Công nghệ "dế" thông minh cho "xế" ''lên ngôi''

Công nghệ điện thoại thông minh dành cho xe hơi ''lên ngôi''

Các nhà sản xuất ôtô giờ đây đang tập trung áp dụng công nghệ điện thoại thông minh (lướt net, nghe nhạc, điểu khiển âm thanh...) dành cho các dòng ôtô giá rẻ.

''Tùy cơ ứng biến'' là một thành ngữ mà những ai muốn thành công đều không thể không nhớ. Các doanh nghiệp ôtô cũng không phải ngoại lệ.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn hồi phục như giai đoạn trước khủng hoảng, các nhà sản xuất ôtô giờ đây đang tập trung khai thác công nghệ điện thoại thông minh dành cho các dòng ôtô giá rẻ và nỗ lực khai thác phân khúc thị trường mà hiện chiếm tới xấp xỉ 10% doanh số bán ôtô ở châu Âu - nơi mà người tiêu dùng đang phải ''thắt chặt hầu bao'' do kinh tế khó khăn.

Opel Adam Rocks, Peugeot 108, Citroen C1 và Toyota Aygo sẽ xuất hiện tại triển lãm ôtô Geneva (Thụy Sỹ) trong tháng Ba này - tất cả đều sẵn sàng với các màn hình đa phương tiện cỡ lớn để người tiêu dùng có thể thưởng thức kho âm nhạc khổng lồ hoặc tìm đường vi vu qua ứng dụng bản đồ trực tuyến có trong điện thoại thông minh.

Những tính năng như vậy đã chứng tỏ một sự hấp dẫn lớn đối với người tiêu dùng trong thời gian qua khi chúng xuất hiện trong các mẫu xe ''xịn'' và hiện đang được tích hợp vào các mẫu ôtô nhỏ mới mà giới trẻ sành công nghệ thường ngồi sau tay lái.

Theo ông Dinesh Paliwal, Giám đốc điều hành nhà sản xuất hệ thống thông tin giải trí dành cho ôtô Harman International, những tính năng của dòng xe cao cấp hiện nay cũng không còn xa lạ với các mẫu xe bình dân và giá rẻ.

Xu hướng trên dựa trên một sự chuyển đổi về phong cách sống khi con người hiện nay mong muốn được kết nối mạng Internet liên tục ngay cả khi đang lái xe.

Các mẫu ôtô mới chủ yếu dùng để di chuyển trong thành phố là một phần của các dòng xe được gọi là phân khúc A, có nghĩa là có kích thước nhỏ hơn mẫu xe MINI của công ty chế tạo ô tô BMW (Đức) - một yếu tố giúp các mẫu xe này có trọng lượng nhẹ hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn, và hiển nhiên là có giá bán ''mềm'' hơn.

Với mức giá hấp dẫn 9.500-11.500 euro (13.100-15.900 USD), các mẫu xe này khá phổ biến trong nhóm đối tượng khách hàng lần đầu tiên mua xe tại châu Âu khi khu vực này đang thoát khỏi một đợt suy giảm kinh tế kéo dài trong thời gian qua.

Công ty nghiên cứu thị trường ôtô IHS Automotive dự đoán doanh số bán ôtô phân khúc thị trường A sẽ tăng thêm 10,6% trong giai đoạn 2013-2017.

Tuy vậy, để có thể gặt hái thành công, các nhà phân tích tin rằng những công ty chế tạo ôtô sẽ phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của giới tài xế trẻ để có thể tiếp cận dịch vụ thông tin và giải trí thông qua điện thoại thông minh.

Theo ông Andrew Poliak, Giám đốc phát triển kinh doanh ôtô của nhà sản xuất phần mềm QNX Software Systems thuộc sở hữu của tập đoàn BlackBerry, nhiều khách hàng lần đầu mua ôtô ở trong độ tuổi thanh niên và thường rất am hiểu về công nghệ hơn so với các khách hàng lớn tuổi. Tất nhiên, các nhà sản xuất ôtô không thể không bỏ qua điều này.

Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation (IDC), doanh số bán điện thoại thông minh đạt một tỷ sản phẩm và vượt qua doanh số bán điện thoại truyền thông lần đầu tiên trong năm 2013, chiếm tới 55,1% tổng doanh số bán điện thoại. Vì vậy, Harman International dự đoán doanh số bán các hệ thống thông tin giải trí dành cho ôtô tăng 14% trong giai đoạn 2013-2016, so với mức tăng trưởng thấp hơn 7% của doanh số bán ôtô toàn cầu trong cùng kỳ.

Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy không phải tất cả nỗ lực ''đa dụng hóa'' các mẫu ôtô đều gặt hái thành công. Ford đã rớt hạng về chất lượng ở thị trường Mỹ sau khi hệ thống thông tin giải trí Sync bị đánh giá là thiếu ổn định.

Trên thực tế, các nhà sản xuất ôtô không thể ''đơn thương độc mã'' tạo ra làn sóng phát triển công nghệ thông minh dành cho ôtô.

Công ty sản xuất máy tính và thiết bị di động Apple (Mỹ) mới đây cho hay dự kiến công bố một công nghệ di động mới dành cho các tài xế tại triển lãm ôtô Geneva (Thụy Sỹ), sẽ ''trình làng'' với người tiêu dùng qua các dòng xe Ferrari, Mercedes-Bens và Volvo.

Công nghệ CarPlay của Apple sẽ giúp các tài xế dễ dàng thực hiện cuộc gọi và nghe nhạc bằng cách búng tay hoặc ra khẩu lệnh, điều mà họ thường làm với điện thoại thông minh iPhone.

Thomas Weber, phụ trách về hoạt động nghiên cứu và phát triển của Mercedes-Benz, cho biết hãng đang phát triển không ngừng dòng ôtô có khả năng kết nối mạng Internet với những công nghệ tiên tiến nhất nên tất cả những ai đang lái xe Mercedes-Benz đều có thể sử dụng điện thoại thông minh một cách thoải mái và an toàn.

Các nhà sản xuất ôtô giá rẻ hơn và kích thước nhỏ đang kiên trì theo đuổi xu hướng này. Chi nhánh Opel của công ty sản xuất ôtô General Motors (Mỹ) đang chuẩn bị ''cho ra lò'' mẫu ôtô chạy trong thành phố Adam Rocks tại triển lãm ôtô Geneva, lắp kèm hệ thống thông tin giải trí Intellilink có giá chỉ 300 euro, và người lái xe có thể sử dụng để lướt web, đàm thoại hoặc gửi tin nhắn thông qua điện thoại thông minh chạy hệ điều hành iOS hoặc Android bẳng khẩu lệnh.

Theo một phát ngôn viên của Opel, 70% khách hàng châu Âu mua xe Adam đều yêu cầu nhà sản xuất lắp hệ thống Intellilink.

Năm 2013, người đứng đầu Ford là Alan Mulally đã công bố chiến lược phát triển các dòng ôtô ''trực tuyến'' tại Triển lãm thương mại điện tử tiêu dùng lớn nhất châu Âu là IFA tại Berlin (Đức).

Sau đó, đến lượt ông Steve Girsky của General Motors cũng có động thái tương tự ở Triển lãm Di động Thế giới tại Barcelona (Tây Ban Nha).

Mới đây, Triển lãm Điện tử Tiêu dùng tại Las Vegas (CES) hồi tháng Một có sự tham gia của số lượng doanh nghiệp ôtô kỷ lục đã giới thiệu các hệ thống đảm bảo an toàn giao thông, giải trí và bản đồ dành cho các mẫu ôtô của Toyota, Ford, GM, Audi và Hyundai./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục