Công cuộc phòng chống HIV: Không còn thời gian để uổng phí

Trước thách thức nguồn kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS đang bị thiếu hụt trầm trọng, chuyên gia của UNAIDS cho rằng Việt Nam cần hành động khẩn cấp để thay đổi tình trạng này.
Công cuộc phòng chống HIV: Không còn thời gian để uổng phí ảnh 1Nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo “Vận động để đảm bảo tài chính bền vững cho HIV/AIDS ở các quốc gia ASEAN” của bà Nafsiah Mboi - Chủ tịch Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét - cho thấy đầu tư trong nước của Việt Nam cho phòng chống HIV/AIDS chỉ đứng thứ 7 trong tổng số 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với  tỷ trọng 17% trong tổng kinh phí phòng chống HIV/AIDS.

Theo bản báo cáo trên, đứng đầu là Singapore và Brunei với tỷ trọng đầu tư trong nước chiếm 100%, tiếp đến là Malaysia với 97%, Thái Lan với 85%, Philippines  với 51%, Indonesia là 42% trong tổng kinh phí phòng chống HIV/AIDS.

Trong khi đó, các yếu tố lây nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam đang biến đổi phức tạp, khó kiểm soát với việc xuất hiện các yếu tố lây nhiễm mới như ma túy tổng hợp, mại dâm nam, tình dục đồng giới nam… Vì vậy, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam cần có những chiến lược và giải pháp kịp thời.

Đầu tư phải mang tính chiến lược

Tiến sỹ Kristan Schoultz, Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam (Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về AIDS) nhận định, Việt Nam đang ở vào một thời khắc cực kỳ quan trọng để tiếp tục đối đầu thành công với dịch HIV/AID. Nhiều thành tựu to lớn đã có được trong 25 năm phòng chống HIV/AIDS đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng thay đổi không ổn định xung quanh vấn đề tài chính.

“Song, Việt Nam đặt quyết tâm đạt được mục tiêu toàn cầu về Kết thúc dịch AIDS vào 2030 thì hơn bao giờ, ngay lúc này chúng ta phải chuyển hướng!”

Theo bà Kristan Schoultz, phân tích từ Khung đầu tư chiến lược tại Việt Nam đã cho thấy, trong thời gian vừa qua, mới chỉ có một phần nhỏ ngân sách dự phòng lây nhiễm HIV được phân bổ cho các chương trình dành cho những người tiêm chích ma túy, người bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới - cho dù đây là những nhóm chiếm hơn một nửa tổng số các ca nhiễm mới.

Vị Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam chỉ rõ, khung đầu tư chiến lược cũng cho thấy độ bao phủ của các dịch vụ phòng chống HIV hiện nay chưa tương xứng với phân bố số các ca nhiễm. Ở một số vùng, số lượng người sống với HIV sẽ cao hơn và có nhu cầu nhiều hơn về các dịch vụ này, nhưng các dịch vụ vẫn chưa được cung cấp đủ.

Trước thách thức Việt Nam bị thiếu nguồn kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS trầm trọng trong thời gian tới, bà Kristan Schoultz cho rằng điều quan trọng là Việt Nam cần hành động khẩn cấp để thay đổi tình trạng này, sử dụng những bằng chứng thực tiễn đã có để đưa ra các quyết định đầu tư mang tính chiến lược hơn, để thu được nhiều giá trị lớn hơn từ những đồng vốn bỏ ra đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS.

“Việc làm này cũng rất quan trọng, tương đương với việc tìm các phương án để gia tăng ngân sách trong nước nhằm đảm bảo duy trì ứng phó lâu dài phòng chống HIV/AIDS. Và thực sự đã đến lúc, chúng ta không còn thời gian để uổng phí,” vị Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam cho hay.

Ở một góc độ khác, ông Steve Kraus - Giám đốc UNAIDS Khu vực châu Á-Thái Bình Dương phân tích, nghiên cứu đã chỉ ra rằng dịch HIV/AIDS trong khu vực chỉ tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao, nhưng số liệu gần đây cho thấy chỉ có khoảng 8% tổng số chi tiêu cho phòng chống AIDS là dành cho dự phòng lây nhiễm HIV trong các nhóm hành vi nguy cơ cao.

“Chúng ta không đầu tư một cách có chiến lược, chúng ta không tối đa hóa hiệu quả của đồng tiền ít ỏi chúng ta đang có. Chúng ta phải tính toán chiến lược hơn để thu được kết quả từ những đồng vốn bỏ ra này,” ông Steve Kraus nhấn mạnh.

Ông Steve Kraus cho rằng các nước ASEAN có thể coi thời khắc phải thắt lưng buộc bụng này là một cơ hội, tạo ra nhiều biện pháp hiệu quả hơn nữa cho các chi phí đã bỏ ra việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Lồng ghép các dịch vụ phòng chống HIV vào các dịch vụ chăm sóc bà mẹ-trẻ em, dịch vụ phòng chống lao và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác có thẻ giúp chúng ta hoàn thành được mục tiêu đề ra

Trong hội thảo mang tên “Tài chính bền vững cho phòng chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN trong Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 vừa diễn ra trong tháng Chín tại Hà Nội, tham luận đầu tư chiến lược nhằm kết thúc đại dịch AIDS tại Thái Lan được rất nhiều nước đánh giá cao và học hỏi.

Tại buổi hội thảo, đại diện Trung tâm Quản lý AIDS quốc gia của Bộ Y tế Thái Lan đã đưa ra các phương pháp phân tích logic về việc đầu tư hiệu quả và khung đầu tư chiến lược của Thái Lan để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Thái Lan hạn chế các nguồn lực cho dự phòng và phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt tiến hành các can thiệp cho nhóm dễ bị tổn thương.

Theo đó, Thái Lan tập trung vào các biện pháp đầu tư chủ yếu gồm: gia tăng tư vấn xét nghiệm HIV để đạt được diện bao phủ 90% ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Đó là các nhóm như quan hệ đồng tính nam, mại dâm, tiêm chích ma túy. Tiếp theo đó là chiến lược điều trị ARV sớm cho tất cả người nhiễm HIV và kế tiếp là việc duy trì bệnh nhân điều trị và tuân thủ điều trị.

Đặc biệt, Thái Lan đang thực hiện chiến lược chuyển đổi từ khống chế bệnh dịch sang kết thúc dịch AIDS bằng cách vận động để tất cả mọi người đều được khuyến khích biết về tình trạng HIV, bình thường hóa HIV như các vấn đề khác đồng thời tạo môi trường chính sách và các cơ chế thuận lợi tăng cường thông tin chiến lược và quản lý.

Công cuộc phòng chống HIV: Không còn thời gian để uổng phí ảnh 2Cần tập trung tài chính đầu tư vào những nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao. (Ảnh:TTXVN)

Huy động sự chung tay của các tổ chức xã hội

Nói về kế hoạch đầu tư chiến lược, ông Prasada Rao - Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp quốc về phòng chống AIDS tại châu Á-Thái Bình Dương nhận định các nước ASEAN và Việt Nam cần có kế hoạch về chuyển đổi tài chính chi tiêu.

Theo ông Prasada Rao, đối với trường hợp các nước thu nhập thấp, con đường đi tới sẽ là tăng cường sử dụng các nguồn lực của quốc gia, các nước có thể xây dựng “kế hoạch chuyển đổi tài chính chi tiêu.” Để cuộc chiến phòng chống HIV của các nước thành công, các nguồn lực phải hướng trực tiếp tới các cộng đồng – nơi con virus này đang hoành hành – chứ không phải rải ra toàn quốc.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, sau năm 2015 có thể không còn chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho phòng, chống HIV/AIDS, nhưng Nhà nước cần có cơ chế tài chính mới để tiếp tục đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS, như thông qua chi thường xuyên hoặc các hình thức đầu tư phù hợp khác.

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng hai đề án trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để đảm bảo điều trị ARV cho người nhiễm HIV và đảm bảo thuốc Methadone trong điều trị cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Đặc biệt, để bớt gánh nặng chi trả cho bệnh nhân HIV thì bảo hiểm y tế trong thời gian tới sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong chi trả các chi phí điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội và các xét nghiệm liên quan đến HIV/AIDS…; huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho phòng, chống HIV/AIDS…

Ông Long cũng cho hay, Bộ Y tế cũng đang tiếp tục kêu gọi các nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế; thuyết phục các nhà tài trợ để kéo dài thêm thời gian tài trợ cho Việt Nam đến khi ngân sách trong nước đảm bảo cho phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh các nhà tài trợ hiện đang hỗ trợ, tiếp tục vận động thêm các nhà tài trợ mới như ASEAN và các đối tác như APEC...

Theo đại diện của Bộ Y tế, bên cạnh huy động các nguồn lực cần phải sử dụng các nguồn tài chính hiện có một cách hiệu quả nhất bằng cách tập trung nguồn lực vào các địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS để tăng hiệu quả hoạt động./.

Bài 4: “Kết thúc đại dịch HIV/AIDS: Cần có sự cam kết và đầu tư thông minh”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục