Cơ hội và thách thức mà lao động nhập cư phải đối mặt trong ASEAN

Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã phối hợp với Bộ Lao động Thái Lan tổ chức Hội nghị quốc tế về Tăng cường hợp tác lao động tiểu vùng ASEAN để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.
Cơ hội và thách thức mà lao động nhập cư phải đối mặt trong ASEAN ảnh 1Những người lao động nhập cư ở trong các khu các lán trại container tại ngoại ô Bangkok. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 28/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã phối hợp với Bộ Lao động Thái Lan tổ chức Hội nghị quốc tế về Tăng cường hợp tác lao động tiểu vùng ASEAN để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Mục tiêu của hội nghị là nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm của chính phủ, doanh nghiệp và người lao động các nước trong khu vực lục địa của ASEAN về các cơ hội và thách thức mà lao động nhập cư phải đối mặt trong không gian Cộng đồng ASEAN.

Hội nghị còn nhằm tiến tới một cách tiếp cận chung linh hoạt trong quan hệ hợp tác lao động song phương và đa phương nhằm hiện thực hóa Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) cũng như thúc đẩy hợp tác lao động theo hướng đôi bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Thái Lan và ủng hộ chính sách mới của Thái Lan tăng cường hợp tác lao động giữa 5 quốc gia nhóm CLMTV (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam).

Chủ trì hội nghị là Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành và Bí thư thường trực Bộ Lao động Thái Lan Puntrik Smiti.

Tham dự hội nghị có đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện thường trực của Liên hợp quốc tại Thái Lan, đại diện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), đại diện của Bộ Lao động Thái Lan, Bộ Lao động và Thương binh-xã hội và Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ngoài ra có khoảng 200 khách tham dự khác là đại diện của 17 tỉnh thành và bộ ngành Thái Lan cùng nhiều chuyên gia, học giả, giới doanh nghiệp cũng như truyền thông báo chí.

Tại hội nghị, các đại diện đều nhất trí rằng lao động là lĩnh vực hợp tác hết sức quan trọng giữa các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là vào thời điểm Cộng đồng ASEAN vừa được thành lập.

Mặt khác vẫn còn nhiều khác biệt trong nhận thức giữa chính phủ, doanh nghiệp và người lao động trong khu vực về vấn đề này, đặc biệt là các nước ASEAN lục địa với hàng triệu công dân các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan.

Theo thông tin được cung cấp tại hội thảo, hiện có đến 6,8 triệu người lao động nhập cư trong khu vực. Một lượng lớn trong số này là công nhân trình độ thấp hoặc trung bình. Thái Lan là quốc gia có số người lao động nhập cư trong khu vực đông nhất, chiếm 81% con số nêu trên.

Giải pháp được các chuyên gia thống nhất khuyến nghị là tăng cường đào tạo kỹ năng làm việc và ý thức tuân thủ luật pháp, phong tục tập quán nước sở tại.

Mặt khác, các rào cản về pháp luật cũng như việc thiếu các hiệp định hợp tác lao động cũng khiến nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Maria Nenette Motus, giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc Tế về Di cư (IMO), cho biết: "Quá trình đàm phán hiệp định hợp tác lao động vẫn tốn nhiều thời gian, đắt đỏ và phức tạp. Công nhân trình độ thấp vẫn gặp các rào cản chi phí và quan liêu khiến họ không nhập cư làm việc theo cách thức thông thường.”

Bà cảnh báo việc hàng chục nghìn lao động chọn con đường bất hợp pháp để vào Thái Lan làm việc có thể dẫn đến tình trạng buôn người, lao động cưỡng bức, và bị các xâm phạm quyền con người khác.

Cho đến nay hợp tác lao động là lĩnh vực được triển khai hiệu quả nhất trong khuôn khổ Kế hoạch hành động nhằm triển khai Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan.

Hồi tháng 12/2015, Bộ Lao động Thái Lan cấp giấy phép lao động cho 1.500 người Việt Nam làm việc trong các ngành xây dựng, giúp việc nhà và phụ việc nhà hàng và đây là lần đầu tiên, một cơ chế tạo điều kiện trao đổi lao động giữa hai quốc gia được thiết lập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục