Công tác đối ngoại đóng góp hiệu quả cho đất nước

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn TTXVN về hoạt động đối ngoại năm qua và hướng tới những mục tiêu của năm 2013.

Theo Bộ trưởng, dự đoán tình hình 2013 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, kinh tế tiếp tục nhiều khó khăn, mục tiêu của hoạt động đối ngoại của Việt Nam là tiếp tục đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Năm 2012 đã khép lại với những hoạt động ngoại giao phong phú và sôi động, nhân dịp năm mới 2013, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành cho TTXVN cuộc trả lời phỏng vấn nhìn lại hoạt động đối ngoại trong năm qua và hướng tới những mục tiêu của năm 2013.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Bộ trưởng có thể đánh giá về hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong năm 2012 và những thành công nổi bật của công tác đối ngoại năm nay?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Năm 2012, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, hòa bình, ổn định bị thách thức ở nhiều khu vực, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tốc độ tăng trưởng giảm.

Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước năm 2012 tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế -xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như sau:

Một là, Việt Nam đã tiếp tục đưa quan hệ với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất.

Việc số lượng trao đổi đoàn cấp cao tăng mạnh (đón 31 đoàn lãnh đạo cấp cao thăm Việt Nam) và việc nhiều nước thể hiện mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam cho thấy vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2012 ghi đậm dấu ấn thành công tốt đẹp của Năm Đoàn kết hữu nghị Việt-Lào và Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần đưa hợp tác giữa Việt Nam với hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất.

Quan hệ với một số đối tác có tầm quan trọng chiến lược với Việt Nam được nâng cấp và thể chế hóa.

Một trong những điểm sáng của hoạt động đối ngoại trong năm nay là Diễn đàn Thương mại-Đầu tư Việt Nam-Mỹ Latinh lần đầu tiên được tổ chức rất thành công, tạo động lực mạnh mẽ tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với khu vực giàu tiềm năng này.

Hai là, Việt Nam đã đẩy mạnh việc triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên cả phương diện hoạch định và triển khai chính sách. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ban ngành và địa phương xây dựng và trình Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Cùng với các hoạt động đối ngoại song phương sôi động, ngoại giao đa phương có bước chuyển về chất với bước tiến từ việc gia nhập, tham gia đến chủ động, tích cực đóng góp thực chất và có nhiều sáng kiến nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, nhất là tại các Hội nghị cấp cao ASEAN, APEC-20, ASEM-9 và AIPA.

Ba là, Việt Nam đã làm tốt công tác biên giới, lãnh thổ, tích cực triển khai thực hiện các hiệp định về quản lý biên giới đất liền với Trung Quốc, thúc đẩy công tác tăng dầy, tôn tạo cột mốc biên giới với Lào và phân giới cắm mốc với Campuchia.

Trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông diễn biến phức tạp, Việt Nam đã kết hợp hài hòa giữa hợp tác và đấu tranh, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của đất nước.

Bốn là, ngoại giao kinh tế đã góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư với các đối tác thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.

Năm 2012, cũng ghi nhận những thành tựu mới của ngoại giao văn hóa, nổi bật là việc UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm là, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân đạt nhiều kết quả tích cực. Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2 (9/2012) thành công tốt đẹp.

Chuyến đi lần đầu tiên của đoàn kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đi thăm Trường Sa đã giúp bà con ở nước ngoài hiểu rõ hơn về chính sách và quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Ngoại giao kinh tế đã được Đại hội Đảng lần thứ XI xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng có thể cho biết trong năm qua, nhiệm vụ này đã được triển khai như thế nào và kết quả đạt được ra sao?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ngoại giao kinh tế càng thể hiện tính chủ động, sáng tạo.

Thứ nhất là đã tham mưu hiệu quả cho công tác điều hành và ổn định kinh tế vĩ mô. Công tác nắm bắt thông tin, nghiên cứu, dự báo đã được triển khai tích cực, nắm bắt được tình hình kinh tế thế giới, dự báo được các chiều hướng phát triển và xu hướng kinh tế để kịp thời thông tin, tham mưu kịp thời cho chính phủ.

Thứ hai, ngoại giao kinh tế đã góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư với các đối tác, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế trong nước.

Các hoạt động như thu hút đầu tư, khai phá thị trường, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm trong nước, tiếp tục được đẩy mạnh như các hoạt động quảng bá đầu tư ở Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm qua, ngoại giao kinh tế đã hướng mạnh sang các thị trường mới như Mỹ Latinh, châu Phi; tiếp cận và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn mà chúng ta còn bị thâm hụt cán cân thương mại như Trung Quốc, Hàn Quốc….

Kim ngạch thương mại của Việt Nam với các đối tác quan trọng đều tăng trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới.

Thứ ba, Việt Nam tích cực tham gia đàm phán đa phương, song phương về các hiệp định thương mại tự do như đã khởi động đàm phán các FTA với EU, Hàn Quốc, Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA); chuẩn bị khởi động đàm phán với Liên minh Thuế quan Nga-Belarus, Kazakhstan và đang trong quá trình đàm phán TPP.

Đến nay đã có 36 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam , trong đó có nhiều nước thuộc G-20 và G-8.

Xin Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động ngoại giao năm 2013?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Năm 2013, dự đoán tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, kinh tế tiếp tục nhiều khó khăn, mục tiêu của hoạt động đối ngoại của Việt Nam là tiếp tục đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Cụ thể là đưa quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác phát triển sâu rộng, hiệu quả hơn, thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; Tham gia tích cực, hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần ứng phó với các thách thức toàn cầu; Bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định với các nước láng giềng, góp phần tích cực thúc đẩy các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thông tin đối ngoại.

Năm 2013 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm 2011-2015. Phát huy những thành tựu đã đạt được, trong năm 2013, ngành ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng XI đã đề ra.

Tôi tin tưởng rằng, với nỗ lực của toàn ngành ngoại giao và với sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí, Việt Nam sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đỗ Quyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục