Cổ vật Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thế giới

Năm 2010 ghi nhận sự "bứt phá" ngoạn mục của các cổ vật và sản phẩm nghệ thuật Trung Quốc khi doanh thu đã vọt lên mức 6 tỷ USD.
Tuần san Le Nouvel Observateur của Pháp số ra mới đây đăng bài “Trung Quốc trỗi dậy” cho biết các cổ vật và tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Theo báo trên, doanh thu của thị trường kinh doanh cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật của thế giới năm 2010 đã đạt mức 43 tỷ USD, tương đương với năm 2006 sau khi "tụt dốc" vào năm 2008.

Năm qua đã ghi nhận sự "bứt phá" ngoạn mục của các cổ vật và sản phẩm nghệ thuật Trung Quốc. Nếu năm 2002, các cổ vật đến từ Trung Quốc chỉ đạt giá trị 691 triệu USD thì sau 8 năm, con số này đã vọt lên mức 6 tỷ USD.

Các tác phẩm và cổ vật Trung Quốc đã vượt qua Pháp và Anh để giữ vị trí số 2 (sau Mỹ) trên thị trường này.

Về lý do dẫn tới sự thay đổi này, Le Nouvel Obervateur cho rằng chú trọng đầu tư bảo tồn di sản dân tộc đã khiến các "thượng đế" hướng tới những cổ vật và tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc.

Những cổ vật có giá trị lịch sử luôn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà sưu tầm cổ vật thế giới. Năm 2008, chiếc ấn của Hoàng đế Khang Hi được bán với giá 4,7 triệu euro. Năm 2010, một chiếc bình từ thời Ung Chính có giá tới 5,5 triệu euro.

Theo một chuyên gia Pháp, trước kia, thị trường cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật thế giới chỉ tập trung ở châu Âu và Mỹ. Nhưng ngày nay, thị trường này đã trở nên “đa cực,” không chỉ được mở rộng về địa bàn (Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ...) mà còn đa dạng về quốc tịch người mua. Các "thượng đế" săn tìm cổ vật đang tìm đến Trung Quốc, Singapore và những nước Trung Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục