Công nghiệp vi mạch: Vẫn còn "ngách" cho doanh nghiệp Việt

Ngành công nghiệp vi mạch điện tử của Việt Nam đang bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh, đây là khó khăn nhưng không có nghĩa là Việt Nam không có cơ hội để phát triển.
Công nghiệp vi mạch: Vẫn còn "ngách" cho doanh nghiệp Việt ảnh 1(Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN)

Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2457/QĐ-TTg và Quyết định 2441/QĐ-TTg đã mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp vi mạch.

Nhận thức được tiềm năng và cơ hội này, Thành phố Hồ Chí Minh đã đi trước và đón đầu khi phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020” và đã triển khai được 2 năm.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, về kết quả và những kiến nghị để thúc đẩy phát triển và tăng trưởng ngành vi mạch thời gian tới.

- Là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển ngành công nghiệp vi mạch, xin ông cho biết kết quả nổi bật của ngành sau hơn 2 năm triển khai?

Ông Lê Thái Hỷ: Việc phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013- 2020” đã đặt nền móng đầu tiên và là cơ sở cũng như “xương sống” phát triển của ngành vi mạch vừa qua và thời gian tới.

Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng kể, bước đầu tạo được niềm tin trong triển vọng phát triển ngành công nghiệp vi mạch.

Chương trình tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thiết kế chip, xây nhà thiết kế (Design house), hợp tác quốc tế, thương mại hóa chip SG8V1 và hiện chip SG8V1 đang là sản phẩm chủ lực của chương trình.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn tạo được một số sản phẩm như chip vi xử lý 8 bit VN801, chip vi xử lý 32 bit VN1632, chip Analog LDO TH7105. Nhiều dòng chip đã và đang trong quá trình thương mại hóa, ứng dụng sản phẩm trong thiết bị định vị-hộp đen xe gắn máy, ôtô; khóa container điện tử và sắp đến là điện kế điện tử.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang xúc tiến nhanh việc xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch với công suất khoảng 1,8 tỷ con chip/năm và doanh thu ước đạt 90 triệu USD/năm.

Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã công bố thiết kế thành công lõi IP nén ảnh JPEG2000 sau hai năm nghiên cứu, phân tích, thiết kế và và thử nghiệm.

Lõi IP nén ảnh JPEG2000 là nền tảng trí tuệ để làm chủ công nghệ nén ảnh JPEG2000, cho phép nén các ảnh tĩnh có độ phân giải cao lên đến 16 triệu điểm ảnh và 16 bit độ xám với các chế độ nén tổn hao và không tổn hao trên cùng một hệ thống.

Ngoài ra, lõi IP này còn được ứng dụng thiết kế các chip xử lý hình ảnh, ứng dụng trong các sản phẩm, những lĩnh vực đòi hỏi hình ảnh có độ phân giải ảnh lớn và độ phân giải mức xám cao trong y học, trắc địa học, truyền thông, viễn thám, sinh trắc học…

Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt mục tiêu phát triển sản phẩm về bán dẫn, tăng giá trị gia tăng cho thành phố. Ngoài việc gia tăng về giá trị cho nền kinh tế, việc hình thành ngành công nghiệp bán dẫn còn góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo ra các doanh nghiệp mạnh hoạt động trong lĩnh vực điện tử vi mạch của Việt Nam.

Đồng thời, tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh cho ngành công nghiệp vi mạch của Thành phố Hồ Chí Minh, hướng đến phát triển chip Việt và các sản phẩm ứng dụng chip Việt.

- Xin ông cho biết định hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch trong thời gian tới?

Ông Lê Thái Hỷ: Để tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm 2015, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận bổ sung thêm 3 chương trình, đề án vào Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020 gồm: Phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch điện tử; phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm vi mạch (Lab-toFab) và phát triển sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS). Những chương trình, đề án càng khẳng định quyết tâm của Thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vi mạch.

Trong phát triển ngành công nghiệp vi mạch trên thế giới, xu hướng là thu nhỏ dần kích thước của con chip và tăng kích thước vật liệu dùng chế tạo chip. Vì vậy, nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu chính là “lời giải” cho các nước mới bắt đầu bước chân vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn như Việt Nam.

Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu (Minimal Fab) của Nhật Bản và xưởng cực tiểu sản xuất vi mạch bán dẫn sẽ được lắp ráp tại Khu Công nghệ cao trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với giá thành các loại chip đặc thù, sản xuất số lượng ít sẽ được giải quyết cũng như thúc đẩy việc triển khai nghiên cứu những công nghệ, sản xuất những lại chip khác nhau.

Để thúc đẩy ngành vi mạch phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tôi cho rằng không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực, tạo điều kiện mà còn cần có sự hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước, Chính phủ. Bởi việc ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này cần sự đồng bộ và sự thống nhất từ cơ chế đến chính sách, ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần có vốn, nguồn nhân lực nhưng đòi hỏi phải có thị trường.

- Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng hiện ngành công nghiệp vi mạch điện tử của Việt Nam đang bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh. Vậy đâu là cơ hội cho ngành công nghiệp này thưa ông?

Ông Lê Thái Hỷ: Đúng là ngành công nghiệp vi mạch điện tử của Việt Nam đang bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh, đây là khó khăn nhưng không có nghĩa là Việt Nam không có cơ hội để phát triển.

Có thể khẳng định thị trường Việt Nam vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp vi mạch, với những sản phẩm chip điện tử sản xuất trên nền công nghệ cơ bản như giấy phép điện tử, chip RFID ứng dụng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống, simcard điện thoại di động, chip điện thoại di động thông minh...

Mặc dù, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam còn “non trẻ” và đi sau trên thế giới nhưng thị trường vẫn còn những “ngách” để Việt Nam tham gia vào và ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam cần tập trung vào phát triển thị trường nội địa - thị trường được đánh giá tiềm năng và quan trọng.

Trước mắt, chip Việt đã được ứng dụng và lắp đặt trong các thiết bị nguồn phóng xạ và thời gian tới sẽ tham gia vào lĩnh vực điện, giao thông, y tế...

Những nỗ lực này cho phép Việt Nam kỳ vọng vào một nền công nghiệp công nghệ vi mạch điện tử với việc lấy khoa học và công nghệ là mũi nhọn để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.


Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục