Còn ý kiến khác nhau về cơ chế đặc thù cho Thủ đô

Xung quanh dự án Luật Thủ đô, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có nhiều ý kiến khác nhau về cơ chế đặc thù cho Thủ đô.
Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 6/1, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến vào việc tiếp thu chính lý dự án Luật Thủ đô.

Đa phần các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính của quốc gia, vì vậy cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để Thủ đô xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể như thế nào thì vẫn còn có những ý kiến khác nhau trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước khi nêu quan điểm của mình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: những chính sách, cơ chế hiện nay có vấn đề gì làm bó Thủ đô để Thủ đô không phát triển được hay không? Sau Luật Thủ đô thì có Luật đặc thù gì khác cho các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… hay không?

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thì cần quy định những điểm khác biệt, bổ sung cho pháp luật hiện hành mới quản lý tốt đối với Thủ đô. Còn vấn đề Luật đặc thù cho các thành phố lớn thì chưa thể nói trước được bởi những vấn đề bức xúc không chỉ xảy ra ở Thủ đô mà cả những thành phố lớn khác cũng vậy.

Không thỏa mãn với sự lý giải này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển dẫn giải việc dự thảo Luật quy định “dự toán chi cho ngân sách Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các địa phương khác làm cơ sở xác định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước” là không hợp lý.

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng đã có sự phân bổ định mức chi riêng cho từng địa phương, hàng năm trung ương đều đã dựa trên mức dự toán thu chi của Hà Nội để phân bổ ngân sách thích hợp. Định mức phân bổ ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản thì lại cho điểm với đô thị đặc thù, tổng số điểm của Hà Nội là rất cao so với các địa phương khác nên dự toán ngân sách của địa phương này cũng là nguồn lực rất lớn, điều đó đã nói lên đặc thù của Hà Nội trong vấn đề ngân sách.

Do vậy, vấn đề ngân sách nên thực hiện thống nhất theo quy định của Luật ngân sách nhà nước để đảm bảo sự công bằng về ngân sách giữa các địa phương.

Về quy định “Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán (trừ một số khoản thu) để đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô,” ông Phùng Quốc Hiển không tán thành vì việc xây dựng dự toán hiện nay chưa sát thực, nếu lập quá cao thì tăng thu lại không được bao nhiêu, trong khi Trung ương vẫn có cơ chế riêng cho Hà Nội.

Ông Hiển cho rằng nên để cho Luật ngân sách quy định đối với những nơi đặc thù, thực hiện thống nhất theo quy định của Luật ngân sách nhà nước để đảm bảo sự công bằng với các địa phương khác.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận. Luật ngân sách đã quy định cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sao còn phải đưa vào dự thảo Luật cho nặng nề thêm? - ông Nguyễn Văn Thuận đặt vấn đề.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng quy định như vậy là hợp lý, bên cạnh việc lấy kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các huyện, thị xã, vùng nông thôn của Thủ đô còn có ý nghĩa khuyến khích các cơ quan chức năng của Thủ đô tận thu cho ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu đều thống nhất quan điểm cho Thủ đô được giữ lại toàn bộ khoản vượt thu bởi đây là nguồn lực để đảm bảo phát triển Thủ đô. Luật ngân sách quy định chưa rõ, chưa cụ thể cho Thủ đô về vấn đề này thì Luật Thủ đô sẽ quy địnhh rõ hơn.

Cụ thể hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị cho Thủ đô được giữ lại phần vượt thu ngân sách hàng năm nhưng không nên đặt vấn đề mãi mãi mà có thời gian khoảng 10 năm, sau đó điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

Về vấn đề quản lý dân cư, nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tỏ ý băn khoăn có hay không quy định đặc thù về vấn đề này. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng nếu dễ dãi thoải mái để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân sẽ tạo gánh nặng cho các thành phố lớn nhưng nếu đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về cấp giấy cư trú thì trên thực tế, biện pháp này chưa chắc đã giải quyết được vấn đề di cư, nhập cư. Nếu áp dụng các quy định này trong Luật Thủ đô cần tính toán đến một loạt các Luật khác như Luật Nhà ở, Luật cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam… xem có vướng không, có phải sửa Luật nào khác không, phải đặt ra vấn đề tổng thể…

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thì cho rằng nên hạn chế tối đa quá đông người sinh sống, ăn ở thường xuyên không chính tắc ở Thủ đô, vùng lõi của Thủ đô cần được hạn chế số lượng người và cần có sự phân biệt về vấn đề quản lý cư trú.

Cùng chung một vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định không thể dùng Luật cư trú hiện nay để quản lý thường trú ở nội thành bởi Luật này vận dụng khá rộng rãi, nếu vận dụng cả với nội thành Thủ đô Hà Nội thì rất khó. Dân cư nội thành phải được bố trí hợp lý, phù hợp với hạ tầng kinh tế, xã hội, không thể để các doanh nghiệp sản xuất tùy tiện vào nội thành, hay việc cho ở nhờ với diện tích 5m2, do đó, cần phải quy định những điểm khác đi so với Luật cư trú để quản lý việc nhập cư vào nội thành.

Các vấn đề về quy định mức phí xử phạt tiền, vấn đề quy hoạch Thủ đô cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá đây là một dự án Luật khó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lĩnh hội các ý kiến đóng góp và chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, hoàn chỉnh lại, kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục