sang luồng đỏ mà không rõ lý do.

Cho biết thêm, ông Màu Quang Hưng, Phó phòng phụ trách xuất nhập khẩu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh) góp ý, hệ thống thông quan điện tử nên thay đổi tính năng phù hợp hơn với thực tế.

Có 95% doanh nghiệp "hài lòng" với hệ thống thông quan điện tử ảnh 2Hệ thống VNACCS sẽ có thêm nhiều chức năng mới trong thời gian tới để giảm thời gian thông quan. (Ảnh: TTXVN)

Ví dụ được ông Hưng đưa ra là giới hạn dòng hàng khai báo chỉ 50 dòng cho mỗi 1 tờ khai. Theo ông, với những doanh nghiệp đóng tàu như đơn vị ông, số lượng mặt hàng lớn có thể lên tới hàng nghìn mỗi đợt nhập về Việt Nam. Với giới hạn chỉ 50 dòng hàng mỗi tờ khai, ông cho biết, đây là một trong những bất cập trong quá trình thực hiện thủ tục và gây kéo dài thời gian.

Một vấn đề khác được các doanh nghiệp nêu lên là tình trạng nộp thuế rồi nhưng hệ thống vẫn báo nợ thuế và doanh nghiệp không truyền được tờ khai. Đại diện các đơn vị cho biết, tình trạng trên đã được doanh nghiệp báo cho phía cơ quan chức năng ngay sau khi phát hiện nhưng thời gian xử lý phải mất tới 1 ngày.

Ghi nhận những ý kiến này, bà Đào Thị Thu Thủy, đại diện Tổng cục Hải quan thừa nhận, hệ thống mới chỉ dùng khoảng 50% số lượng chức năng và thủ tục cần thực hiện. Đây là vấn đề theo bà liên quan tới nhiều đơn vị, bộ, ngành.

Tuy nhiên, bà Thủy nhấn mạnh, việc chưa dùng triệt để như trên dẫn tới việc để có thông tin trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan, một số khâu hiện vẫn phải sử dụng giấy như: kiểm tra giấy phép, kiểm tra chất lượng,... Điều này theo bà chắc chắn sẽ làm tăng thời gian thông quan và giảm tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, do có nhiều hệ thống "vệ tinh" nên để thực hiện trọn vẹn 1 quy trình xuất nhập khẩu, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, phía hải quan phải trông chờ vào nhiều hệ thống khác để xử lý kết quả cuối cùng.

"Nếu các hệ thống vệ tinh không thông suốt cũng làm kéo dài thời gian thông quan của doanh nghiệp," bà Thủy nói.

Đánh giá thêm, ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan chức năng đang nghiên cứu đưa vào sử dụng thêm các cấu phần của hệ thống thông quan điện tử như: cấu phần một cửa quốc gia, bản lược khai hàng hóa, quản lý hàng đi và đến cửa khẩu,...

Việc triển khai những cấu phần này theo ông hy vọng sẽ làm giảm thời gian thông quan và quản lý chặt chẽ hơn các dòng hàng./.

Ngày 1/4/2014, hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã chính thức đi vào hoạt động và tới nay, 100% chi cục hải quan trên toàn quốc đã thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống này.

Hệ thống gồm các phần mềm chủ yếu như khai báo điện tử, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, C/O điện tử, phân luồng, quản lý hồ sơ rủi ro, tiêu chí rủi ro, quản lý doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thông quan và giải phóng hàng,... Qua đó, hệ thống này xử lý tập trung cả 3 khâu: trước, trong và sau thông quan. Hệ thống cho phép kết nối giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp, các bộ ngành, ngân hàng, hãng vận tải, đại lý hải quan, kho bãi…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục