Cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL

Dự án WB 5 được thực hiện để cải thiện hệ thống giao thông, giảm tắc nghẽn, làm thông suốt các tuyến đường bộ, đường thủy ở ĐBSCL.
Ngày 13/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Quản lý các Dự án đường thủy nội địa phía Nam đã tổ chức họp sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện “Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long” (Dự án WB 5) giai đoạn 1.

Dự án WB 5 sử dụng vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), vốn viện trợ của Chính phủ Australia ủy thác qua WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng nguồn vốn 312,02 triệu USD.

Khởi công năm 2007, đến nay dự án đã giải ngân 165 triệu USD (chiếm 53% tổng vốn đầu tư), cơ bản hoàn thành bốn gói thầu xây lắp trên Quốc lộ 53, 54; hoàn thành nạo vét 63km trong 253km kênh cấp 3.

Hiện 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thi công 32 công trình giao thông do địa phương quản lý; trong đó các công trình thuộc bảy tỉnh An Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng và Vĩnh Long đã hoàn thành. Các công trình, hạng mục còn lại đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật hoặc đang thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Dự án WB 5 giai đoạn 1 được chia làm bốn hợp phần. Hợp phần A: nâng cấp, cải tạo các tuyến Quốc lộ 53, 54, 91 đạt tiêu chuẩn cấp 2, cấp 3 và cấp 4 đồng bằng (tổng chiều dài 98km); xây dựng lại mặt đường bằng hai lớp bêtông nhựa nóng trên lớp móng cấp phối đá dăm; thay thế các cầu trên tuyến bằng cầu dầm bêtông cốt thép.

Hợp phần B: nạo vét, nâng cấp hai tuyến hành lang đường thuỷ quốc gia tổng chiều dài 356km gồm hành lang phía Bắc xuyên Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên; hành lang duyên hải phía Nam, đoạn Giá Rai-Bạc Liêu-Đại Ngãi đạt tiêu chuẩn cấp 3, nâng cấp các cầu hiện hữu trên kênh bằng cầu dầm bêtông cốt thép.

Hợp phần C: nâng cấp 205km tỉnh lộ thuộc 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; cải tạo một số tuyến đường thủy địa phương và bến bốc xếp. Hợp phần D: đầu tư hỗ trợ thể chế cho Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh.

Dự án WB 5 được thực hiện nhằm cải thiện hệ thống giao thông, giảm thiểu tắc nghẽn, làm thông suốt các tuyến đường bộ và đường thủy then chốt tại Đồng bằng sông Cửu Long góp phần đi lại, lưu thông hàng hóa giảm chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ và các đầu mối xuất khẩu; đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo trong khu vực./.

Thế Đạt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục