Còn 334 hồ chứa cần bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết hiện cả nước còn 334 hồ chứa bị hư hỏng cần bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014.
Còn 334 hồ chứa cần bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ ảnh 1Hồ chứa thủy điện Đồng Nai. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Tại hội thảo "Đảm bảo an toàn hồ đập: Thực trạng và giải pháp" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội, ngày 10/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết hiện cả nước còn khoảng 1.150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp; trong đó có 334 hồ chứa bị hư hỏng cần bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014, nhiều hồ chứa không có khả năng tích nước phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, đối với các hồ chứa có dung tích trữ nhỏ hơn 1 triệu m3, hầu hết công trình bị xuống cấp, thiếu năng lực xả lũ theo tiêu chuẩn thiết kế mới.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng ngay trong mùa mưa bão 2014, công tác quản lý, vận hành các hồ chứa phải được chấn chỉnh. Đặc biệt, các địa phương, chủ quản lý đập phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong công tác quản lý, vận hành đập, kịp thời phát hiện những vấn đề không an toàn.

Để quản lý an toàn hồ chứa trong thời gian tới, "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về quản lý an toàn đập; nâng cao chất lượng thiết kế, thi công và quản lý hồ đập. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn hồ chứa nước; đồng thời đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng cán bộ quản lý an toàn hồ đập," Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết.

Theo Vụ Quản lý Công trình, Tổng cục Thủy lợi, hiện các hồ chứa quy mô lớn, có cửa van điều tiết đã lập quy trình vận hành điều tiết chủ động cung cấp nước phục vụ sản xuất, vận hành đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Công tác kiểm định an toàn đập; phương án phòng chống lụt, bão cho công trình tại các hồ chứa này đã được thực hiện tốt. Đặc biệt, công tác phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập đã được thiết lập.

Đến nay, cả nước đã có 15 hồ chứa được lắp đặt trang thiết bị phục vụ điều hành, giám sát an toàn hồ chứa như Yên Lập (Quảng Ninh), Cấm Sơn (Bắc Giang), Xạ Hương (Vĩnh Phúc), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh)... Tuy nhiên, tại các hồ chứa nhỏ, công trình xả lũ là tràn tự do nên hầu hết chưa có quy trình vận hành.

Các hồ chứa nhỏ cũng chưa được kiểm định an toàn đập theo quy định; công tác chuẩn bị phương án phòng, chống lụt bão chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những hồ chứa ở xa dân cư, đường giao thông đi lại khó khăn, bị chia cắt khi có mưa lũ.

Về thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước, đến nay các địa phương đã nâng cấp 389 hồ chứa, với tổng kinh phí 6.900 tỷ đồng.

Các hồ chứa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhìn chung bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Tuy nhiên, số lượng các hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3 được sửa chữa không nhiều, hồ có dung tích dưới 1 triệu m3 cần sửa chữa, nâng cấp còn lại rất lớn, mới đạt 23% so với yêu cầu của chương trình.

Theo Tổng cục Thủy lợi, cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 11 tỷ m3; trong đó có 560 hồ chứa lớn (dung tích trữ trên 3 triệu m3, hoặc đập cao trên 15m), 1.752 hồ có dung tích từ 0,2 triệu m3 đến 3 triệu m3, còn lại hồ có dung tích nhỏ hơn 0,2 triệu m3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục