Cổ đông Sacombank thông qua đề án sáp nhập Southern Bank

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã thông qua đề án sáp nhập Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank.
Cổ đông Sacombank thông qua đề án sáp nhập Southern Bank ảnh 1Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã thông qua đề án sáp nhập Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank.

Ngày 11/7, tại đại hội đồng cổ đông bất thường 2015, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã thông qua đề án sáp nhập Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank. Cụ thể kết quả kiểm phiếu cho thấy, gần 94% cổ đông tham dự đại hội đồng ý với đề án sát nhập. 

Theo đề án sáp nhập Sacombank và Southern Bank được công bố, tỷ lệ hoán đổi cổ phần được đại hội thông qua theo tỷ lệ: 1 cổ phần của Southern Bank (PNB) sẽ hoán đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank (STB).

Đồng thời, 1 cổ phần của cổ đông Sacombank tại ngày chốt danh sách để hoán đổi cổ phần khi sáp nhập sẽ nhận thêm 0,3875 cổ phần Ngân hàng sáp nhập, bao gồm: cổ phần nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi cổ phần Southem Bank (0,0875 cổ phần); trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013 (0,080 cổ phần); trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2014 (0,120 cổ phần); thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ (0,0875 cổ phần) và từ thặng dự vốn cổ phần (0,0125 cổ phần). 

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết: Trong quý III/2015, việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank sẽ tiến hành xin cơ quan quản lý chấp nhận nguyên tắc và hoàn tất. Tiếp theo đến quý IV/2015, ngân hàng sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu.

Sau khi sáp nhập, Ngân hàng sáp nhập vẫn giữ tên "Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)" có vốn điều lệ đạt 18.853 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 290.861 tỷ đồng. Sacombank sẽ có mạng lưới hoạt động tăng lên 567 điểm giao dịch ở Việt Nam, Campuchia, Lào với tổng số cán bộ, nhân viên là 15.510 người và khoảng 3,5 triệu khách hàng.

Bên cạnh đó, tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ với khách hàng sau sáp nhập vẫn được đảm bảo, đồng thời với nguồn lực vốn mạnh hơn trước, Ngân hàng sau khi sáp nhập được kỳ vọng nâng cao hơn nữa về quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tăng khả năng cung ứng vốn ra thị trường. 

Nhận định về thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, bà Nguyễn Thị Phi Loan, Cục phó Cục thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Sacombank tiến hành đại hội cổ đông theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo các thủ tục pháp lý cần thiết.

Dựa trên các đánh giá về năng lực kinh doanh và năng lực hoạt động nội tại của từng ngân hang, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank và nhận thấy phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của thị trường ngân hàng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank sẽ góp phần tích cực trong việc tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ v à Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu, ổn định nền kinh tế và hệ thống ngân hàng theo hướng an toàn, bền vững. 

Bà Nguyễn Thị Phi Loan nhấn mạnh, việc sáp nhập giữa hai bên dựa trên cơ sở tự nguyện của Sacombank và Southern, nhận được tỷ lệ đồng thuận cao của đa số cổ đông, nên đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên, gồm xã hội và nhà nước, cổ đông, khách hàng cũng như đội ngũ nhân viên. 

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố dựa trên số liệu của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thực tế tại Southern Bank ở thời điểm tháng 6/2012 là 45,6% và tháng 11/2013 lên đến 55,31%. Ngoài ra, theo số liệu thống kê, hiện tại nợ xấu Sacombank là 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của Southern Bank cuối tháng 12/2013 là 3,39%.

Mặt khác, tính đến cuối phiên giao dịch ngày 10/7/2015, cổ phiếu STB chốt ở mức giá 19.900 đồng, tương ứng với vốn hoá thị trường của Sacombank đạt 22.725 tỷ đồng. Cùng thời điểm, cổ phiếu PNB ở mức giá khoảng 6.000 đồng, tương ứng với mức vốn hoá thị trường của Southern là 2.400 tỷ đồng. Từ những số liệu trên có thể thấy sự vượt trội về thực lực của Sacombank so với Southern Bank trước khi hai ngân hàng hoàn tất đề án sáp nhập. 

Trong đề án sáp nhập được đại hội đồng cổ đông bất thường 2015 Sacombank công bố cũng chỉ rõ những thách thức lớn mà ngân hàng này phải đối mặt như năm 2015 Sacombank phải trích lập hơn 1.800 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, tiếp theo năm 2016 là 3.109 tỷ đồng và năm 2017 là 5.200 tỷ đồng. Đồng thời, phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% ngay từ năm đầu tiên sáp nhập hai ngân hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng sáp nhập cũng tồn tại một số nguy cơ gồm: nợ xấu phát sinh, tăng trưởng và lợi nhuận, áp lực kinh doanh và thanh khoảng, khó khăn tích hợp hệ thống kế toán và công nghệ thông tin, giải quyết tồn đọng tài chính... 

Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank nhấn mạnh: Việc Southern Bank sáp nhập vào Sacombank phù hợp với định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhằm mang đến cho thị trường những định chế tài chính lớn mạnh, an toàn và chuyên nghiệp hơn. Mặt khác, sự sáp nhập này còn góp phần giảm bớt số lượng các tổ chức tín dụng, mang lại những lợi ích cho cả hai ngân hàng nói riêng và ngành ngân hàng nói chung ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục