Công nhận kỷ lục Việt Nam cho cây vải tổ ở Thanh Hà, Hải Dương

Hải Dương tổ chức lễ công bố quyết định của Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục Việt Nam về cây vải thiều lâu năm nhất cho cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà.
Công nhận kỷ lục Việt Nam cho cây vải tổ ở Thanh Hà, Hải Dương ảnh 1Cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Ngày 8/1, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương tổ chức lễ công bố quyết định của Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục Việt Nam về cây vải thiều lâu năm nhất cho cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà.

Cây vải thiều tổ này đã có từ cách đây gần 200 năm, tạo sức thu hút nhiều khách du lịch về với quê hương vải thiều Thanh Hà.

Theo các tài liệu cổ thì cây vải thiều do cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự là Phúc Thành), sinh ngày 10/5/1848 (Tự Đức năm thứ nhất) trong một lần đi dự tiệc tại Hải Phòng vào năm 1870, được ăn loại vải ngon nên đã đem 3 hạt về gieo trồng ở vườn nhà.

Cả 3 hạt cụ mang về đều nẩy mầm, thành cây, ra hoa, kết quả, trong đó có một cây cho quả có hương vị thơm ngon đặc biệt.

Từ cây vải ngon này, cụ Cơm đã chiết cành và nhân rộng ra trong vườn nhà mình và các vườn quanh vùng.

Vải Thúy Lâm vốn ngon nổi tiếng với câu "cau Phù Tải, vải Thúy Lâm." Vải thiều Thúy Lâm có đặc trưng hạt nhỏ, cùi dày, ăn ngọt lịm như đường, có tác dụng bồi bổ cơ thể. Vải thiều Thúy Lâm cũng là giống cây ăn quả đứng đầu về tuổi thọ, chất lượng, năng suất.

Năm 1992, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã truy tặng Bằng khen kèm theo Bia ký cho cụ Hoàng Văn Cơm, người có công trồng cây vải tổ và được dân trong vùng tôn là ông tổ vải thiều Thúy Lâm.

Vải thiều Thanh Hà có nét đặc trưng riêng so với các vùng trồng vải khác như vải khi chín vỏ mỏng, gai lì, lớp vỏ lụa dai, hạt nhỏ, có độ giòn của cùi, cùi vải róc, khi bóc không bị chảy nước, ăn có cảm giác giòn, ngọt mát...

Từ năm 1992, huyện Thanh Hà đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa diện tích vải thiều của huyện từ trên 1.000ha lên 3.927/6.476ha cây ăn quả trên địa bàn; sản lượng vải năm 2015 đạt gần 28.000 tấn.

Năm 2007, vải thiều Thanh Hà đã được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ và liên tục đứng trong tốp các sản phẩm uy tín chất lượng.

Để nâng cao vị thế của vải thiều Thanh Hà, người nông dân địa phương đã tiến hành trồng vải theo quy trình VietG​AP.

Đến nay, Thanh Hà đã có trên 1.000ha vải trồng theo quy trình này và năm 2015, những tấn vải thiều chất lượng đã được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục