Cơ quan Kiểm toán: "Đúng được hoan nghênh, sai phải chịu trách nhiệm"

"Cơ quan kiểm toán không chỉ công bố số liệu mà còn có trách nhiệm cao hơn các cơ quan khác trước quốc hội để làm việc này và thay mặt quốc hội giám sát các cơ quan, do vậy số liệu phải chuẩn xác."
Cơ quan Kiểm toán: "Đúng được hoan nghênh, sai phải chịu trách nhiệm" ảnh 1Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, đoàn Hà Nội đang trả lời báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hiến pháp năm 2013 đã có 1 điều riêng quy định về chức năng vị trí của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập và được hoạt động độc lập, chỉ tuân thủ luật pháp. Ngoài ra, chức năng của Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán toàn bộ tài chính, tài sản công. Đây là 2 điều quan trọng xác định địa vị pháp lý, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan này.

Theo nhiều đại biểu quốc hội, dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước đã có đổi mới căn bản trong đó trước hết quy định rõ hơn và rộng hơn đối tượng kiểm toán. Tuy nhiên, cũng còn có nhiều ý kiến xung quanh trách nhiệm của cơ quan kiểm toán khi ban hành các số liệu.

Để rõ hơn điều này, bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, đại biểu quốc hội Bùi Thị An, đoàn Hà Nội đã có trao đổi với VietnamPlus về những điểm mới của dự thảo luật trên.


- Thưa bà, dự thảo Luật kiểm toán nhà nước đang được trình quốc hội có những ưu điểm gì và cần phải lưu ý những điều gì cho phù hợp với thực tiễn?

Đại biểu Bùi Thị An: Theo tôi vai trò, vị trí và trách nhiệm của kiểm toán hết sức quan trọng, đây là sự bắt đầu và chuẩn bị cho việc minh bạch trong hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế và xã hội.

Có thể thấy, con số của kiểm toán đưa ra nếu chuẩn xác sẽ giúp cho việc định hướng, hoạch định chính sách và đề ra chiến lược cho đất nước, cho đến tất cả các lĩnh vực khác, do vậy việc quốc hội định ra một nhiệm vụ cụ thể, chức năng cụ thể phải là số một trong luật kiểm toán lần này.

Thêm vào đó, chính vì nhiệm vụ và chức năng - mà có đại biểu đã nói vô cùng quan trọng - nên trách nhiệm phải rõ ràng, tức là phải chịu trách nhiệm trước cái đúng và cái sai của mình.

Tức là đúng phải được hoan ngênh nhưng sai phải chịu trách nhiệm, còn nếu chỉ công bố con số chết thì không được, con số này là con số biết nói và có thể nói lên tác động hoạt động tốt cũng như chưa tốt của các ngành từ đó để nhà nước phải có chế tài quản lý tốt hơn và chế tài xử phạt những nơi không tốt.


- Tuy nhiên, trong khi thảo luận về luật kiểm toán nhà nước, một số ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp kiểm toán xong một thời gian ngắn sau đã thấy chủ doanh nghiệp bị bắt giam, khởi tố. Vậy quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Đại biểu Bùi Thị An: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của đại biểu quốc hội nêu về vấn đề trên, tức là nếu kiểm toán làm thì sẽ phải chịu trách nhiệm đến cùng bởi vì cơ quan kiểm toán không chỉ công bố số liệu mà còn có trách nhiệm cao hơn các cơ quan khác trước quốc hội để làm việc này và thay mặt quốc hội để giám sát những chuyện đó, do vậy số liệu phải chuẩn xác.

Không thể công bố con số đơn giản với mọi người được mà cần có chế tài rõ ràng nếu chính xác thì được hoan nghênh nhưng sai thì phải có trách nhiệm, số liệu này nó còn có hệ lụy đối với các vấn đề khác nữa.


- Vậy dự thảo luật cần phải gắn trách nhiệm của Kiểm toán như thế nào?

Đại biểu Bùi Thị An: Theo tôi, khi xem xét các vấn đề nêu trên, nếu phát hiện sai phạm thì phải được quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan ở từng khâu, không thể chung chung được vì như vậy sẽ không rõ trách nhiệm của kiểm toán.

Xin cảm ơn bà./.

Phát biểu ý kiến trước quốc hội về Luật Kiểm toán nhà nước, đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng) cho rằng: có doanh nghiệp kiểm toán xong, thanh tra vào kiểm tra phát hiện ra đầy rẫy những sai phạm, nhưng chủ doanh nghiệp chịu hết trách nhiệm chứ kiểm toán không chịu trách nhiệm gì.

Hiện luật đã quy định rất rõ quyền và nhiệm vụ của kiểm toán thì cũng phải quy định rõ ràng, dứt khoát trách nhiệm. “Nếu anh vừa kiểm toán xong, doanh nghiệp bị khởi tố, đi tù thì anh cũng phải là đồng phạm”.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục