Cơ hội và thách thức của ASEAN sau 50 năm hình thành, phát triển

Năm 2017 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN với những thành tựu đáng tự hào, được thế giới công nhận là một trong những tổ chức đa phương thành công nhất.
Cơ hội và thách thức của ASEAN sau 50 năm hình thành, phát triển ảnh 1Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom (thứ 6, trái) và các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại hội nghị ở Manila, Philippines ngày 10/3. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Năm 2017 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với những thành tựu đáng tự hào, được thế giới công nhận là một trong những tổ chức đa phương thành công nhất. Con đường phía trước của ASEAN vẫn còn rất nhiều chông gai, thử thách, song cũng mở ra nhiều cơ hội để tuổi trẻ các nước trong ASEAN có thể nắm lấy cơ hội để phát triển.

Chia sẻ về việc ASEAN bước sang tuổi 50, báo “Jakarta Globe” mới đây có bài phân tích của tác giả Justin Wood với tựa đề: “ASEAN 50 năm: Tuổi trẻ, công nghệ và sự tăng trưởng.” Đây cũng là chủ đề của Hội nghị cấp cao thường niên Diễn đàn Kinh tế ASEAN diễn ra vào tháng 5 tới tại Phnom Penh (Campuchia). Tác giả cho rằng sự kiện này sẽ là dịp để ASEAN suy nghĩ về tương lai của khối. Mỗi ý tưởng nêu trong chủ đề Hội nghị đều đặt ra các câu hỏi quan trọng cho tương lai của khu vực.

Tăng trưởng kinh tế là điều rất quan trọng để góp phần làm tăng thu nhập và sự thịnh vượng của các quốc gia thành viên. Trong những năm gần đây, ASEAN đã đạt được những thành tựu đáng kể, kinh tế toàn khối tăng trưởng khoảng 5%/năm và tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn. Đầu năm 2016, ASEAN đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, và chỉ sau đó một năm, tức vào đầu năm 2017, ASEAN “nhảy” thêm 1 bậc lên vị trí thứ 6. Dự báo đến năm 2020, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu.

Dù tăng trưởng ấn tượng như vậy, song ASEAN vẫn có thể đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng hơn nữa lên mức 7%/năm. Sự khác biệt giữa 5% và 7% có vẻ nhỏ, nhưng tác động của nó sẽ được cảm nhận sâu sắc. Ở mức 5%, ASEAN sẽ tăng gấp đôi thu nhập của khối sau mỗi 15 năm, trong khi ở mức tăng trưởng 7%, khoảng thời gian này sẽ rút ngắn xuống còn 10 năm.

Theo nhà phân tích Justin Wood, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%, khu vực phải tập trung vào nhiều vấn đề quốc gia riêng lẻ như cơ sở hạ tầng và giáo dục. Hiện tại, ASEAN cũng có những lợi thế đáng kể để có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế, nổi bật nhất là việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập và đang tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trở thành một thị trường duy nhất với các cơ sở sản xuất tích hợp. Nếu không thích nghi được với môi trường AEC, các doanh nghiệp địa phương sẽ gặp khó khăn để đạt được quy mô và cạnh tranh toàn cầu và người tiêu dùng sẽ phải trả tiền nhiều hơn cho các sản phẩm, dịch vụ.

Cũng quan trọng như tỷ lệ tăng trưởng là chất lượng tăng trưởng. Điều lo ngại nhất là sự bất bình đẳng đang gia tăng ở nhiều quốc gia ASEAN. Báo cáo tăng trưởng và phát triển toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hồi tháng 1/2017 đã cho thấy những chính sách mà các chính phủ có thể triển khai nhằm đảm bảo các kết quả công bằng hơn.

Bên cạnh đó tuổi trẻ cũng là nhân tố quan trọng mà các quốc gia nội khối cần tính đến. Với dân số hiện vào khoảng 630 triệu người, trong đó đa số còn rất trẻ (trừ Singapore và Thái Lan), một “khoảnh khắc vàng” trong cuộc hành trình phát triển kinh tế của đất nước hứa hẹn một sự dịch chuyển mạnh mẽ về nhân khẩu học. Dân số trong độ tuổi lao động tăng lên sẽ thúc đẩy chi tiêu của khu vực, đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư để tận dụng nguồn lao động này.

Tuy nhiên, dân số trẻ cũng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định. Dự tính, đến năm 2025, cơ cấu dân số tại hầu hết các quốc gia trong ASEAN sẽ bắt đầu già đi. Các chính phủ và nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo theo đuổi các chính sách đúng đắn về nhân khẩu học để kịp thời ứng phó với quá trình già hóa dân số. Các chính phủ cần xác định những vấn đề phải giải quyết khi dân số dịch chuyển từ trẻ sang già, như vấn đề môi trường, quỹ lương hưu, chăm sóc y tế….

ASEAN được thành lập năm 1967, chỉ hai năm trước khi Internet ra đời. Như vậy, sự tăng trưởng ấn tượng của ASEAN trùng hợp với giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 được tạo dựng bởi sự ra đời của máy tính và công nghệ thông tin. Và giờ đây, khi ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập, thế giới đang đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được tạo dựng bởi trí tuệ nhân tạo, robot, Internet di động và sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực di truyền, khoa học vật liệu và siêu tự động hóa giá rẻ. ASEAN hiện là thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới. Một báo cáo gần đây của Google và Temasek ước tính dân số các quốc gia ASEAN truy cập trực tuyến đã tăng thêm 124.000 người mỗi ngày và sẽ tiếp tục tăng với tốc độ này trong 5 năm tới.

Nếu ASEAN muốn đạt được thành công trong 50 năm tiếp theo, tổ chức này phải giải quyết được những câu hỏi khó về việc làm thế nào để điều hướng tốc độ thay đổi công nghệ và sự gián đoạn công nghệ số. Một mặt, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại lợi ích to lớn cho khu vực, thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực tài chính, tiếp cận chăm sóc y tế với giá cả hợp lý, các hình thức giáo dục mới cũng như tạo ra các công ty mới và các ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, công nghệ cũng có thể mang lại nhiều thách thức. Các quốc gia ASEAN cần trang bị cho người dân kỹ năng về công nghệ thông tin cũng như các thành tựu của khoa học công nghệ để có thể làm chủ được máy móc, vận hành các công nghệ hiện đại. Chính phủ các nước có thể xây dựng môi trường thích hợp cho việc kết nối, cho phép cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh.

Sau nửa thế kỷ phát triển, tương lai phía trước của ASEAN vẫn đang rộng mở, hứa hẹn nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức với các nước trong khối. Trong giai đoạn quan trọng này, các nước thành viên ASEAN cần đoàn kết, cùng nhau nỗ lực để thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng vị thế của ASEAN trên trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục