Công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo CIA đào tạo người đảo chính

Công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo CIA huấn luyện người đảo chính

Một công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ vừa đưa ra tuyên bố gây chú ý, cho rằng Cục tình báo trung ương (CIA) và Cục điều tra liên bang (FBI) của Mỹ đã huấn luyện những kẻ tiến hành vụ đảo chính bất thành ở nước
Công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo CIA huấn luyện người đảo chính ảnh 1Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Mỹ ngoài căn cứ quân sự Incirlik (Nguồn: RT)

Một công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ vừa đưa ra tuyên bố gây chú ý, cho rằng Cục tình báo trung ương (CIA) và Cục điều tra liên bang (FBI) của Mỹ đã huấn luyện những kẻ tiến hành vụ đảo chính bất thành ở nước này.

Theo lời cáo buộc, do Văn phòng Công tố viên Edirne đưa ra, hai cơ quan trên đã huấn luyện những người ủng hộ giáo sỹ lưu vong Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính.

Văn phòng công tố đang tìm kiếm các hình phạt nghiêm khắc nhất dành cho 43 nghi phạm có liên quan tới vụ đảo chính diễn ra trong ngày 15/7, gồm cả ông Gulen, kẻ thù không đội trời chung của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

"CIA và FBI đã đào tạo các nhân vật nòng cốt, được tạo dựng trong nhiều trung tâm văn hóa thuộc về phong trào Gullen. Những hoạt động do các công tố viên và quan chức an ninh thực hiện trong ngày 17/12 có thể được xem là ví dụ cho thấy điều này," Văn phòng nêu trong thông báo, có nhắc tới một cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào nội các Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc điều tra, được tổ chức từ ngày 17/12 tới 25/12/2013, đã gây ảnh hưởng tới nhiều quan chức trong nội các của Thổ Nhĩ Kỳ, do ông Recep Tayyip Erdogan - khi ấy là Thủ tướng - điều hành. Ông Erdogan đã gọi cuộc điều tra này là "một màn đảo chính" và cáo buộc ông Gulen dàn dựng vụ việc, cùng sự giúp đỡ của "các thế lực nước ngoài."

Cáo buộc từ Văn phòng Công tố viên Edirne còn nêu rằng những người trung thành với Gulen đã được Mỹ đào tạo và thâm nhập vào lực lượng an ninh, tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Một số "tổ chức tình báo nước ngoài" khác cũng có thể đã liên quan tới việc huấn luyện những kẻ tiến hành đảo chính.

Quan hệ giữa Ankara và Washington đã xấu đi đáng kể sau vụ đảo chính diễn ra hôm 15/7. Một số tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ và cả giới chức chính quyền nước này, gồm vị bộ trưởng Bộ Lao động, nói rằng Mỹ có liên quan tới vụ đảo chính, điều mà Washington thẳng thừng bác bỏ.

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Mỹ vì cho giáo sĩ Gulen lưu vong ở nước này và yêu cầu Mỹ tiến hành dẫn độ ông này về nước. Tuy nhiên Washington đã đòi Ankara phải trình hồ sơ đề nghị dẫn độ và cung cấp bằng chứng cho thấy giáo sĩ Gulen có liên quan tới âm mưu đảo chính.

Ngày 25/7 vừa qua, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố rằng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ sẽ bị tổn hại nếu Washington không dẫn độ ông Gulen. Ngày 29/7, tới lượt ông Erdogan lên tiếng chỉ trích Mỹ vì chứa chấp Gulen và đòi dẫn độ ông này.

Trước đó, hôm 25/7, tờ báo bảo thủ Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc tướng về hưu John F. Campbell, cựu tư lệnh các lực lượng NATO ở Afghanistan, đứng sau vụ đảo chính bất thành. Theo tờ báo, Campbell đã gửi hơn 2 tỷ USD tới Thổ Nhĩ Kỳ qua đường Nigeria và phân phối số tiền cho những người ủng hộ đảo chính. Ông cũng bị buộc tội đã điều hành binh lính liên quan tới vụ đảo chính. Tuy nhiên Washington đã bác bỏ các thông tin này. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng các cáo buộc "không có căn cứ".

Quan hệ giữa hai nước còn trở nên căng thẳng bởi những gì đang diễn ra tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi này chứa một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ và các loại bom đạn được Washington sử dụng trong chiến dịch không kích chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, Iraq.

Các công tố viên và cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nhiều cuộc lục soát căn cứ này. Chỉ huy căn cứ, Tướng Bekir Ercan Van, cùng khoảng một chục sỹ quan cấp thấp, đã bị bắt với cáo buộc đồng lõa với những kẻ tiến hành đảo chính.

Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, 270 người đã bị giết trong cuộc đảo chính chống lại ông Erdogan diễn ra hôm 15/7, gồm 24 kẻ thuộc phe đảo chính. Hơn 18.000 người đã bị bắt kể từ khi vụ việc bị chặn đứng. Hơn 45.000 thành viên quân đội, cơ quan tư pháp, cảnh sát, báo chí truyền thông và công chức thuộc nhiều cơ quan ban ngành cũng đã bị sa thải./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục