Cổ phiếu “nóng” sẽ giảm theo đúng cách đã đi lên!

Thị trường chứng khoán  đang có đợt điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Tâm lý hoảng loạn bao trùm khắp thị trường, số lượng các mã cổ phiếu giảm sàn lan rộng trên cả hai sàn Nam - Bắc trong một, hai phiên trở lại đây.

Mặc dù đã xác định trước về một đợt điều chỉnh mang tính kỹ thuật, nhưng sự suy giảm của thị trường trong đợt này đã khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ và tỏ ra khá hoang mang. Theo nhiều chuyên gia, sự sụt giảm tại các mã cổ phiếu 'nóng' sẽ tương ứng đúng như lúc cách mà nó đi lên.
Thị trường chứng khoán  đang có đợt điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Tâm lý hoảng loạn bao trùm khắp thị trường, số lượng các mã cổ phiếu giảm sàn lan rộng trên cả hai sàn Nam-Bắc trong một, hai phiên trở lại đây (14/5 và 15/5).

Chỉ số VN-Index rơi liền một lúc 33 điểm, từ mốc đỉnh 488 điểm (8/5) xuống mức  455 điểm (15/5), tương tự HNX-Index cũng để tuột tay tới gần 7 điểm, từ mức 83,79 điểm (7/5) xuống mức 76,81 điểm (15/5).

Mặc dù đã xác định trước về một đợt điều chỉnh mang tính kỹ thuật, nhưng sự suy giảm của thị trường trong đợt này đã khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ và tỏ ra khá hoang mang.

Theo ông Vũ Tú, quyền trưởng phòng Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Bản Việt chỉ ra, một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư rút khỏi thị trường là do có sự lo ngại tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2012 sẽ thấp. Cụ thể, trong báo cáo gửi phiên họp thứ 3 hàng năm của Quốc hội, Chính phủ dự báo GDP tăng trưởng 4,5% trong quý II.

Mặc dù con số trên có tăng nhẹ so với con số quý I là 4% nhưng áp lực nền kinh tế phải đạt được mức tăng trưởng trên 6% trong thời gian còn lại của năm để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% cho năm 2012 dường như là khó khăn.

“Ngoài ra, kết quả lợi nhuận của công ty cũng không mấy khả quan và điều này có thể làm xuất hiện tín hiệu bán trong ngắn hạn. Thị trường đã giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng Ba. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời do thị trường đang kiểm tra các ngưỡng tâm lý,” ông Vũ Tú phân tích.

Nhìn từ góc độ phân tích kỹ thuật, tổng quan cung cầu trên thị trường đang phát đi những tín hiệu rủi ro khi mà con số chênh lệch giữa tổng khối lượng chào bán lớn hơn khối lượng chào mua đang tăng mạnh dần trong các phiên trở lại đây.

Diễn biến giao dịch cũng cho thấy, sức mua của dòng tiền đã giảm rõ rệt đồng thời đà tăng của thị trường chứng khoán cũng có dấu hiệu suy yếu.

Ông Hoàng Công Tuấn, chuyên viên phân tích-Công ty Chứng khoán MB, cho rằng việc thị trường chứng khoán có được một đà tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay là nhờ vào sự kỳ vọng về sự ổn định trở lại của nền kinh tế Việt Nam với việc chỉ số lạm phát giảm, tỷ giá ngoại tệ và cán cân thanh toán cũng có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên khoảng một tháng trước đây, hoạt động tăng nóng của nhóm cổ phiếu bất động sản, kinh doanh vật liệu, khoáng sản, chứng khoán… đã cho thấy sự kỳ vọng đã trở nên quá đà. Bên cạnh đó, khi các giải pháp điều hành vĩ mô cụ thể được công bố, các nhà đầu tư nhận thấy tốc độ thẩm thấu của chính sách vào nền kinh tế cần phải có độ trễ.

"Do đó, ngay lập tức thị trường chuyển sang tâm lý thất vọng nhưng cũng có phần hơi quá đà, điều này báo hiệu sự sụt giảm tại các mã cổ phiếu 'nóng' sẽ tương ứng đúng như lúc cách mà nó đi lên," ông Tuấn nhận định.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng chỉ ra, dòng tiền đang lưu hành trên thị trường chiếm một tỷ trọng lớn tiền vay mượn, áp lực giải chấp cũng là nguyên nhân gia tăng áp lực lao dốc của thị trường chứng khoán.

“Tuy nhiên với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng ngắn hạn thị trường đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và nhiều khả năng sẽ tạo đáy trong quý II, về trung hạn từ đầu quý III thị trường sẽ tăng trưởng tốt hơn với quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô và sự kiên trì thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ,” ông Tuấn nói./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục