'Cống hiến không sợ trái chiều, chỉ sợ thiếu công tâm'

Việc "Giọng hát Việt" không nằm trong danh sách ứng cử Chương trình của năm có thể được coi là một bất ngờ của Cống hiến năm 2012.
Ngoài việc bổ sung hai hạng mục giải thưởng “Nghệ sỹ mới” và “Bài hát của năm,” thì điều gây bất ngờ nhất của giải Cống hiến lần thứ 8 là sự vắng mặt của chương trình đình đám nhất "The Voice - Giọng hát Việt" trong danh sách đề cử Chương trình của năm. Nhà báo Hữu Trịnh, Trưởng ban tổ chức giải thưởng Cống hiến đã có cuộc trò chuyện với Vietnam+ để “giải đáp” những thắc mắc ngay sau cuộc họp báo công bố danh sách đề cử giải Cống hiến 2013 diễn ra chiều 19/3 tại Hà Nội: - Thưa ông, với danh sách đề cử giải Cống hiến lần thứ 8, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng giải năm nay “kém tươi” hơn mọi năm. Phải chăng vì vậy mà giải Cống hiến quyết định tăng về “lượng” khi thêm hai hạng mục giải thưởng?Nhà báo Hữu Trịnh: Có ý kiến cho rằng giải Cống hiến năm nay giống như “bó đũa chọn cột cờ,” nhưng tôi cho rằng, nói như vậy không thực sự công bằng với những đóng góp của các nghệ sỹ. Giải Cống hiến năm nay về chất lượng đúng là không có nhiều bằng năm ngoái. Nhưng không vì thế những đề cử kém chất lượng và thiếu những cái mới. Chúng ta nên xét mặt bằng chung đời sống âm nhạc trong 2012 để có sự đánh giá công tâm. Tiện đây, tôi cũng muốn nói rõ về lý do bổ sung thêm hai hạng mục “Nghệ sỹ của năm” và “Bài hát của năm” là cần thiết trên cơ sở những góp ý của đại đa số nhà báo, phóng viên ở giải thưởng năm ngoái. Tôi xin nhắc lại câu chuyện giải Cống hiến 2010, năm đó ca sỹ Uyên Linh để lại dấu ấn rất sâu đậm sau cuộc thi Thần tượng Âm nhạc. Nhưng lúc đó giải Cống hiến chưa có hạng mục nghệ sỹ mới nên phải đề cử vào hạng mục ca sỹ của năm. Với nghệ sỹ còn trẻ, mới được phát hiện những cống hiến của họ chắc chắn vẫn không thể sánh bằng với các tên tuổi kỳ cựu khác như Mỹ Linh, Tùng Dương... Nếu năm đó có hạng mục nghệ sỹ mới chắc Uyên Linh đã được tôn vinh xứng đáng. Rõ ràng những hạn chế đó là thiệt thòi cho các nghệ sỹ mới. Vì vậy, sự nới rộng thêm hai hạng mục giải thưởng này là hợp lý để chúng ta phát hiện, tôn vinh những cống hiến của các nghệ sỹ trẻ với đời sống âm nhạc. Đã là giải Cống hiến thì không nên bỏ sót một trường hợp có thành tựu nào. - Theo danh sách, bốn đề cử “Nghệ sỹ mới” đa số là những gương mặt từ những chương trình truyền hình thực tế như Hương Tràm, Thái Trinh hoặc chưa có đóng góp gì nổi bật như Phạm Thu Hà. Liệu sự tôn vinh “nghệ sỹ mới” có quá sớm và xứng đáng hay không?Nhà báo Hữu Trịnh: Tiêu chí của giải Cống hiến là “có những đóng góp, tìm tòi mới mẻ góp vào sự phong phú đời sống âm nhạc đại chúng.” Trường hợp của Phạm Thu Hà, chúng tôi thấy album “Classic meets chillout” có những nét mới, khám phá nhạc chillout với hình thức “pop hóa” nhạc cổ điẻn để mang đến hơi thở mới, tiếp cận gần hơn với công chúng. Đó là việc làm có ý nghĩa để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng.
'Cống hiến không sợ trái chiều, chỉ sợ thiếu công tâm' ảnh 1
Phạm Thu Hà và Hương Trầm trong danh sách đề cử hạng mục giải "Nghệ sỹ mới."
Tôi không biết một gương mặt mới toanh như Hương Tràm đã tạo ra một sức lan tỏa lớn như một hiện tượng như vậy có xứng đáng được vinh danh hay không?! Hay một gương mặt “ngoại đạo” nhưng có bản năng, cá tính đang miệt mài và tự tin đi theo con đường riêng như Nguyễn Đình Thanh Tâm có đáng được chúng ta khích lệ hay không?! Cá nhân tôi cho rằng, thay vì nặng nề về hai chữ “nghệ sỹ” giải Cống hiến khoác cho họ, chúng ta hãy nhìn nhận hạng mục này như sự ghi nhận những gương mặt triển vọng, đang tràn đầy năng lượng cống hiến cho đời sống âm nhạc. - Trước thềm bầu chọn giải Cống hiến lần thứ 8, có nhiều ý kiến thắc mắc khi thiếu vắng ca khúc có ý nghĩa như “Lá cờ” của Tạ Quang Thắng hay “hai người hùng thầm lặng” trong đời sống âm nhạc năm qua như Hồng Kiên và Võ Thiện Thanh trong hạng mục “Nhạc sỹ của năm”?Nhạc sỹ  Hữu Trịnh: Trong âm nhạc, chúng tôi vẫn nhắc nhau câu nói “một bài hát hay vẫn hơn một bản giao hưởng tồi.” Trong đời sống âm nhạc, có những đóng góp dù nhỏ nhưng sức ảnh hưởng của nó tới đại chúng lại không nhỏ chút nào. Ca khúc “Nhật ký của mẹ” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung là trường hợp như vậy. Ở hạng mục “Nhạc sỹ của năm” chúng tôi vẫn dựa trên tiêu chí lớn nhất là đóng góp sáng tác ca khúc. Về Hồng Kiên và Võ Thiện Thanh, không ai phủ nhận sự đóng góp của họ với đời sống âm nhạc nhưng sẽ là phù hợp hơn nếu là đề cử cho giải phối khí của năm. Hiện tại, giải Cống hiến chưa có hạng mục giải thưởng phối khí vì sẽ không logic và chính xác khi các nhà báo, phóng viên bầu chọn cho hạng mục này. Thực tế có nhiều album được thực hiện nghiêm túc và có giá trị lớn về nghệ thuật nhưng vì công tác quảng bá chưa tốt nên công chúng chưa biết đến. Những trường hợp đó, giải Cống hiến sẽ phát hiện và giới thiệu và đưa vào đề cử. Dù không có lựa chọn nào tuyệt đối, làm hài lòng tất cả mọi người nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn và tự tin đề cử. - Lướt qua những đề cử ở cả sáu hạng mục dễ nhận thấy vẫn còn nhiều "gương mặt thân quen" trong những năm trở lại đây như Tùng Dương, Mỹ Linh... Điều này có làm giải Cống hiến những năm tới sẽ "cạn vốn" không, thưa ông? Nhà báo Hữu Trịnh: Vấn đề là các sản phẩm sáng tác có giậm chân tại chỗ hay không? Tôi không sợ giải Cống hiến chỉ tới lui vinh danh những gương mặt thân quen. Trái lại, điều đó còn cho chúng ta thấy những nghệ sỹ được vinh danh vẫn bền bỉ tìm tòi, sáng tạo để cống hiến cho nền âm nhạc đương đại. Bên cạnh đó, việc thêm hạng mục nghệ sỹ mới cũng sẽ làm hài hòa và trẻ hóa giải thưởng Cống hiến.
'Cống hiến không sợ trái chiều, chỉ sợ thiếu công tâm' ảnh 2
Tùng Dương, Uyên Linh, Lưu Thiên Hương tiếp tục có tên trong một số hạng mục của giải Cống hiến lần thứ 8.
- Là người bầu chọn vào lá phiếu nhưng nhà báo, phóng viên lại không phải người đưa ra danh sách đề cử. Điều đó đã nảy sinh ý kiến chưa đồng thuận giữa Ban tổ chức và người bầu chọn. Liệu điều đó có ảnh hưởng tới sự công tâm của giải thưởng không, thưa ông?Nhà báo Hữu Trịnh: Tôi cho rằng sân chơi nào cũng có luật chơi của nó. Giải Cống hiến không phải ngẫu nhiên được tổ chức đến nay đã lần thứ 8. Với uy tín và quy mô của giải thưởng trong từng ấy năm, chúng tôi có đủ bản lĩnh và tự tin khi đưa ra danh sách đề cử giải Cống hiến mang bản sắc của Thể thao & Văn hóa. Sự thảo luận cởi mở và thẳng thắn là cần thiết. Các nhà báo, phóng viên là người bỏ phiếu bầu, họ phải được nói lên ý kiến và quan điểm của họ. Nếu chỉ giữ ý kiến ở trong lòng mà không thể hiện ra thì những lá phiếu bầu đó mới không công tâm. Chúng tôi không ngại những quan điểm trái chiều, những tranh luận nảy lửa vì mâu thuẫn là mầm mống của sự phát triển, vấn đề là chúng ta phải giải quyết được mâu thuẫn đó. Tôi cũng xin chia sẻ thêm, nhiều ý kiến thắc mắc tại sao tại hạng mục “Chương trình của năm” không có tên “Bài hát yêu thích” và “Giọng hát Việt”? Đơn giản một lẽ, hai chương trình đó không đáp ứng một số tiêu chí của giải Cống hiến. Những đóng góp của “Bài hát yêu thích” và “Giọng hát Việt” trong việc phát hiện những tài năng âm nhạc và hình thành thói quen mới trong đại chúng là đáng ghi nhận. Nhưng hai chương trình này vẫn còn một số hạn chế để có mặt trong danh sách đề cử, bất chấp việc nhà sản xuất Cát Tiên Sa cũng chính là nhà sản xuất của Cống hiến lẫn Bài hát Việt. Điều đó càng thể hiện sự công tâm của giải Cống hiến. Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ thẳng thắn./.
Minh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục