Còn nhiều ý kiến khác nhau về đào tạo một số chức danh tư pháp

Trong Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra còn có ý kiến khác nhau đối với quy định của Dự thảo Pháp lệnh về đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.
Còn nhiều ý kiến khác nhau về đào tạo một số chức danh tư pháp ảnh 1 Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Thuận phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 8/3, trong Phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhằm kiện toàn tổ chức, bổ sung cơ chế, chính sách đối với đội ngũ hội thẩm trên cả nước.

Cũng trong chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp.

Nội dung được thảo luận sâu tại buổi làm việc là vai trò và địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm nhân dân, vấn đề cũng được quy định tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, việc làm rõ địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm rất quan trọng, là cơ sở để quy định tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm.

Dự thảo Quy chế quy định “Hội thẩm được tổ chức thành Đoàn Hội thẩm,” Đoàn Hội thẩm là một tổ chức tự quản của các hội thẩm, không phải là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, cũng như không phải là Hội theo quy định của pháp luật về Hội.

Khi được bầu hoặc cử làm Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ xét xử tại một tòa án, Hội thẩm phải tham gia sinh hoạt tại Đoàn Hội thẩm nơi có tòa án đó. Các hội thẩm được bầu hoặc cử để thực hiện nhiệm vụ xét xử được tổ chức thành Đoàn hội thẩm, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch. Đoàn hội thẩm chỉ tổ chức để các hội thẩm trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử, nâng cao trình độ nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người Hội thẩm nhân dân, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc bầu Đoàn hội thẩm là theo yêu cầu của cơ quan tòa án nhưng cần cụ thể để dễ thi hành. Không tán thành với quy định phụ cấp xét xử của Hội thẩm lại quy định do Chính phủ ban hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải quy định do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mới phù hợp, đồng bộ với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến quy định về chế độ, trang phục, giấy chứng minh của Hội thẩm, Đoàn Hội thẩm.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, do hoạt động của Đoàn hội thẩm mang đặc điểm của tổ chức hội, đoàn nên cơ quan soạn thảo cần lấy thêm ý kiến của Chính phủ và các cơ quan liên quan trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế. Việc xây dựng Đoàn hội thẩm nên gắn liền với trách nhiệm của Tòa án nhân dân để hướng đến việc xây dựng Tòa án khu vực.

Cũng trong chiều cùng ngày, cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ đối tượng, mục tiêu và chương trình đào tạo, hoàn thiện dự thảo tiếp tục trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với các mục đích, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho hoạt động đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; khắc phục hạn chế về chất lượng và những hạn chế, vướng mắc về hoạt động đào tạo trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới mô hình đào tạo các chức danh tư pháp.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng có ý kiến khác nhau đối với quy định của Dự thảo Pháp lệnh về đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Một số ý kiến tán thành quan điểm này nhưng cũng có ý kiến cho rằng hiện nay đã có chủ trương cho các cơ sở đào tạo của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam được đào tạo nghề của ngành mình.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập các trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Tòa án và sắp tới là Trường đào tạo nghề của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Trong Dự thảo Pháp lệnh cũng đã quy định các cơ sở này được đào tạo riêng các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên và nghề luật sư. Nếu thành lập mô hình đào tạo chung cũng sẽ khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào và sử dụng học viên sau khi đã tốt nghiệp khóa đào tạo của Học viện Tư pháp.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận một cách thấu đáo những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục