Công bố chỉ dẫn địa lý với sản phẩm quế vỏ Trà My

Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam vừa công bố chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ ở khu vực miền núi Trà My, Quảng Nam.
Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam vừa công bố chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ ở khu vực miền núi Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Đây là kết quả của dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Trà My cho sản phẩm quế của tỉnh Quảng Nam” thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt và giao Sở Khoa học Công nghệ Quảng Nam chủ trì thực hiện từ năm 2008 đến năm 2010.

Dự án được triển khai thí điểm ở 4 xã Trà Đơn, Trà Leng (huyện Nam Trà My) và Trà Giáp, Trà Giác (huyện Bắc Trà My) với diện tích khoảng 1.300ha.

Cây quế Trà My có hàm lượng tinh dầu cao và hoàn toàn khác với các loài quế ở các vùng khác trong nước. Quế Trà My có nguồn gốc là quế mọc hoang trong rừng, từ rất lâu đã được đồng bào người Ca dong, Mơ nông, Xê đăng... trồng trong vườn nhà.

Mỗi gia đình lúc đầu chỉ có một vài cây, sau đó đã phát triển thành các vườn quế, đồi quế và rừng quế. Tập quán chọn giống, trồng quế, thu quế và bảo quản quế ở đây mang nét đặc thù của vùng.

Sản phẩm quế Trà My có giá trị kinh tế cao, thường được các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu thô sang các thị trường Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản...

Xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ sẽ giúp khách hàng nhận biết nguồn gốc, xuất xứ, đặc tính, giá trị của sản phẩm.

Theo ông Phạm Viết Tích, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Quảng Nam, việc xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ sẽ góp phần khôi phục, duy trì và phát triển danh tiếng sản phẩm quế Trà My trên thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo lợi ích thiết thực cho người trồng quế.

Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu quế Trà My, các ngành hữu quan cùng với 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My cần nghiên cứu phương án bảo tồn nguồn giống quế gốc, loại bỏ giống quế lai tạp và có chính sách ưu tiên trả lại “đất gốc” cho cây quế Trà My, đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu quế tập trung, đủ sức đáp ứng nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn.

Sắp tới, Sở Khoa học Công nghệ Quảng Nam sẽ tiến hành lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với biểu tượng của chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ./.

H.Chung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục