Công đoàn Hà Nội góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992

Công đoàn thành phố Hà Nội tổ chức cuộc họp góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có nhiều ý kiến rất cụ thể.
Ngày 28/2, Công đoàn thành phố Hà Nội tổ chức cuộc họp góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với mong muốn Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ là đạo luật gốc mang tính ổn định hơn so với những bản Hiến pháp trước đây.

Đi sâu vào các nội dung cụ thể, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại Điều 4, các ý kiến đều cơ bản thống nhất như Dự thảo.

Tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề về quyền con người tại chương II của Dự thảo, đại biểu Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng Điều 21 quy định “Mọi người đều có quyền sống” nếu chỉ dừng ở đây thì trong pháp luật hiện nay quy định án tử hình sẽ là vi hiến vì án tử hình sẽ tước đi quyền sống của một con người.

Trong điều kiện vẫn có thi hành án tử hình cần phải bổ sung cụm từ “trừ trường hợp luật pháp quy định khác” vào cuối Điều 21 mới đảm bảo tính hợp pháp của việc thi hành án tử hình, góp phần củng cố tính răn đe của pháp luật.

Phát biểu về vấn đề thử nghiệm trên con người, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định Điều 22, Khoản 3 quy định chưa đầy đủ. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác cũng đều cần có sự quy định của pháp luật. Nếu quy định chỉ cần có sự đồng ý của cá nhân khiến việc quản lý hoạt động này sẽ rất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, cần phải quy định việc thử nghiệm này phải theo quy định của pháp luật.

Đóng góp vào Điều 30, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành công thương Hà Nội Nguyễn Bá Châu cho rằng Hiến pháp 1992 đã quy định công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, từ trước đến nay chúng ta chưa thực hiện được bất kỳ cuộc trưng cầu nào để nhân dân có thể biểu quyết. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục giữ nguyên nội dung này là đáng hoan nghênh, nhưng để nội dung này có thể đi vào thực tiễn thì đề nghị cần làm rõ những nội dung nào Nhà nước cần tổ chức trưng cầu ý dân.

Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ quyền của Chủ tịch nước và Chính phủ trong đó, các ý kiến đều đồng tình với quan điểm cần tăng thẩm quyền cho Chủ tịch nước. Nếu quy định như Dự thảo hiện thời thì quyền của Chủ tịch nước không khác nhiều so với Hiến pháp năm 1992.

Còn tại Điều 101, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đại học Luật cho rằng, mặc dù quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ rất chi tiết nhưng một quyền hạn quan trọng, không thể thiếu mà thực tế hiện nay vẫn đang được Chính phủ cũng như Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện trong quá trình hành pháp hay quản lý xã hội mà chưa được quy định vào Điều này đó là xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật.

Trên thực tế, dù Hiến pháp không quy định thì Chính phủ vẫn sẽ thực hiện việc này. Do đó, để minh bạch vấn đề này, Điều 101 cần quy định rõ Chính phủ có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để xác lập trật tự quản lý xã hội.

Một vấn đề khác cũng được các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội quan tâm và băn khoăn là quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội tại điều 75 và 76 của Dự thảo. Về điều này, cần tách bạch nội dung nào là nhiệm vụ, nội dung nào là quyền hạn vì khái niệm "nhiệm vụ" và "quyền hạn" là hoàn toàn khác nhau.../.

Minh Nghĩa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục