Có một Trường Sa xao xác tiếng gà trưa ở ngực đảo

Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa/Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo/Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão/ Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra...
Vừa bước chân lên Trường Sa lớn trong nắng rực rỡ, một bầy trẻ nhỏ ùa ra đón chúng tôi như gặp người thân lâu ngày mới trở về. Y như cảnh trong câu thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: "Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão...."
Cuối tháng 4, các em trên đảo đều đã được cho nghỉ học sớm vì thời hạn 5 năm sống ở đây sắp hết. Nhưng như một thói quen, các em vẫn luấn quấn quanh nhà cô giáo Nhung, giáo viên duy nhất đã tình nguyện rời đất liền ra với Trường Sa.
Trường học "đa cấp"- một cô 12 trò
Cô giáo Bùi Thị Nhung, năm nay 32 tuổi vốn gốc người Cam Lâm, Khánh Hòa. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang khoa tiểu học, ngày mới ra trường, cô giáo trẻ ấp ủ ước mơ được gắn bó với những học sinh gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, Nhung đã làm tình nguyện xin lên dạy học tại xã Cam Thịnh, Cam Ranh nơi cư trú của đồng bào dân tộc Raglay. “Ngày ấy, mỗi lần nhìn lũ trẻ nghèo miền núi nheo nhóc, tôi lại chẳng đành lòng,” cô Nhung tâm sự. Xuất phát chính lòng yêu thương ấy nên năm 2008, mặc dù đang công tác tại trường tiểu học Suối Cát, Cam Long, Khánh Hòa nhưng khi có đợt vận động người dân ra đảo, cô Nhung đã tự nguyện làm đơn xin đi. Vào thời điểm ấy, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của cô đều hết sức ngạc nhiên trước quyết định lạ lùng của cô. Mọi người xúm vào can ngăn, nhưng chỉ cần nghĩ về lũ trẻ ngoài đảo không ai dạy dỗ, cô Nhung lại thêm vững lòng. “Hồi đó mình trăn trở lắm, mình cũng là mẹ, lại là cô giáo. Biết các cháu nhỏ theo bố mẹ sinh sống ở đảo mà thất học thì tội lắm. Đảo Trường Sa lại thuộc Khánh Hòa nên mình muốn có cái gì đó đóng góp cho quê hương nên mới xin ra đây dạy học,” cô giáo Nhung tâm sự. Mang theo từng ấy quyết tâm, năm 2008, Bùi Thị Nhung rời bến cảng Cam Ranh, cùng chồng và cô con gái đầu lòng mới 28 tháng tuổi ra với Trường Sa. Cô cũng là giáo viên chính thức duy nhất tới thời điểm hiện tại ở quần đảo phên dậu Tổ quốc. Ra đảo, điều kiện sống cũng như cách sinh hoạt hoàn toàn khác đất liền nhưng tình thương của đồng chí, đồng đội cũng như tình đoàn kết quân và dân trên thị trấn Trường Sa đã tiếp thêm sức mạnh cho cô. Bởi vậy, chưa kịp ổn định cuộc sống mới, cô đã bắt tay ngay vào công việc gieo chữ trên đảo cằn. Khác với các lớp trong đất liền, do đặc thù riêng nên tất cả 12 học sinh trên đảo được gom vào cùng một lớp học vốn chỉ có vài bộ bàn ghế xếp quây tròn lại với nhau. Cô Nhung dạy hết “lớp” bé lại chuyển sang giảng bài cho các cháu “lớp” lớn hơn. Cứ thế, suốt 5 năm, cô gắn bó với từng cháu như một người mẹ thứ hai.
Có một Trường Sa xao xác tiếng gà trưa ở ngực đảo ảnh 1

Cô giáo duy nhất trên quần đảo Trường Sa (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Trong điều kiện thiếu thốn đồ dùng dạy học cũng như các loại sách tham khảo, cô Nhung còn mày mò sáng chế ra nhiều vật dụng dạy học phục vụ các em. Cô nhờ người thân, bạn bè sưu tầm, mua lại những cuốn sách có ý nghĩa thiết thực để mỗi lần có tàu ra là những cuốn sách cũng được chuyển ra đảo để cô và trò cùng tham khảo. Cô Nhung cho biết, lũ trẻ ở Trường Sa được cái rất ham học. Ở đảo, không có nhiều thứ để chơi nên hầu hết đứa nào cũng thích đi học, vì mỗi giờ học chúng tìm thấy niềm vui. Để chương trình học của các cháu không bị lạc hậu, cô Nhung thường phải liên lạc về đất liền xin đồng nghiệp giáo án, sách vở và cả đồ chơi. Tất cả 12 học trò của cô giáo Nhung, đứa nào cũng học khá, thậm chí cháu Nguyễn Thanh An, học sinh lớp 4 - cũng là cậu học trò lớn tuổi nhất trong bọn trẻ - thì 4 năm liền đều đạt loại giỏi. Đáng nhớ nhất là những ngày 20/11, lũ trẻ trên đảo lại hái hoa rau muống biển, lấy cành dương, bẹ lá đu đủ rồi bó lại thành một bó hoa lớn tặng cho cô. “Những lúc ấy, nhìn lũ trẻ tóc cháy nắng, da đen nhẻm bẽn lẽn cầm bó hoa, tôi lại càng thương chúng hơn,” cô Nhung tâm sự. Bởi vậy, nên mặc dù thời hạn 5 năm ở Trường Sa đang gần hết, nhưng cô vẫn tha thiết muốn ở lại với đảo, với các cháu nhỏ. Cô bảo rằng, 5 năm qua, cô đã coi Trường Sa như mảnh đất của chính mình và niềm hạnh phúc lớn nhất là thấy lũ trẻ ngày ngày lớn lên dưới sự dạy dỗ của mình. Trường Sa với cô lúc này không chỉ là “nơi đất ở” nữa mà đã là một phần máu thịt thiêng liêng. Đất liền hay biển đảo đều là Tổ quốc mình
Trong số hơn trăm cán bộ, chiến sỹ chúng tôi đã có dịp gặp gỡ những ngày ở Trường Sa, có rất nhiều người như cô giáo Nhung. Họ tạm gác lại cuộc sống cá nhân nơi đất liền để ra với đảo lớn. Họ lấy hạnh phúc của cộng đồng làm hạnh phúc bản thân. Và với họ, biển đảo hay đất liền đều là Tổ Quốc, đều cần đóng góp dựng xây. Đó là trường hợp của cậu lính trẻ Nguyễn Phúc Sinh (sinh năm 1989) quê Quảng Ngãi trên đảo Đá Thị. Mặc dù đã công tác tại Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh và đang đợi đi học Cao học nhưng Sinh vẫn tình nguyện xin đi lính nghĩa vụ tại Trường Sa. Một năm gắn liền vào đảo chìm, cậu cán bộ trẻ của Quảng Ngãi giờ cứng cáp hơn rất nhiều. Sinh bảo, quãng thời gian trong quân ngũ đã giúp em trưởng thành lên. Đây cũng là khoảng thời gian đáng nhớ nhất mà Sinh sẽ chẳng thể quên suốt cuộc đời. Đó là chuyện của người “lính” gác hải đăng Trần Văn Khánh trên đảo Song Tử Tây với hơn 20 năm gắn bó với ánh đèn dẫn đường trên biển lớn. Suốt quãng thời gian dài ấy, chưa một ngày nào, anh nghĩ mình sẽ bỏ đảo để trở về với đất liền.
Có một Trường Sa xao xác tiếng gà trưa ở ngực đảo ảnh 2

Trường Sa chỉ cách đất mẹ "một nụ cười" (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Đó còn là ước mong được gắn bó lâu dài với Trường Sa của 14 hộ dân các đảo Song Tử Tây, Trường Sa lớn khi thời hạn 5 năm đang tới gần. Nói như anh Nguyễn Tấn Thi, hộ dân thuộc thị trấn Trường Sa, càng sát đến ngày về đất liền, các anh chị càng cảm thấy rưng rưng không muốn rời. 5 năm qua, Trường Sa đã và đang thay đổi từng ngày để trở thành một làng quê ấm áp và nghĩa tình. Trái tim của hàng triệu người cũng một lòng hướng về biển đảo. Giờ phút chia tay, cô giáo Nhung mang cho chúng tôi xem vài bức thư từ đất liền gửi ra. Toàn thư của người xa lạ, nhưng với cô đó là động lực rất lớn để cô có thêm quyết tâm, nghị lực. “Có nhiều bạn sinh viên từ tận Ninh Bình, Nam Định có hỏi tôi về điều kiện và thủ tục để được ra đảo dạy học. Thậm chí, có một bác tên Sỹ ở Lý Sơn còn gửi thư nhận tôi làm con nuôi,” cô Nhung kể. Ngày ngày, những cán bộ, chiến sỹ ở đảo cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi từ mọi miền của Tổ quốc. Họ chia sẻ cùng anh chị em ngoài khơi xa nỗi khó khăn, vất vả đời thường. Lúc chia tay, cô bạn từ Hà Nội cứ tần ngần mãi, sau cùng mới rút vội từ ba lô ra một túi quà to gửi lại cho anh em canh giữ đảo. Hai thiếu úy trẻ đứng bên bỗng ngẩn người ra, đôi mắt đỏ hoe chừng như sắp khóc. Giây phút ấy, chúng tôi thấy, dường như, đất liền và hải đảo không hề có sự ngăn cách.
Bài 6: Trái tim đất-biển chung nhịp đập dòng dõi Lạc Hồng

Tin cùng chuyên mục