Cơ quan giám sát hạt nhân điều tra vụ động đất bất thường ở Triều Tiên

Ngày 23/9, Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO), cơ quan giám sát việc giải trừ hạt nhân, thông báo họ đang nghiên cứu hoạt động địa chấn bất thường ở Triều Tiên.
Cơ quan giám sát hạt nhân điều tra vụ động đất bất thường ở Triều Tiên ảnh 1Giám đốc Cục động đất và núi lửa thuộc Cơ quan khí tượng Hàn Quốc công bố vị trí xảy ra trận động đất được cho là vụ thử bom H ở Triều Tiên ngày 3/9. (Nguồn: EPA/ TTXVN)

Ngày 23/9, Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO), cơ quan giám sát việc giải trừ hạt nhân, thông báo họ đang nghiên cứu hoạt động địa chấn bất thường ở Triều Tiên. Thông báo trên được đưa ra sau khi có thông báo về một trận động đất ở Triều Tiên

Trên trang mạng Twitter, Thư ký điều hành của CTBTO Lassina Zerbo nêu rõ các nhà phân tích đang đánh giá một hoạt động địa chấn bất thường với cường độ nhỏ hơn nhiều ở Triều Tiên. Theo CTBTO, hoạt động địa chấn trên được phát hiện ở vị trí cách địa điểm Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu hồi đầu tháng này khoảng 50 km.

[Động đất mạnh 3,4 độ Richter ở Triều Tiên, nghi thử hạt nhân lần thứ 7]

Trước đó, Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc (CENC) thông báo vào lúc 16 giờ 29 phút (giờ địa phương) ngày 23/9, một trận động đất mạnh 3,4 độ Richter đã xảy ra ở khu vực miền Đông Bắc của Triều Tiên. Tâm chấn của trận động đất này được xác định ở tọa độ 41,36 độ vĩ Bắc, 129,06 độ kinh Đông. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cho biết trận động đất ở Triều Tiên được phát hiện ở khu vực Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong.

Đây là nơi có bãi thử hạt nhân Punggye-ri, bãi thử duy nhất của Triều Tiên. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cũng nhận định đây là một trận động đất tự nhiên, trong khi các chuyên gia CENC nghi ngờ đây có thể là một vụ nổ.

Trận động đất trên xảy ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc khẩu chiến về tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, khiến quốc tế quan ngại.

Ngày 3/9 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trận động đất mạnh 5,6 độ Richter tại Triều Tiên do vụ thử hạt nhân lần thứ sáu trên gây ra có thể cảm nhận được rộng rãi ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, và làm rung chuyển một số thành phố của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục