Công bố báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam năm 2015

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa.
Công bố báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam năm 2015 ảnh 1Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty thủy sản Trung Sơn. (Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN)

Sáng 28/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015.

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam được xây dựng lần đầu tiên từ năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách phù hợp.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” được khẩn trương thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa. Quá trình hội nhập quốc tế đã đạt được những thành tựu bước đầu nhưng tiến triển, hiệu quả và những được-mất vẫn cần thời gian để đánh giá. Nền kinh tế vẫn cần có nhiều thay đổi về thể chế và chính sách để thích ứng với bối cảnh mới, giúp Việt Nam hòa nhập và hòa đồng với các nước khác.

Vì vậy, Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 sẽ tiếp tục đưa đến cho độc giả những phân tích sâu sắc về các vấn đề căn bản của kinh tế Việt Nam, thông qua cách tiếp cận mang tính hàn lâm và bài bản.

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 bao gồm bảy chương và hai phụ lục, trong đó, chương một và chương hai tổng quan về kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam năm 2014.

Ở hai chương này, báo cáo cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng thể về kinh tế thế giới với những sự kiện lớn như sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Mỹ, tình trạng khó khăn kéo dài của EU, việc thúc đẩy đàm phán các hiệp định TPP và TIPP, suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc...; đồng thời, nhận định những ảnh hưởng của môi trường toàn cầu lên nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2014 vượt mục tiêu và cao hơn hầu hết dự báo. Tỷ lệ lạm phát ở mức thấp nhất trong 10 năm. Các yếu tố gây bất ổn được kiềm chế, các cân đối vĩ mô giảm bớt mức độ kém an toàn, dù vẫn dễ tổn thương trước cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, cấu trúc kinh tế vẫn bộc lộ nhiều vấn đề bởi những yếu tố gây ràng buộc, cản trở tái cấu trúc và chuyển dịch cơ cấu.

Chương ba phân tích về những bất ổn đằng sau sự ổn định danh nghĩa của tỷ giá. Chương bốn “Phân tích an toàn vĩ mô cho hệ thống ngân hàng Việt Nam 2015-Ứng dụng phương pháp kiểm tra sức chịu đựng." Chương năm đề cập đến vấn đề “Được và mất trong TPP: đánh giá từ mô hình GTAP cho Việt Nam." Chương sáu phân tích đặc điểm cấu trúc thị trường lúa gạo Việt Nam “Hướng tới hội nhập bền vững thị trường lúa gạo-Cách tiếp cận cấu trúc thị trường."

Thay cho lời kết, chương bảy “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2015 và khuyến nghị chính sách” đã đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế năm 2014, công bố dự báo về diễn biến kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2015 như tăng trưởng, lạm phát và khuynh hướng chung của các biến vĩ mô quan trọng khác.

Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang dự kiến xuất bản vào đầu tháng 7/2015 và báo cáo tiếng Anh dự kiến xuất bản vào tháng 9/2015, phát hành trên thị trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục