Cơ hội để hàng Việt Nam trụ vững tại nông thôn

Thị trường nông thôn đang là đất sống và phát triển của hàng Việt Nam bởi thu nhập nông dân đang tăng cùng chính sách kích thích sản xuất.
Thị trường nông thôn - tiềm năng còn bỏ ngỏ là nhận định làm cơ sở cho chiến dịch vận động đưa hàng hóa về nông thôn được Bộ Công Thương, Hiệp hội các ngành hàng và các doanh nghiệp Việt Nam rầm rộ tiến hành trong thời gian vừa qua.

Khi chủ trương này được đưa ra, nhiều ý kiến cũng lật lại vấn đề: Tiềm năng kinh tế của thị trường nông thôn là như thế nào, sức mua ở đâu, năng lực tài chính của những thượng đế nông dân ra sao...? Tuy nhiên, những cuộc thử của các doanh nghiệp tại các địa bàn khắp Bắc, Trung, Nam cho thấy thị trường nông thôn thực sự là một mảnh đất tiềm năng.

Chịu ăn, chịu sắm

Đầu tư gần 70 triệu mở một tiệm tạp hóa làng ngay tại nhà ở thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam, ban đầu vợ chồng chị Kiều Minh Nguyệt cũng không khỏi lo lắng về tương lai của cơ nghiệp kinh doanh.

Một làng quê nhỏ, hai năm gần đây có đến gần chục tiệm tạp hóa như của vợ chồng chị ra đời, chưa kể đến cái chợ cóc đầu làng hình thành từ mấy bà, mấy chị buôn thúng, bán mẹt, nay cũng thành một cái chợ làng thực sự với đầy đủ các mặt hàng được họp hàng ngày chứ không phải theo phiên như chợ huyện ngày trước.

Tuy nhiên sau gần 1 năm kinh doanh, đến nay đều đặn tiệm tạp hóa này cũng mang lại cho vợ chồng chị Nguyệt thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng - một khoản thu nhập không nhỏ so với mặt bằng kinh tế nông thôn.

“Nông thôn bây giờ cũng khấm khá rồi, nhiều nhà có điều kiện cho con uống sữa tươi hàng ngày, thậm chí nhiều loại sữa bột tương đối đắt tiền cũng tiêu thụ được. Bánh kẹo, đường sữa, bia hơi, bia chai, mỳ gói là những mặt hàng chạy nhất ở đây. Kinh tế khá giả hơn nên dân nông thôn bây giờ cũng chịu ăn, chịu sắm lắm. Phần lớn những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày này là hàng Việt Nam hoặc hàng liên doanh sản xuất tại Việt Nam", chị Nguyệt cho biết.

Có người mua mới có người bán. Thực tế nhiều cuộc thử nghiệm đưa hàng hóa về nông thôn của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian gần đây cho thấy sức mua của thị trường nông thôn thực sự là một mảnh đất màu mỡ. Tại nhiều địa phương đã diễn ra các chiến dịch đưa hàng Việt về nông thôn, đa phần người dân đều rất hào hứng khi tham gia phiên chợ, hội chợ với sức mua lớn cho thấy tiềm năng kinh tế của các thượng đế nông thôn khá dồi dào và hàng Việt đủ sức hấp dẫn nếu đánh trúng tâm lý người tiêu dùng.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, ông Phan Thế Ruệ cho biết, việc tổ chức đưa hàng về nông thôn bán còn gặp nhiều khó khăn như không gian tổ chức, cách tiếp cận cũng như phải tuyên truyền cho người dân hiểu về hàng Việt Nam. Tuy nhiên, ông Ruệ cho rằng, thuận lợi lớn nhất để hàng Việt về nông thôn là nhu cầu và sức mua của dân vẫn rất lớn.

Phó giám đốc Công ty sữa Nutifood, ông Lê Văn Lộc cũng nhận định thị trường nông thôn đang là đất sống và phát triển của hàng Việt Nam bởi thu nhập nông dân đang tăng trưởng, cộng thêm các chính sách bảo hộ và kích thích sản xuất nông nghiệp đang làm nông thôn nhanh chóng trở thành nơi tiêu thụ hàng tiêu dùng ngày càng nhiều.

Số liệu về kết quả khảo sát thị trường của AC Nielson cũng cho thấy, thị trường nông thôn chiếm 70% dân số, nhưng mới chỉ chiếm 14% thị trường bán lẻ. Doanh thu hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường nông thôn hiện nay khoảng 13.000 tỷ đồng mỗi năm, song trung bình mỗi doanh nghiệp mới chỉ khai thác được 14% doanh số của thị trường này, ngay cả những doanh nghiệp “giỏi” nhất cũng chỉ đạt 25%.

Trụ vững với nông thôn

Khác với thị trường thành thị, hàng ngoại được chuộng với ưu thế chất lượng cao với các thương hiệu tên tuổi thì tại thị trường nông thôn, hàng ngoại (cụ thể là hàng Trung Quốc) được chuộng với ưu thế là giá rẻ, mẫu mã đa dạng, nguồn hàng dồi dào.

Ngoài nguồn hàng Trung Quốc hiện diện khá phổ biến ở thị trường nông thôn, các ngành hóa mỹ phẩm, đồ uống và hàng tiêu dùng khác đến từ các hãng nước ngoài cũng đã bám trụ tốt ở khu vực này do sớm nhận thấy tiềm năng của thị trường nông thôn và đã có những chiến lược bài bản khai thác thị trường này.

Ngay khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam, những doanh nghiệp trên đã liên kết với hệ thống bán hàng khắp các tỉnh thành trên cả nước thành lập và đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng, giám sát bán hàng rất giỏi để bám trụ từng vùng và từng khu vực. Ngoài ra, với kinh phí dồi dào, họ còn thông qua những chương trình quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, mà nhất là đài truyền hình để khai thác triệt để thị trường. Chính vì thế, nhiều nhãn hàng của họ đã bám rễ ở thị trường nông thôn bằng những sản phẩm phù hợp.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm nội địa sau khi mất thị trường xuất khẩu do ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế thế giới, giờ đây mới “nhìn” lại “sân nhà”. Để giành lại thị phần và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước đến với chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” dù thời gian đầu khai thác thị trường này gặp rất nhiều khó khăn vì phần lớn các sản phẩm đều bán với giá vốn, đã vậy còn tốn kinh phí để vận chuyển, khuyến mãi, hậu mãi.

Mặc dù chưa lớn mạnh, nhưng qua 6 lần tham gia các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, những doanh nghiệp tham gia đã từng bước gây dựng được các nhà phân phối, các đại lý cấp 2 vừa làm nhiệm vụ bán hàng vừa giữ hàng để bổ sung hàng, tránh đứt hàng sau khi các phiên chợ kết thúc. Và cũng khá nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp được với thị trường nông thôn và có những điều chỉnh phù hợp.

Giám đốc bán hàng Công ty Mỹ Hảo, ông Trần Phú Quốc cũng cho rằng, điều quan trọng khi bán hàng Việt về nông thôn là các vấn đề phát sinh trên hệ thống bán hàng phải được xác định và điều chỉnh kịp thời. Do hàng bán được về nông thôn phải là hàng giá rẻ, có trọng lượng nhỏ, lợi nhuận dựa trên số nhiều là chính nên khi mới tiếp cận sẽ rất khó khăn, lợi nhuận thấp, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược lâu dài và có nguồn nhân lực hùng hậu cũng như kiên trì trong việc thiết lập hệ thống phân phối.

Sự chào đón của người dân cho thấy hàng Việt vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Vấn đề là làm thế nào để hàng Việt đến gần với người dân nông thôn nhất và làm thế nào để sức mua của thị trường này là lâu bền chứ không chỉ lên-xuống theo đừng đợt vận động.

Điều đó chỉ có thể được hóa giải khi các doanh nghiệp có các sản phẩm phù hợp và mở rộng các hình thức phân phối linh hoạt và đa dạng hơn. Cùng với đó, ở một góc độ khác, chính tiềm lực kinh tế khu vực nông thôn được cải thiện thông qua các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống kinh tế xã hội khu vực nông thôn mới là lối mở rộng nhất để hàng Việt trụ vững với thị trường này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục