“Cơn bão” bolero đổ bộ hiện nay hay sự bế tắc của làng nhạc Việt?

Không phải đợi đến nhận định của Tùng Dương hôm nay mới chịu “hứng đá.” Bốn năm trước những lời bộc bạch thẳng thắn của Quốc Trung đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội, nhưng rõ ràng là nó chính xác.
“Cơn bão” bolero đổ bộ hiện nay hay sự bế tắc của làng nhạc Việt? ảnh 1"Cuộc chiến" về bolero giữa Đàm Vĩnh Hưng và Tùng Dương làm tốn khá nhiều giấy mực ...

Những ngày này, giới nhạc và dư luận lại được phen “dậy sóng” trước nhận định của Tùng Dương về dòng nhạc bolero.

Thực ra, những tranh cãi về bolero không hề mới. Nó vẫn như một dòng chảy âm ỉ ngay từ khi bắt đầu được "hồi sinh" dưới tên có vẻ cao sang hơn, Tây hơn (dù chưa hẳn đã chính xác) cái tên khai sinh gốc là nhạc sến.

Tùng Dương cũng không phải là người đầu tiên bị hứng đá. Cách đây 4 năm của nhạc sỹ Quốc Trung với phát biểu thẳng thắn rằng:  “nếu nó (chỉ nhạc sến) vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc,  đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội. Nó biểu hiện cho sự bế tắc, lười biếng chộp giật của tầng lớp nghệ sỹ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ.” Phát biểu này của Quốc Trung đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội, dù nó vô cùng chính xác.

Không ai phủ nhận sức hấp dẫn và mức độ phổ biến của bolero ở Việt Nam. Người Việt với thói quen tìm đến những thứ dễ dãi, quen thuộc trong hưởng thụ âm nhạc, còn bolero với các chủ đề tình yêu đôi lứa, quê hương qua những hình ảnh con đò, bến sông, đồng lúa, cánh cò, cha mẹ... ca từ mộc mạc, hòa âm đơn giản... thì dễ nghe, dễ vào, dễ thuộc.

Chưa kể, khi dòng nhạc này được sản sinh, các nhạc sỹ ngày đó, điển hình như Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Anh Bằng...  đã vô cùng khéo léo lồng ghép có thể nói là nhuần nhuyễn chất nhạc dân ca Việt Nam theo đặc trưng vùng miền vào giai điệu, ca từ qua đó sản sinh ra vô số các ca khúc có chất lượng nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, xứng đáng đứng vào danh sách những kiệt tác của nền tân nhạc Việt Nam.

Vào thời kỳ trước 1975 tại miền Nam Việt Nam, bolero có thể nói là không hề thua sút dòng nhạc tình lãng mạn của các tác giả Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên... Cũng không bị lép vế trước vô số thể loại nhạc ngoại quốc theo chân quân đội Mỹ tràn vào.


[Nhạc sỹ Tuấn Khanh: “Bolero không âm mưu cản đường của bất kỳ ai"]

Nhìn lại, Bolero rõ ràng có một vị trí bất biến trong dòng chảy phát triển âm nhạc của Việt Nam, tuy nhiên, theo thời gian, đến thời điểm hiện tại, giá trị của bolero chỉ mang ý nghĩa hoài niệm. Bởi, âm nhạc là nghệ thuật. Và đã là nghệ thuật thì phải gắn liền với sáng tạo.

Làn sóng nghe và hát bolero của showbiz Việt hiện nay hoàn toàn không cho thấy bất kỳ một khía cạnh nào của câu chuyện sáng tạo. Vẫn những bài hát đó, vẫn kiểu hòa âm đó, có chăng thêm thắt một số nhạc cụ chuyên biệt cho khác lạ, và cứ thế, từ các ca sỹ thế hệ trước hầu hết định cư ở hải ngoại theo làn sóng “hoài hương” ùa về đến các ca sỹ ăn khách trong nước và cả các ca sỹ trẻ. Tất cả cùng "hòa âm" đưa bolero đánh chiếm mọi ngóc ngách của thị trường, từ thành phố tới thôn quê, từ sân khấu biểu diễn lên sóng truyền hình, ùa cả vào gameshow như một thứ mốt thời thượng.

“Cơn bão” bolero đổ bộ hiện nay hay sự bế tắc của làng nhạc Việt? ảnh 2Gameshow về bolero ngập tràn trên sóng truyền hình. (Ảnh: VTV)

Thoạt nhìn, cứ tưởng bolero đang hồi sinh và thăng hoa nhưng trên thực tế, nó giống như một bình rượu ngon đã cạn đáy mà người ta vẫn tiếp tục đổ nước lã vào để bòn rút chút hương còn sót lại.

Điều này được minh chứng hiển nhiên qua các gameshow bolero tràn ngập trên sóng truyền hình với đủ các tên gọi: “Tình Bolero,” “Solo cùng Bolero,” “Tuyệt đỉnh song ca,” “Thần tượng Bolero,” “Kịch cùng Bolero,” “Người hát tình ca”… với kịch bản na ná, số thí sinh chất lượng đã làng nhàng lại không cùng một mặt bằng và hội đồng giám khảo gây nhiều tranh cãi.

Khi các khách hàng của thị trường hưởng thụ âm nhạc Việt với thói quen cố hữu là nghe thụ động, bảo thủ trong thích nghi cái mới lại chiếm đa số. Và trớ trêu, đa số này lại là đối tượng dễ dàng mở hầu bao chi cho nhu cầu giải trí dễ dãi "nhẹ đầu," thì Bolero được biến thành hầm trú ẩn an toàn để các nghệ sỹ núp dưới đó là đương nhiên. Họ đáp ứng được thị hiếu đại chúng dễ dãi, không mất công đầu tư đổi mới sáng tạo và có catse cao ở mức ổn định.

Nhà sản xuất, bởi thế cũng chỉ chăm chăm phần vỏ, muốn có những khuôn mặt thật “hot” để câu khách chẳng cần đầu tư chăm chút cho chất lượng chương trình. Tất cả, cùng cộng hưởng để làm rẻ rúng thêm dòng nhạc này thay vì nâng niu, trân trọng như người tổ chức nâng tầm ngộ nhận và như người hưởng thụ lầm tưởng.

“Cơn bão” bolero đổ bộ hiện nay hay sự bế tắc của làng nhạc Việt? ảnh 3Chất lượng thí sinh không đồng đều cộng thêm giám khảo ngôi sao được mời ngồi 'ghế nóng' chỉ phục vụ mục đích hút khán giả thay vì thẩm định về chuyên môn. (Ảnh: VTV)

Tất lẽ, trong một thị trường âm nhạc chuộng xưa cũ, ưa hoài niệm thì  những thứ mới mẻ vốn cần thời gian để phát triển, thấm thấu sẽ khó có thể vượt rào cản để tìm được chỗ đứng. Thêm vào đó,thực tế tính chất cảm thụ của công chúng ở Việt Nam hiện nay không được đào tạo cơ bản, không có định hướng...

Bolero, bản chất chưa bao giờ phải gánh vác “tội lỗi” trong việc cản trở sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng sự dễ dãi chiều chuộng theo gu thưởng thức (cũng dễ dãi) của đám đông, dễ dãi với cả hoạt động nghệ thuật vốn đòi hỏi sự khắt khe kỹ lưỡng, chính là những yếu tố nền móng của bức rào cản trở.

Người nghệ sĩ, nếu không kiên trì khám phá, tìm tòi, để đưa dòng nhạc mới, sáng tác mới, cách thể hiện âm nhạc hình thức mới... để cùng nâng cao hưởng thụ nghệ thuật cho công chúng, đáp ứng quy luật phát triển tất yếu của thời đại mà chấp nhận dễ dãi với mình, thông đồng cùng quần chúng cùng kéo đời sống âm nhạc lùi lại cả vài chục thập kỷ chính là những nhân tố cấu thành sự cản trở, kéo lui sự phát triển của một lĩnh vực nghệ thuật.

Oái oăm, khi có tiếng nói trái chiều cất lên, họ- sự cản trở đó lại cùng xù lông chống lại…

Bài thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục