Bài 3: Có nên vội quy kết người Việt xuất hiện trong “Hồ sơ Panama”?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ thiếu cơ sở để quy kết ngay các cá nhân, doanh nghiệp bị nhắc tên trong dữ liệu “Hồ sơ Panama” là vi phạm, trốn thuế.
Bài 3: Có nên vội quy kết người Việt xuất hiện trong “Hồ sơ Panama”? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn:offshoreleaks.icij.org)

Sẽ là thiếu cơ sở để quy kết các cá nhân, doanh nghiệp bị nhắc tên trong dữ liệu “Hồ sơ Panama” là rửa tiền, trốn thuế nhưng theo nhiều chuyên gia, đây cũng là vấn đề cần nhiều cơ quan vào cuộc, thậm chí bao gồm cả việc trao đổi thông tin với nước ngoài.

Nói về thông tin đang thu hút dư luận này, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh sẽ là thiếu cơ sở nếu chỉ đọc thông tin trong vụ "Hồ sơ Panama" để kết luận những người được nhắc tên là rửa tiền.

Ông cho rằng, khẳng định hành vi rửa tiền hay trốn thuế của các cá nhân được nhắc tên thì cần phải căn cứ vào pháp luật của nước có công ty mẹ quy định như thế nào về hoạt động của công ty mẹ và công ty con.

Về kỹ thuật, một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán cho rằng, các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận sẽ phải đóng thuế thuế thu nhập cho nước sở tại. Song nếu họ mở một công ty tái đầu tư ra nước ngoài (đóng tại các thiên đường thuế) thì sẽ không phải đóng thuế.

Bên cạnh đó, các trường hợp kinh doanh có lãi khi thực hiện chia cổ tức thì sẽ phải đóng thuế, nhưng nếu đem số lãi đó tái đầu tư ra nước ngoài (offshore company) đây được xem là hình thức hoãn thuế và điều này cứ kéo dài như vậy có thể coi là hoãn thuế mãi mãi.

Theo ông, “người ta giữ tiền lại ở các offshore, sau đó dùng offshore để sở hữu tài sản, tức là sở hữu gián tiếp.”

Như vậy, thay vì trốn thuế các cá nhân, tổ chức chuyển sang hoãn thuế vô thời hạn, hệ thống này được cho là an toàn vì nó mang tính hợp pháp. Tuy nhiên, nó sẽ là bất hợp pháp nếu nguồn gốc của dòng tiền đầu tư là phạm pháp.

​Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật BASICO, trong hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, các đơn vị hoàn toàn có thể đầu tư kinh doanh chuyển tiền theo quy định của pháp luật.

“Nếu pháp luật cho phép và công khai minh bạch thì mọi chuyện trở thành hợp pháp. Nếu người ta không minh bạch hoặc vi phạm pháp luật tại Việt Nam hoặc nước trung gian thì mới cần xem xét đánh giá xem xử lý ra sao,” vị luật sư nêu quan điểm.

Ở góc độ này, một chuyên gia lâu năm trong ngành kinh tế cho rằng, gần đây có một số doanh nghiệp khó khăn trong đăng ký kinh doanh ở Việt Nam nên sang nước ngoài như Singapore để lập doanh nghiệp.

Về nguyên tắc, ông nhận định, cơ quan chức năng không thể cấm người Việt Nam lập doanh nghiệp ở nước ngoài, nhất là trong cộng đồng kinh tế ASEAN.

Với những cá nhân được nhắc tên trong "Hồ sơ Panama," vị chuyên gia này cũng đồng quan điểm rằng, không nên cho rằng ai có tên ở "Hồ sơ Panama" thì người đó có tội nhưng ông cảnh báo, không có chuyện “lạy ông tôi ở bụi này.”

“Thông thường, chẳng có ai nhận tội chừng nào bị tòa kết án,” ông lên tiếng.

Là người theo dõi vụ việc từ khá sớm, luật sư Trương Thanh Đức nhận định thêm rằng, đây là vụ việc gần như không có tiền lệ, không có quy định trình tự thủ tục cụ thể và đặc biệt không chỉ là đơn giản là sự việc trong nước mà còn quan hệ với các nước khác.

Theo ông, cơ quan chức năng cần xem xét, yêu cầu các tổ chức cá nhân liên quan báo cáo lý do liên quan tới danh sách trên và sau đó kiểm tra các thông tin xem trước đây có nghi ngờ gì với các nhân vật này không.

Ngoài ra, ông khẳng định, một trong những việc cần làm là thông qua con đường ngoại giao để trao đổi, cung cấp thông tin với nước ngoài, từ đó đối chiếu, so sánh xem sự việc.

Về trình tự theo ông là như vậy nhưng cũng chính ông tỏ ra băn khoăn về việc kiểm tra thông tin với nước bạn.

“Nếu ​Việt Nam ký hiệp định phòng chống tội phạm, tương trợ tư pháp và những các hiệp định tránh đánh thuế với nước khác thì hoàn toàn có thể đề nghị các cơ quan chức năng quốc gia liên quan phối hợp, cung cấp thông tin điều tra. Nếu như không có những hiệp định, thỏa thuận như vậy thì quả thật rất khó khăn, gần như ​chỉ có thể tra soát đầu phía Việt Nam, mà phía kia khá bế tắc,” vị chuyên gia nói./.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cần yêu cầu các tổ chức cá nhân liên quan báo cáo lý do liên quan tới Hồ sơ Panama

Bài 4: Rà soát 189 cá nhân, tổ chức trong "Hồ sơ Panama" ra sao?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục