Còn nhiều lỗ hổng về pháp lý trong hệ thống tài chính Hồi giáo

Hệ thống tài chính Hồi giáo hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hệ thống vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng về pháp lý và cơ chế khung về giám sát.
Còn nhiều lỗ hổng về pháp lý trong hệ thống tài chính Hồi giáo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: arabianbusiness.com)

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hệ thống tài chính Hồi giáo hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển và khai thác tiềm năng to lớn, trong bối cảnh hệ thống vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng về pháp lý và cơ chế khung về giám sát.

Tài chính Hồi giáo - có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ tài chính theo luật Hồi giáo Sharia - cho đến nay đang được quản lý bởi các khuôn khổ quy định đối với tài chính thông thường.

Theo IMF, hoạt động xuyên biên giới của các tổ chức tài chính Hồi giáo đang được mở rộng đáng kể mà không có sự hài hòa về các quy định, qua đó phản ánh sự cấp thiết của việc tăng cường tính minh bạch và tính hài hòa trong các luật lệ quy định, sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các tiêu chuẩn tài chính Hồi giáo và tiêu chuẩn tài chính thông thường, cũng như tăng cường công cụ giám sát hiệu quả.

IMF nhận định lĩnh vực tài chính Hồi giáo hiện vẫn còn non nớt, thiếu quy mô về mặt kinh tế, trong khi phải hoạt động trong một môi trường mà những yếu tố như các luật lệ quy định về pháp lý và thuế, nguồn tài chính phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận với mạng lưới tài chính an toàn và tính thanh khoản của ngân hàng đều thiếu hoặc không được coi trọng.

Trong thế giới tài chính của mình, luật Hồi giáo nghiêm cấm đầu cơ, các hình thức cho vay lấy lãi, cờ bạc và những hoạt động tài chính khác được cho là có hại cho xã hội.

Trong vòng bốn năm trở lại đây, hệ thống tài chính Hồi giáo đã tăng gấp đôi quy mô với giá trị lên đến trên 2.000 tỷ USD (1.760 tỷ euro), trong bối cảnh nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, hệ thống tài chính Hồi giáo mới chỉ đóng góp chưa đến 2% vào khối tài sản trị giá 140.000 tỷ USD của ngành ngân hàng thông thường trên toàn cầu.

IMF cho rằng tài chính Hồi giáo có tiềm năng đóng góp vào phát triển kinh tế toàn cầu và mở ra cánh cửa hội nhập tài chính lớn hơn cho cộng đồng người Hồi giáo, cũng như khả năng cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng những dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, IMF cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Sukuk hay còn gọi là trái phiếu Hồi giáo.

Ngoài việc phải san lấp những lỗ hổng về pháp lý và giám sát, hệ thống tài chính phục vụ người Hồi giáo còn phải đối mặt với tình trạng “lười” đổi mới và sự khan hiếm của các học giả Sharia có chuyên môn về tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục