Công ước LHQ chống tham nhũng: Tôn trọng chủ quyền quốc gia

Ông Nguyễn Xuân Sơn, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trả lời phỏng vấn về Hội nghị đánh giá thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng tại Vienna.
Công ước LHQ chống tham nhũng: Tôn trọng chủ quyền quốc gia ảnh 1Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ trả lời phỏng vấn. (Nguồn: Vietnam+)

Hội nghị bổ sung Nhóm công tác đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước) lần thứ 7, diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc tại Vienna, từ ngày 14-16/11.

Tham dự hội nghị, có đại diện của hơn 140 quốc gia thành viên và một số tổ chức quốc tế. Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam gồm 7 thành viên, từ các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp.

Bên lề hội nghị, phóng viên Vietnam+ đã thực hiện cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ (Trưởng Đoàn).

- Xin ông cho biết một số nội dung quan trọng của Hội nghị bổ sung Nhóm công tác đánh giá thực thi Công ước lần thứ 7?

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Đây là cuộc họp thường niên mang tính kỹ thuật của Nhóm công tác đánh giá thực thi Công ước. Cuộc họp này có bốn nội dung quan trọng, đó là:

Thứ nhất, thực hiện Cơ chế đánh giá và theo yêu cầu của các quốc gia được đánh giá trong năm thứ nhất Chu trình 2 về đánh giá thực thi Công ước, hội nghị tiến hành bốc thăm bổ sung lựa chọn các quốc gia đi đánh giá.

Thứ hai, Ban thư kí Công ước, cập nhật những tiến triển trong đánh giá thực thi Công ước như tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng cho chuyên gia tham gia hoạt động đánh giá, tiến độ xây dựng báo cáo tự đánh giá của các quốc gia được đánh giá trong năm đầu tiên của Chu trình 2.

Thứ ba, các quốc gia thành viên đánh giá tác động của việc thực hiện Cơ chế đánh giá đối với công tác phòng chống tham nhũng của quốc gia mình. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, trong quá trình thực hiện Cơ chế đánh giá, cũng như những sáng kiến trong thực tiễn phòng chống tham nhũng của các quốc gia.

Thứ tư, Hội nghị thảo luận về hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đối với các quốc gia thành viên, trong lĩnh vực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phòng chống tham nhũng. Hội nghị cũng thảo luận một số vấn đề khác liên quan, trong đó có nội dung về ngân sách đảm bảo thực hiện Cơ chế đánh giá.


-
Thưa ông, điểm mới và đáng lưu ý trong hội nghị lần này là gì ?

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Tại hội nghị lần này, Ban thư kí Công ước chú trọng tới giải pháp nâng cao tính hiệu quả trong thực hiện Cơ chế đánh giá, đưa ra một số khuyến nghị cụ thể đối với các quốc gia thành viên. Ví dụ như trên cơ sở Bản danh mục tự đánh giá (Check list) đã được sửa đổi ngắn gọn, cô đọng hơn (sau khi rút kinh nghiệm từ Chu trình thứ nhất) Ban thư kí yêu cầu các quốc gia được đánh giá, khi xây dựng báo cáo đánh giá quốc gia cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi, cung cấp thông tin một cách ngắn gọn, tránh cung cấp thông tin trùng lặp, hoặc những thông tin không trực tiếp phục vụ cho nội dung được đánh giá.

Trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế thế giới nói chung, cũng như khó khăn của mỗi quốc gia thành viên thì ngân sách đóng góp tự nguyện (của các quốc gia) để thực hiện cơ chế đánh giá đang gặp những khó khăn. Một số đoàn đại biểu cũng đưa ra những đề xuất giải pháp nhằm tiết giảm tối đa các khoản chi phí liên quan đến quá trình vận hành Cơ chế đánh giá.


- Ông có nhận xét gì khi theo dõi tham luận của các nước thành viên/các quốc giá đi đánh giá và các quốc gia được đánh giá?

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Nhìn chung các tham luận của các quốc gia, đa phần là chia sẻ vai trò của Công ước, cũng như Cơ chế đánh giá đối với công tác phòng chống tham nhũng của quốc gia mình. Nhiều đoàn cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên như việc xây dựng báo cáo quốc gia khi quốc gia mình được đánh giá, hoặc là cử chuyên gia của quốc gia mình đi đánh giá quốc gia khác.

Các tham luận, đề cập đến các vấn đề rất khác nhau, cho nên nói rằng quốc gia nào bày tỏ ý kiến sâu sắc nhất thì cũng rất khó đánh giá.


- Một số ý kiến nước thành viên cho rằng hội nghị lần này vẫn còn chung chung, rất khó áp dụng cho công tác phòng chống tham nhũng của đất nước họ, ông có nhận xét gì về điều này?

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Theo tôi, thứ nhất, Cơ chế đánh giá thực thi Công ước không nhắm tới việc xếp hạng các quốc gia, trong công tác phòng chống tham nhũng.

Thứ hai, cũng như các công ước quốc tế khác, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của quốc gia, vì vậy trong thực hiện Cơ chế đánh giá, chuyên gia quốc tế không đưa ra các yêu cầu mang tính bắt buộc đối với quốc gia được đánh giá, cũng không đưa ra những bình luận có tính chỉ trích, mà chỉ đưa ra khuyến nghị.

Bên cạnh đó, các thông tin nêu trong báo cáo đánh giá quốc gia được bảo mật, tức là quốc gia được đánh giá có quyền công khai hoặc không công khai những thông tin đó. Tất nhiên, Ban thư kí khuyến khích các quốc gia công khai nội dung báo cáo đánh giá quốc gia, cũng như các thông tin liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng của quốc gia mình, nhưng đó chỉ là khuyến nghị.

Thứ ba là những khuyến nghị được đưa ra sau mỗi quá trình đánh giá thường được quốc gia thành viên xem xét nghiêm túc, cẩn trọng. Tuy nhiên, việc tiếp thu và thực hiện các khuyến nghị đó như thế nào, lại phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm chính trị và điều kiện của từng quốc gia. Theo tôi, đây cũng là phương pháp điều chỉnh chung của các văn bản luật quốc tế, nó không mang tính chất chế tài đối với từng quốc gia.

- Theo ông, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng có tác dụng như thế nào đối với các quốc gia thành viên?

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng là một văn kiện luật quốc tế rất quan trọng. Công ước quy định hệ thống pháp luật toàn diện cho công tác phòng chống tham nhũng cho mỗi quốc gia thành viên.

Trên cơ sở những quy định của Công ước và quá trình thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên, thì hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng, tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng, chất lượng nguồn nhân lực phòng chống tham nhũng của các quốc gia được từng bước nâng cao, hoàn thiện theo những chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tạo ra một cơ chế phối hợp, thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế trong nỗ lực chung về phòng chống tham nhũng.

- Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và kinh nghiệm quốc tế đã hỗ trợ như thế nào đối với công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam?

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng có vai trò quan trọng, quá trình thực thi Công ước đã tác động tích cực tới công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam: (1) Các quy định của Công ước là nguồn tham chiếu quan trọng góp phần định hướng, giúp Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng chống tham nhũng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; (2) Thông qua hoạt động về thực thi Công ước, Việt Nam học tập được nhiều kinh nghiệm quốc tế.

Công ước LHQ chống tham nhũng: Tôn trọng chủ quyền quốc gia ảnh 2Quang cảnh hội nghị bổ sung Nhóm công tác đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng lần thứ 7 diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc. (Nguồn: Vietnam+)

Nhiều thực tiễn tốt, các bài học thành công đã được nghiên cứu, vận dụng và tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam; (3) Thông qua Cơ chế đánh giá đã xác định các nhu cầu về hỗ trợ kỹ thuật trong phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Thời gian qua chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ rất thiết thực từ Ban thư ký cũng như các tổ chức quốc tế trong quá trình xây dựng một số văn bản pháp luật, trong đào tạo nguồn nhân lực, hoặc hỗ trợ về chuyên gia tư vấn trong công tác phòng chống tham nhũng.

-Đây là lần thứ bao nhiêu Việt Nam tham dự Hội nghị Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng?


Ông Nguyễn Xuân Sơn:
Việt Nam phê chuẩn và trở thành quốc gia thành viên Công ước từ năm 2009. Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Công ước, trong đó xác định các nhóm nhiệm vụ cụ thể như tuyên truyền nâng cao nhận thức; xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; thực hiện các giải pháp phòng ngừa; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiệu, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường sự tham gia của xã hội, của cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác phòng chống tham nhũng; hay tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế thực thi Công ước, hàng năm Việt Nam đều tổ chức các Đoàn công tác, tham dự đầy đủ các hội nghị liên quan tới thực thi Công ước. Thông thường, một năm có ba cuộc họp liên quan tới thực hiện Công ước vào tháng 5, tháng 8 và tháng 11; trong đó cứ 02 năm có một cuộc họp cấp cao vào tháng 11 là Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước.

Như vậy, kể từ khi phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã tham gia khoảng 15 cuộc họp trong khuôn khổ cơ chế thực hiện Công ước. Việc tham dự đầy đủ và tích cực tham gia thảo luận các chủ đề tại các cuộc họp về thực hiện Công ước là trách nhiệm của quốc gia thành viên, đồng thời cũng là việc thực hiện chính sách tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam.

- Báo chí, truyền thông có vai trò như thế nào trong công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Xuân Sơn: Kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực tiễn của Việt Nam khẳng định vai trò của xã hội nói chung, của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng là rất quan trọng.

Nhà nước Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng vì một số lý do: (1) Thông qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo chí, để phổ biến các nội dung liên quan đến các chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống tham nhũng; (2) Báo chí, đặc biệt là các tờ báo thực hiện phóng sự điều tra, có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng nhà nước các thông tin ban đầu về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Trên cơ sở nguồn tin từ báo chí, các cơ quan chức năng nhà nước sẽ tiến hành các hoạt động pháp lý cần thiết để làm rõ có hay không hành vi tham nhũng. Thực tiễn cho thấy, nguồn tin tố giác tội phạm của công dân và nguồn tin từ báo chí là những kênh thông tin rất quan trọng giúp các cơ quan phòng chống tham nhũng phát hiện, làm rõ và xử lý nhiều vụ việc tham nhũng trong thời gian vừa qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục