Có thể duy trì nhà trẻ của cơ quan?

Nhà trẻ của cơ quan là cách đơn vị đó thể hiện sự chăm sóc đối nhân viên. Tuy khó khăn song nếu thực sự muốn, vẫn có cách để duy trì hình thức này.
Nhà trẻ của cơ quan chính là cách đơn vị đó thể hiện sự chăm sóc đối với cán bộ công nhân viên của mình. Tuy khó khăn song nếu thực sự muốn, vẫn có nhiều cách để duy trì hình thức này.

Gửi con thời “kế hoạch hóa”

Bà Nguyễn Thị Đông (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhớ lại: “Tôi sinh cô con gái độc nhất năm 1979. Hết hạn nghỉ đẻ 3 tháng tôi phải đi làm ngay. Cháu được mang vào gửi ở nhà trẻ của Tổng cục Địa chất trên phố Trần Hưng Đạo. Thời đó, mọi cán bộ công nhân viên đều như vậy. Bố mẹ cứ đi làm là yên tâm con được gửi ở nhà trẻ cơ quan”.

“Nhà trẻ có cả dãy cũi cho các cháu bé xíu. Những cháu lớn hơn thì nằm chiếu. Các cô giáo cũng thuộc biên chế cơ quan. Vì thế, thầy cô - cha mẹ rất thân thiện. Ngoài ơn nghĩa với thầy, còn là tình đồng nghiệp”, bà Đông tiếp lời.

Ông Đặng Quang Điều, Phó Ban Chính sách xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nói: “Thời kế hoạch hóa, mỗi cơ quan đều phải có nhà trẻ. Những nhà trẻ này đều có các cô giáo được đào tạo đúng ngành nghề. Cơ quan phải chi một khoản tiền cho nhà trẻ hoạt động”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Phó Ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, tới năm 1994-1995, những nhà trẻ này mới ít dần. Khi đó, các cô trông trẻ thuộc “biên chế” của ngành giáo dục và cơ sở vật chất hoặc trở về với đơn vị chủ quản hoặc cũng được bàn giao cho ngành giáo dục luôn.

Luật chưa bắt buộc

“Thời đổi mới, khoản tiền duy trì nhà trẻ trở thành “vấn đề” với các cơ quan, đặc biệt là với các doanh nghiệp. Đây cũng là lý do khiến các nhà trẻ cơ quan ngày càng trở nên hiếm. Thiệt thòi nhất chính là con em công nhân và đặc biệt là con em công nhân trong các khu công nghiệp”, ông Điều nói.

Ông Điều nhận định: “Điều này chắc chắn dẫn đến nhiều hệ lụy. Doanh nghiệp nhỏ không có nhà trẻ đã đành, các khu công nghiệp cũng hầu như không có nhà trẻ. Con em công nhân hoặc đi nhà trẻ tư nhân (vốn rất ít tại các khu công nghiệp) với chất lượng bữa ăn khó kiểm soát, hoặc bố mẹ phải kiếm người trông hộ. Nhưng cả hai phương án này đều dẫn đến việc trí tuệ, thể lực của một thế hệ bị ảnh hưởng”.

Bà Hồng phân tích: “Mặc dù Luật Lao động 1995 có quy định về vấn đề trông trẻ cho con lao động nữ nhưng quy định này chỉ dừng ở mức khuyến khích hỗ trợ. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp làm ngơ thì cũng không phạm luật”. Điều này đã dẫn đến hiện tượng nơi hỗ trợ, nơi không hỗ trợ. Và bản thân những đơn vị có hỗ trợ cũng ở những mức rất khác nhau. Tại Bình Dương, có đơn vị hỗ trợ chỉ 10.000 đồng/tháng tiền con nhỏ cho nữ công nhân.

Tiến sĩ Tôn Thiện Chiếu, Trưởng Phòng Xã hội học Lao động (Viện Xã hội học) đánh giá: “Cần xem xét lại việc hỗ trợ trông trẻ cho con lao động một cách có hệ thống. Rõ ràng khi xây dựng khu công nghiệp, một yêu cầu là ở đó phải có hạ tầng. Trong hạ tầng đó đương nhiên phải có nhà trẻ, khu vui chơi, văn hóa. Phần lớn công nhân ở các khu công nghiệp đều đang ở tuổi xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái. Và do đó, không chỉ doanh nghiệp, Nhà nước cũng phải có trách nhiệm với họ trong việc hỗ trợ trông trẻ”.

Điểm sáng nhà trẻ của cơ quan

Trên thực tế, hiện nay vẫn còn những nơi tồn tại nhà trẻ như thời bao cấp. Một điểm sáng cho mô hình này chính là Tổng Công ty May 10. Họ vẫn duy trì được nhà trẻ cho con công nhân ngay cạnh khu tập thể công nhân của công ty. Nhà trẻ hiện có 26 cô giáo. Tiền đóng chỉ 250-300.000 đồng/cháu/tháng. Nếu con em bên ngoài muốn gửi vào nhà trẻ thì tiền học gấp đôi.

Bà Thạch Thị Huệ, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 cho biết: “Các cô được công ty trả lương, tức là kèm theo nhiều chế độ và cao hơn lương ngân sách. Ngành giáo dục hỗ trợ 10 suất lương ngân sách cho nhà trẻ này. Số tiền còn lại tổng công ty bù vào. Phải bù lỗ nhưng chúng tôi vẫn duy trì bằng mọi giá vì xác định đây chính là một trong những yếu tố giúp người lao động yên tâm công tác”.

Một đơn vị khác vẫn còn giữ được nhà trẻ cho con công nhân là Công đoàn Than-Khoáng sản. Ông Đỗ Đình Hiền, Chủ tịch Công đoàn ngành này cho biết: “Hiện, các nhà máy ở Quảng Ninh, Thái Nguyên vẫn giữ được nhà trẻ với quy mô nhỏ khoảng 50 cháu. Chúng tôi không định bàn giao nhà trẻ này cho sở giáo dục. Với công nhân của ngành tôi, điều này khiến họ yên tâm công tác”.

Bà Lê Thị Thúy Hiền, Phó Ban Nữ công Công đoàn Giao thông Vận tải nói: “Ngành vẫn còn một số nhà trẻ cơ quan, song chỉ trông cho con em trong công ty. Một số đơn vị trong ngành cũng kết hợp với bên ngoài để gửi con em cho tiện”.

Theo bà Nguyễn Thanh Hồng, trong những năm qua, dệt may là một trong những ngành cạnh tranh khốc liệt nhất về giá cả, vì vậy mô hình nhà trẻ ở Tổng Công ty May 10 cho thấy nếu đơn vị thực sự muốn duy trì nhà trẻ, họ vẫn làm được.

Ông Đặng Quang Điều cũng cho rằng: “Nếu muốn hỗ trợ nhà trẻ cho con em người lao động, đơn vị cũng có thể có hẳn một hình thức liên kết như cách làm của ngành giao thông, ngành than - khoáng sản. Hoặc ít nhất họ có thể có thêm phụ cấp cho cán bộ, công nhân viên đang có con trong độ tuổi đi nhà trẻ. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý hơn khi phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp. Ở những khu công nghiệp lớn hàng trăm ngàn người, dứt khoát phải có nhà trẻ, bệnh viện”./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục