Còn mãi một hồn thơ

Nhớ Quang Dũng - 90 năm vang mãi "Khúc độc hành"

Có ai không nhớ chất hào hùng, hào hoa của "Tây Tiến," chưa từng thao thức với "Đôi mắt người Sơn Tây?" người thơ đi mà hồn thơ còn mãi...

Sáng nay, 11/11/2011, tại Trụ sở hội Nhà văn Hà Nội số 19 phố Hàng buồm, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm "Quang Dũng-Khúc độc hành" nhân dịp 90 năm sinh của nàh thơ, một gương mặt tiêu biểu của Văn học Việt Nam thời hiện đại.

Quang Dũng nổi tiếng với các thi phẩm “Tây Tiến,” “Đôi mắt người Sơn Tây,” “Đôi bờ…” Ngoài ra ông còn được biết đến như một họa sĩ.

Còn mãi một hồn thơ

Nhà thơ Quang Dũng lớn lên trên quê hương "Xứ Đoài mây trắng lắm" - nơi "đất đá ong khô nhiều ngấn lệ" đã đi vào thơ ông thật ân tình, lãng mạn. Trong buổi lễ kỷ niệm có các đại diện từ Hội văn nhân xứ Đoài của ông!

Giải thích về việc kỷ niệm vào ngày chỉ có một không hai là ngày 11/11/2011, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nói: "Vì đến nay cũng chưa rõ được ngày sinh chính xác của thi sĩ cho nên lần kỷ niệm này gọi là 90 năm sinh. Và chúng tôi quyết định dành sự đặc biệt của ngày hôm nay để cùng nhớ về một tài năng còn mãi."

Tham dự vào buổi lễ trang trọng và đầm ấm này là các hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội, cùng đại diện của gia đình nhà thơ là vợ chồng chị Bùi Phương Thảo (con gái út của nhà thơ Quang Dũng.) Chị Thảo đã chia sẻ cùng phóng viên Vietnam+: "Gia đình tôi có 5 anh chị em, nhưng hai người đã mất, hai người nữa thì ở xa quá, chỉ có tôi ở Hà Nội nên vinh dự được đại diện cho các con của cha tôi đến dự lễ kỷ niệm này. Tôi đã rất xúc động vì những tình cảm mà mọi người đã dành cho cha tôi."

Nhận xét về tài năng Quang Dũng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: "Quang Dũng là một nhà thơ của Hà Nội, một nhà thơ của Việt Nam, một nhà thơ của thời đại."

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim đã chia sẻ với phóng viên Vietnam+ cảm xúc của ông về người thơ đàn anh này. Ông Kim cho biết, Quang Dũng là một trong những người đàn anh có ảnh hưởng lớn đến sáng tác đối với lớp nhà thơ tiếp nối. Mặc dù Quang Dũng đã đi xa nhưng những vần thơ còn mãi.

Trước toàn thể những người có mặt "nhớ Quang Dũng," nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định:"Cái độc đáo của Quang Dũng đã giúp ông "không lẫn vào đâu được. Ngay cả bài thơ "Tây Tiến" có những bập bềnh, nhưng rồi chính từ những chỗ ngỡ khác lạ với một thời cụ thể lại sống mãi với mọi thời. Quang Dũng đã giác ngộ cho tôi rằng hành trình sáng tạo có thể là độc hành trong một gia đoạn nào đó, nó có thể chưa được tiếp nhận ngay nhưng chính sự độc đáo lại là cái còn mãi."

Với cách nói rất thơ, nhà thơ Vân Long ví: Nhà thơ Quang Dũng như "bóng mây qua đỉnh Việt" và là một áng mây bay qua sông núi nước Việt. Mây Quang Dũng bay đến đâu, hoa lá cỏ cây và núi sông như có hồn theo đến đấy.

Đi vào khai thác tài năng khác của nhà thơ Quang Dũng, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết, những năm 1955-1956, Quang Dũng cộng tác rất đắc lực với tờ báo Văn nghệ, không những bằng các bài thơ mà còn bằng những bài tường thuật về hoạt động văn hóa văn nghệ.

“Quang Dũng cũng là một cây bút năng nổ, người ta còn nhớ tên bài bút ký ‘Xiếc khỉ’ của ông nhưng cần biết rằng bài đó nằm trong cả loạt bút ký mà Quang Dũng gọi là “tập ảnh” về các sinh hoạt văn hóa văn nghệ ngoài đời thường của dân thường ở vùng Hà Nội đương thời,” ông Ân khẳng định.

Chị Hằng, một độc giả yêu thơ Quang Dũng có mặt tại lễ kỷ niệm cũng cho hay: "Cho dù có câu 'Sông Mã gầm lên khúc độc hành' và trong hành trình sáng tạo của mình có lúc nhà thơ gặp những trắc trở phải 'độc hành' nhưng sau này ông đã được đánh giá xứng đáng và mãi mãi ông sẽ có chúng ta đồng hành cùng thơ ông!"

Về "Tây Tiến" nói bao nhiêu vẫn thiếu...

Bởi tên của thi sĩ Quang Dũng gắn liền với bài thơ “Tây Tiến,” một tác phẩm có trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông ở cả hai bộ sách chuẩn và nâng cao. Bởi vậy, không chỉ Vân Long mà còn nhiều ý kiến khác cũng nhấn mạnh vào tác phẩm để đời này.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp, Phó Viện trưởng Viện Văn học cũng từng nhận xét: "Nếu như Chính Hữu viết về những chàng vệ quốc bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã tái hiện vẻ đẹp người lính bằng đôi cánh lãng mạn đem đến men say cho thi tứ, sự bay bổng của hình tượng… Nếu thiếu đi cái chất lãng mạn, 'Tây Tiến' cơ hồ sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó."

Nói về tác phẩm để đời của thi sĩ xứ Đoài này, nhà thơ Vân Long nhận xét: Nhà thơ Quang Dũng độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự nhiên như chim trên trời, cá dưới nước mà thành độc đáo. Bài thơ “Tây Tiến” hội tụ được cả cái bi, cái tráng của thời đại. Cái buồn lãng mạn của người tiểu tư sản, tiểu trí thức do biết mình được đón nhận một chân lý lớn nhưng cũng đồng thời đón nhận một gian nan lớn.

Nhà thơ Vân Long còn nhấn mạnh, bài thơ “Tây Tiến” không chỉ là bài thơ tiêu biểu cho sự nghiệp thơ Quang Dũng, nó còn là niềm vinh dự, thành "phiên hiệu" nổi tiếng của một trung đoàn bộ đội. Bài thơ đã khắc vào bia đá, bia tưởng niệm các liệt sỹ và ghi chiến tích trung đoàn 52 Tây Tiến dựng ở Mai Châu.

Nhà văn Vũ Nho đã phát biểu những nét độc đáo trong bài thơ kiệt tác “Tây Tiến”: Bài thơ thành công nhờ kết hợp hài hòa bút pháp lãng mạn và hiện thực. Nếu chỉ có hiện thực trần trụi, chắc “Tây Tiến” không thể có sức cuốn hút mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu chỉ có chất lãng mạn thì “Tây Tiến” cũng khó mà được đón nhận rộng rãi như thế.

Chất hiện thực và lãng mạn đã làm cho bài thơ có gian khổ, mất mát, hy sinh nhưng cũng tràn đầy niềm lạc quan, khỏe khoắn. Giọng thơ vừa chân thành vừa bi tráng, hào hùng, phản ánh hào khí và chất lãng mạn một thời gắn với lịch sử kháng chiến anh dũng của dân tộc.

Nhà văn Vũ Nho còn phân tích những sáng tạo độc đáo trong bài thơ này. Ông cho biết, ngoài hình ảnh những chiến sỹ Tây Tiến làm quân thù khiếp sợ, hình ảnh Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, đầy chất thơ, tác giả đã dùng những hình ảnh, những cảm giác mới lạ. Đôi chỗ có thể cảm, hiểu mà khó cắt nghĩa rạch ròi như nỗi nhớ “nhớ chơi vơi” hoặc “đêm hơi” hay “Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”

Nhà thơ Phan Quế đã từng bình: “Câu thơ như một tuyệt bút thiên nhiên về sông Mã. Tôi chưa đọc câu thơ nào viết về sông Mã hay hơn thế. Âm vang của câu thơ là khí tiết của con sông chiến trận, quả cảm và dũng mãnh trong độc khúc binh lửa của mình mà tạo nên chất hiệp sĩ của tứ thơ.“

Thúy Mơ-Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục