Công ty Thăng Long cần hỗ trợ gia đình các lao động ở Saudi Arabia

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kết luận công ty Thăng Long phải có trách nhiệm hỗ trợ một phần lương thực cho gia đình của người lao động.
Công ty Thăng Long cần hỗ trợ gia đình các lao động ở Saudi Arabia ảnh 1Pác Nặm là địa phương gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: Xuân Trường/TTXVN)

Liên quan đến việc một số lao động ở Pác Nặm (Bắc Kạn) bị mắc kẹt ở Saudi Arabia, trong cuộc làm việc của tỉnh Bắc Kạn với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Công ty đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long), Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã kết luận công ty Thăng Long phải đảm bảo nơi ăn, ở cho toàn bộ 21 lao động chưa được đưa về nước.

Chậm nhất đến ngày 31/12, Công ty phải đưa được toàn bộ số lao động này về nước, nếu chưa đưa được về nước thì phải hỗ trợ kinh phí đầy đủ; phải có trách nhiệm hỗ trợ một phần lương thực cho gia đình của người lao động.

Theo con đường gồ ghề đá, chúng tôi đến thôn Chẻ Pang, xã Cao Tân, Pác Nặm vào buổi sáng mùa đông giá buốt và đã tận mắt chứng kiến tình cảnh của các gia đình có người đi xuất khẩu lao động ở Saudi Arabia.

Tất cả các nhà gần như trống trơn, chỉ có mỗi bếp lửa đang được đốt lên để sưởi ấm ngày Đông giá và một vài chiếc giường ọp ẹp. Các gia đình gần như không còn lương thực.

Ông Giàng Á Dân, Trường thôn Chẻ Pang, xã Cao Tân, Pác Nặm cho biết hiện nay những hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động ở Saudi Arabia đời sống kinh tế đều rất khó khăn. Gần như cả 7 gia đình trong thôn có chồng đi xuất khẩu lao động ở Saudi Arabia đều không còn lương thực.

Chẳng hạn trường hợp gia đình anh Giàng Á Lự đang lao động ở Saudi Arabia, còn cô vợ trẻ của anh là Vừ Thị Vàng ở nhà nuôi 3 đứa con. Gia đình Lự còn có cả mẹ già. Chị Vừ Thị Vàng cho biết chị phải bán lợn để gửi tiền sang cho chồng. Cả tiền hỗ trợ học cho con cũng phải lấy gửi sang cho chồng. Hiện nay gia đình không còn hạt gạo nào cả, ngô còn ăn được vài bữa là hết.

Anh Giàng Á Me cũng là một lao động đang ở Saudi Arabia. Vợ của Me là Vừ Thị Xía rơm rớm nước mắt khi biết chúng tôi muốn hỏi về chồng mình. Chị không nói được tiếng phổ thông, chỉ im lặng bế con. Nhìn quanh trong nhà chị chỉ thấy có một cái giường, một đống lửa giữa nhà. Hỏi chị lúa ngô để đâu, chị lắc đầu. Ông trưởng thôn nói hộ: “Có đâu mà để, hai mẹ con nhà này phải sống nhờ ông bà ngoại.”

Ông Mã Văn Hiệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cao Tân cho biết thôn Chẻ Pang có 52 hộ toàn người dân tộc Mông, thì có đến 32 hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo chính là những gia đình đang có người đi xuất khẩu lao động, mà nay lại không có việc làm ở Saudi Arabia.

Làm việc với Ủy ban Nhân dân huyện Pác Nặm về tình cảnh của các gia đình có người đi xuất khẩu lao động ở Saudi Arabia, ông Vi Duy Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết huyện đã làm việc nhiều lần với Công ty Thăng Long. Để sự việc xảy ra như trên, Công ty Thăng Long phải có trách nhiệm không chỉ với những người đi lao động mà cả gia đình của các lao động.

Về phía huyện Pác Nặm, huyện sẽ có sự quan tâm dựa trên các nguồn hỗ trợ dự phòng để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn. Những gia đình này sẽ được ưu tiên hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật, kêu gọi lao động tình nguyện để giúp dân làm vụ Xuân.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn cũng khẳng định trước tình hình một số lao động được đưa sang làm việc ở Saudi Arabia không có việc làm và cả những lao động có việc làm nhưng không được trả lương đúng theo hợp đồng đã ký tại Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan liên quan cùng Công ty Thăng Long tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết dứt điểm.

Tỉnh cũng đã làm công văn gửi Bộ Ngoại giao về tình hình người lao động tại Saudi Arabia, đến nay 17 lao động không có việc làm đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia đưa về sống tập trung ở một nơi, đảm bảo ăn ở tốt, 4 lao động khác vẫn được công ty Bader bố trí chỗ ăn nghỉ để chờ xuất cảnh về nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục