Công, dung, ngôn, hạnh mãi là thước đo nhan sắc

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, công, dung, ngôn, hạnh mãi mãi là "khuôn vàng thước ngọc" của người phụ nữ ở mọi thời đại.

Theo đó, nam phải ra nam, nữ phải là nữ chứ  không nên nghĩ rằng đàn ông uống rượu được thì phụ nữ cũng uống rượu được, "ông ăn chả thì bà ăn nem", đàn ông mạnh mẽ, nóng tính, thì phụ nữ cũng phải như vậy… là bình đẳng giới.
Những năm gần đây, chúng ta nói nhiều tới vấn đề bình đẳng giới. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ tập trung tuyên truyền bình đẳng giới mà lơi lỏng việc giáo dục giới tính để các trẻ em gái có được vẻ đẹp nữ tính. Chính vì vậy, có một  số bạn gái đánh mất đi sự duyên dáng, nữ tính, trở nên ngổ ngáo không kém gì con trai, thậm chí còn dùng bạo lực để giải quyết những bất hòa, mâu thuẫn trong cuộc sống.

Trước thực trạng này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với Thạc sĩ, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn (Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng) xung quanh vấn đề bình đẳng giới và vẻ đẹp nữ tính hiện nay.

Xin chào Thạc sĩ Đinh Đoàn! Ngày nay chúng ta đang đề cao vấn đề bình đẳng giới. Bình đẳng giới có ảnh hưởng hoặc đồng nhất với việc sẽ đánh mất nữ tính của người phụ nữ không, thưa anh?


Thạc sĩ Đinh Đoàn:
Bình đẳng giới không có nghĩa là cào bằng, là làm cho phụ nữ trở nên giống như đàn ông hay ngược lại. Bình đẳng giới chỉ là sự ngang nhau giữa phụ nữ và nam giới về quyền, cơ hội, trách nhiệm và vị thế trong gia đình và xã hội.

Còn mọi mặt khác, nam phải ra nam, nữ phải là nữ. Tuy nhiên, do tuyên truyền chưa sâu hoặc do nhiều người hiểu chưa đúng, nên nghĩ rằng đàn ông uống rượu được thì phụ nữ cũng uống rượu được, "ông ăn chả thì bà ăn nem", đàn ông mạnh mẽ, nóng tính, thì phụ nữ cũng phải như vậy… là bình đẳng giới.

Vậy có nghĩa là, bên cạnh nâng cao vị thế của người phụ nữ, chúng ta vẫn nên tiếp tục giáo dục con gái mình giữ được công, dung, ngôn, hạnh?


Thạc sĩ Đinh Đoàn:
Như tôi đã nói, chúng ta chỉ đấu tranh cho phụ nữ có được các quyền, cơ hội, trách nhiệm và vị thế ngang với nam giới, chứ không cố gắng làm cho phụ nữ mất nữ tính, đàn ông giảm nam tính.

Công, dung, ngôn, hạnh mãi mãi là "khuôn vàng thước ngọc" của người phụ nữ ở mọi thời đại. Có điều phải hiểu nội hàm, tức là ý nghĩa của bốn cái đức đó đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thời đại mới.

“Công” xưa kia chỉ được coi là việc tề gia nội trợ, giỏi việc may vá, thêu thùa, chăm sóc gia đình, chăm chỉ cày cấy. Ngày nay, chữ “công” được hiểu là có sự nghiệp riêng, có công ăn việc làm, không phụ thuộc hay ỉ lại người chồng.

“Dung” là dung nhan, là sắc đẹp thì xưa và nay cũng đã khác. Nếu xưa kia lý tưởng của cái đẹp là "mắt bồ câu, lông mày lá liễu," "thắt đáy lưng ong," tóc dài da trắng, yểu điệu thục nữ… thì ngày nay vẻ đẹp đa dạng hơn. Có vẻ đẹp kiêu sa, quý phái, có vẻ đẹp khoẻ khoắn, năng động, cũng có cả vẻ đẹp "bốc lửa" nữa.

“Ngôn” là cách nói năng, không nhất thiết phụ nữ lúc nào cũng phải e lệ, nói năng nhỏ nhẹ, miệng cười chúm chím mới gọi là đẹp. Nói năng rõ ràng, mạch lạc, ngôn từ chuẩn mực, dễ nghe, truyền cảm và phù hợp với từng hoàn cảnh là quan trọng nhất. Một cô giáo không nên ăn nói hùng hổ, nhưng một nữ giám đốc đôi khi cũng phải "lên giọng" với nhân viên, chứ cứ ăn nói nhỏ nhẹ thì chưa chắc đã được việc.

"Hạnh" là phẩm hạnh của người phụ nữ, dù ngày nay có ít nhiều thay đổi những vẫn được đưa lên hàng đầu  chỉ sự nết na, chung thủy...

Trước thực tại đã xuất hiện những nữ học sinh “mạnh mẽ” quá đà, theo anh cần bổ sung những gì trong việc giáo dục giới tính vào nhà trường?


Thạc sĩ Đinh Đoàn: Không nên cho rằng, những em gái thích đánh nhau, phóng xe vun vút trên đường phố, ăn to nói lớn, thậm chí văng tục chửi thề ở chỗ đông người là "mạnh mẽ." Sức mạnh của phụ nữ có khi lại ở nụ cười dịu hiền, là cách "ăn nói dịu dàng dễ nghe." Người ta vẫn bảo "lạt mềm buộc chặt." Có khi một chút yếu đuối của người phụ nữ lại chính là sức mạnh "nghiêng nước nghiêng thành."

Ngày nay, nhiều gia đình bận rộn, bố mẹ mải kiếm tiền hay vui với những thú vui cá nhân của mình, ít dành thời gian cho việc nhắc nhở, giáo dục con cái. Có gia đình đơn giản hoá việc giáo dục con là cho con tiền để theo học hết lớp này đến lớp khác nhưng lại không uốn nắn, nhắc nhở con gái phải ứng xử ra sao để trở thành phụ nữ, con trai nên làm gì để thực sự trở thành người đàn ông. Vì thế, nhiều anh con trai ẻo lả, mềm mại, giàu nữ tính. Ngược lại, nhiều bạn gái ngổ ngáo, hùng hổ chẳng kém gì đàn ông.
 
Ngoài việc dạy kiến thức văn hoá, nhà trường có môn đạo đức và giáo dục công dân, nhưng cũng là những nội dung chung chung, giáo điều, ít đề cập tới giáo dục giới tính.

Trên các phương tiện thông tin nói nhiều về các "hot girl" hay "sành điệu," chứ ít đưa mẫu hình các bạn gái lý tưởng như học giỏi, chăm ngoan, dịu dàng… Thành ra, một số bạn gái tưởng lầm rằng phải biết uống rượu, đánh nhau, đi hoang qua đêm, bỏ học, chửi thề và yêu nhiều mới là "người phụ nữ lý tưởng." Lỗi này không chỉ của các em!

Anh đánh giá thế nào về xu hướng tâm lý phụ nữ ngày nay?


Thạc sĩ Đinh Đoàn: Phụ nữ ngày nay có nhiều cơ hội học tập, làm việc và tự khẳng định bản thân. Nhiều người thực sự giỏi giang, không ít người vượt xa nam giới trong nhiều lĩnh vực.

Phụ nữ cũng không còn cho rằng mục đích lớn nhất của đời mình là kiếm một người chồng tử tế, có tiềm lực kinh tế để "trao thân gửi phận," mà coi việc phải có sự nghiệp riêng là quan trọng. Phụ nữ cũng chủ động hơn trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong chuyện tình cảm, yêu đương. Đó là bước tiến lớn để đạt bình đẳng giới.

Tuy nhiên, còn một số chị em lười học, lười làm, thích ăn ngon, mặc đẹp, đi xe xịn… nhưng trông chờ  vào người khác mang đến cho mình. Nói chung, thời nào cũng vậy, nam cũng như nữ, bên cạnh đa số tiến bộ, vẫn còn một bộ phận tụt hậu…

Có người cho rằng, việc bình đẳng giới khiến phụ nữ tham gia nhiều vào công tác xã hội, ảnh hưởng đến thời gian chăm sóc gia đình và con cái. Anh nghĩ sao về điều này?

Thạc sĩ Đinh Đoàn:
Chúng ta chưa đạt được sự bình đẳng giới thực sự, nhiều người vẫn coi việc chăm sóc gia đình, con cái là việc của phụ nữ  nên phụ nữ mới bị đè nặng hai vai.

Trừ việc mang thai và sinh con được gọi là "thiên chức" của phụ nữ, tức là việc "trời giao phó," còn lại từ việc nội trợ, chăm sóc con cái phải được chia sẻ giữa vợ và chồng. Đa số các gia đình trẻ, người đàn ông tham gia công việc gia đình. Còn những gia đình người đàn ông chỉ coi đi làm, kiếm tiền là quan trọng nhất, là hoàn thành trách nhiệm… thì phải xem xét lại.

Việc giáo dục bình đẳng giới không thể làm cấp tập, một sớm một chiều. Nhìn đại thể, đã có những bước tiến nhất định…

Xin cảm ơn anh!


Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục