Cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Séc kỳ vọng nhiều ở EVFTA

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc bày tỏ kỳ vọng EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nhờ lợi thế cạnh tranh về giá.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Séc kỳ vọng nhiều ở EVFTA ảnh 1Trung tâm thương mại Sapa, nơi có 3.000 người Việt đang kinh doanh hàng ngày. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Trong những ngày này đề tài mà nhiều người Việt tại Cộng hòa Séc bàn luận là việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây là một tin vui đối với giới doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc nói chung và những công ty chuyên nhập hàng từ trong nước sang châu Âu nói riêng.

Điều khiến cho các doanh nghiệp nhập hàng từ trong nước sang các quốc gia EU, trong đó có Cộng hòa Séc, phấn khởi nhất là việc xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với nhiều loại hàng hóa của Việt Nam.

Trong danh mục hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu có có gạo, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, rau củ quả mà đây chính là những sản phẩm được người Việt tại Séc cũng như người dân Séc tiêu thụ mạnh nhất.

Trung tâm Thương mại Sapa (Prague, Cộng hòa Séc) là khu chợ bán buôn lớn nhất của người Việt tại châu Âu. Tại đây có 3.000 người Việt đang kinh doanh và vào dịp cuối tuần có cả chục nghìn người kinh doanh vừa và nhỏ đến “ăn” hàng ở Sapa.

Chị Phạm Thanh Hương, Phó giám đốc công ty DALIMEX, là một trong các doanh nghiệp ở Sapa chuyên kinh doanh hàng may mặc xuất khẩu từ thành phố Hồ Chí Minh. Chị cho biết bản thân mình và các doanh nghiệp Việt tại Séc rất phấn khởi khi Việt Nam và EU đã ký EVFTA. Nhờ giảm thuế xuất nhập khẩu hàng may mặc, giá sản phẩm đến khách hàng Séc sẽ giảm nhiều và hàng hóa xuất khẩu sẽ nhiều hơn.

Chị Bùi Thị Thu Nhung, Giám đốc công ty Julia Alex Asiafood, có cùng tâm trạng với chị Hương. Công ty của chị chuyên nhập hàng hải sản từ Việt Nam sang để bán cho các đối tác Việt và Séc tại Cộng hòa Séc.

Chị chia sẻ "Tôi cũng rất vui mừng khi hai bên đã ký kết hiệp định với nhau để miễn thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản. Như thế rất là tốt cho nhiều người - người nuôi thủy hải sản ở Việt Nam - các công ty xuất nhập khẩu ở Việt Nam và ở Séc - người tiêu dùng ở Séc. Ví dụ, nếu trước đây một gói tôm từ Việt Nam sang đến Prague phải cõng thuế nhập khẩu cùng bao nhiêu là thủ tục mất nhiều thời gian thì nay khoản này được miễn, giá hạ xuống, khách hàng sẽ mua nhiều hơn."

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, có góc nhìn tổng hợp hơn bởi ông vửa là người đại diện cho cộng đồng, vừa là một doanh nhân trong vai trò Tổng Giám đốc Trung tâm Thương mại Sapa: “Hiệp định Thương mại Tự do đã được ký giữa Việt Nam và EU rất có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Séc và EU, đồng thời rất có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang kinh doanh hàng Việt Nam tại EU nói chung và Cộng hòa Séc nói riêng.

Bởi đây là cơ hội để hàng Việt Nam vào châu Âu được nhiều hơn, được rộng hơn. Và tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng ở Việt Nam cũng nên hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh doanh nghiệp Việt tại Cộng hòa Séc cũng như ở EU, bởi vì chính họ là những người nắm rõ nhất về thị trường, về thị hiếu của người dân bản địa."

Ông Hoàng Đình Thắng rất trăn trở trước thực trạng ở Trung tâm thương mại Sapa các doanh nhân Việt chiếm số lượng áp đảo nhưng tỷ trọng hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được tiêu thụ tại đây thua xa hàng Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, thậm chí là chưa bằng hàng Thái Lan.

Ông hy vọng sau khi EVFTA có hiệu lực thì tình hình sẽ được thay đổi vì hàng Việt tại đây có lợi thế cạnh tranh về giá hơn hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục