Cơ sở đào tạo nghề đứng trước lựa chọn tự chủ tài chính hoặc giải thể

Ngày càng nhiều trường nghề không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu, một số ngành nghề không đủ học sinh để mở lớp, một số trường đang đứng trước sự lựa chọn phải đổi mới hoàn toàn hoặc giải thể.
Cơ sở đào tạo nghề đứng trước lựa chọn tự chủ tài chính hoặc giải thể ảnh 1Dạy nghề đang đòi hỏi phải đổi mới để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thị trường là hạn chế lớn nhất của công tác dạy nghề hiện nay. Kết quả là bản thân chính các trường nghề không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu, một số ngành nghề không đủ học sinh để mở lớp. Các trường nghề đang đứng trước sự lựa chọn phải đổi mới hoàn toàn hoặc giải thể.

Lựa chọn tự chủ hoặc giải thể

Tại Hội nghị Công tác dạy nghề năm 2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 18/10 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu 34 cơ sở dạy nghề do cơ quan này quản lý phải chuyển dần sang tự chủ tài chính. Đặc biệt, với những cơ sở dạy nghề không hiệu quả sẽ chuyển đổi thành trung tâm tư vấn pháp luật và giải thể.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam giao chỉ tiêu đào tạo nghề mỗi năm cho các trường cao đẳng là 700 học viên, trung cấp nghề là 500 học viên, trung tâm dạy nghề là 150 học viên trở lên. Tuy nhiên, tính riêng năm 2015, trong 34 cơ sở dạy nghề của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ có 47% cơ sở đào tạo vượt chi tiêu, vẫn còn có tới 53% chưa đạt chỉ tiêu.

Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang rà roát 4 trung tâm dạy nghề, 3 trung tâm giới thiệu việc làm xem trung tâm nào hoạt động không hiệu quả, không thực hiện các chỉ tiêu được giao, ngân sách công đoàn vẫn phải chi hoạt động thì xem xét chuyển đổi hoặc giải thể.

Từ năm 2017, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố không sử dụng ngân sách công đoàn để chi hoạt động thường xuyên và mua sắm thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề, nếu việc đầu tư này không hiệu quả.

Đứng trước nguy cơ phải tự chủ tài chính hoặc giải thể, trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh đang tính đến việc bắt đầu từ năm 2016 mỗi năm phấn đấu tự chủ 25%, để đến năm 2020 có thể tự chủ 100%.

Ông Trần Đắc Hòa, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh cho biết: “Bản thân trường tôi, năm 2015 tổng tiền thu là hơn 27 tỷ đồng, nhưng trong đó chỉ có 4 tỷ đồng là tiền học phí, còn lại 23 tỷ đồng là từ các hoạt động khác. Chúng tôi đang phải cố gắng ‘lấy ngắn nuôi dài’ bằng cách bằng đào tạo lái xe ô tô,xe máy, mở rộng liên kết đào tạo… để tăng nguồn thu.”

Trước những đòi hỏi phải thay đổi trong nguồn kinh phí duy trì cơ sở đào tạo, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Kinh tế-Kỹ thuật số 2 Đồng Nai cũng chia sẻ, nhà trường mới tự chủ một phần và phấn đấu đến năm 2017 sẽ tự chủ hoàn toàn. Điều này đòi hỏi nhà trường phải sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, thay đổi cách đào tạo, giáo trình để thu hút được học sinh đến đăng ký học.

Hiện nay, tự chủ tài chính đang là bài toán nan giải với các cơ sở dạy nghề. Để có thể có đủ nguồn kinh phí tự chủ, chỉ những trường nào tuyển sinh đủ chỉ tiêu mới không đứng trước nguy cơ giải thể trong cuộc cạnh tranh giữa các trường nghề.

Cơ sở đào tạo nghề đứng trước lựa chọn tự chủ tài chính hoặc giải thể ảnh 2Những trường nghề có chất lượng đào tạo tốt, tạo việc làm thu nhập cao sẽ thu hút được nhiều học sinh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội

Mặc dù 80-85% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tại các trường nghề đều có việc làm, thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng nhưng việc tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nếu các trường muốn tự chủ phải tăng học phí thì việc tuyển sinh đã khó lại càng khó.

Ông Trần Đắc Hòa cho rằng trường nghề muốn tăng học phí mà vẫn tuyển sinh được thì trước hết phải đảm bảo được sinh viên ra trường có thu nhập tương ứng với mức học phí họ bỏ ra, thu nhập sau khi ra trường phải đạt ít nhất 5,6 triệu đồng/tháng.

“Trường tôi ký cam kết sau khi ra trường có thu nhập 7 triệu đồng/tháng nhưng người dân vẫn không tin, vẫn khó tuyển sinh, đòi hỏi trường phải có những lứa sinh viên ra trường có việc làm thu nhập cao thật thì người dân mới tin,” ông Trần Đắc Hòa nói.

Thực tế những trường nghề có uy tín, có chất lượng đào tạo tốt luôn dễ tuyển sinh hơn đang ngày càng rõ nét.Trong kinh nghiệm về nâng cao chất lượng đào tạo, ông Trần Đắc Hòa nhấn mạnh: “Phải có người làm được việc”. Ngay tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh đang thực hiện chính sách lương 150-200% cho những đối tượng giáo viên “thu hút”.

“Hiện nay nhà trường có 7 giáo viên thu hút được trả mức lương 150-200% so với giáo viên thường. Theo tôi thì muốn nâng cao chất lượng đào tạo nhưng không có người làm thì chịu, chì có giáo viên giỏi mới tạo nên thương hiệu cho nhà trường,” ông Trần Đắc Hòa chia sẻ.

Đặc biệt, nhà trường cũng gắn chỉ tiêu tuyển sinh, tạo việc làm cho học sinh với mỗi giáo viên, mỗi khoa. Giáo viên phải đạt chỉ tiêu tuyển sinh mới được xét thi đua, khen thưởng. Có lẽ, đây là biện pháp hiệu quả giúp giáo viên chú ý đến nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy để có chỉ tiêu tuyển sinh tốt hơn.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở dạy nghề ông Bùi Văn Cường lưu ý thêm: “Hiện nay các cơ sở dạy nghề đang đào tạo cái mà nhà trường có chứ chưa đạo tạo cái mà xã hội cần. Các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng mở thêm, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội.”

Theo ông Bùi Văn Cường, các cơ sở đào tạo nghề phải chủ động xây dựng chương trình, nội dung đào tạo theo hướng nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân ở các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó làm việc với các doanh nghiệp để ký hợp đồng nâng cao tay nghề cho người lao động, từ đó để có thêm nguồn thu kinh phí, trang trải cho hoạt động của cơ sở dạy nghề./.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nói về việc tự chủ tài chính của các cơ sở đào tạo nghề
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục