Công viên địa chất hang động núi lửa Krông Nô mở cửa từ 2016

Huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông triển khai các bước thuộc đề án xây dựng Công viên địa chất hang động núi lửa dọc sông Sêrêpốk thuộc huyện Krông Nô và dự kiến đến 2016, Công viên sẽ đi vào hoạt động.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền huyện Krông Nô triển khai các bước thuộc đề án xây dựng Công viên địa chất hang động núi lửa dọc sông Sêrêpốk thuộc huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) và dự kiến đến năm 2016, Công viên sẽ đi vào hoạt động và đón du khách trong, ngoài nước vào tham quan, du lịch.

Ngày 26/8, ông Bùi Quang Mích, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết hiện nay các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đang tiến hành thu thập, tổng hợp các tài liệu liên quan tới đề án và lập đề cương; điều tra, khảo sát thực địa, thu thập tài liệu nguyên thủy, gồm điều tra các đặc điểm về địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa xã hội...; đánh giá tiềm năng di sản theo các tiêu chí của UNESCO; lập hồ sơ, trình duyệt công nhận Công viên địa chất cấp quốc gia và định hướng Công viên địa chất quốc tế; đề xuất giải pháp quản lý, quy hoạch, khai thác bền vững Công viên địa chất khu vực Krông Nô.

Với mục tiêu bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác phát huy các giá trị di sản khu vực Krông Nô một cách hợp lý, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế-xã hội, các bước xây dựng đề án bao gồm điều tra, xác lập đầy đủ các di sản phân bố trong khu vực huyện Krông Nô và kế cận thuộc tỉnh Đắk Nông; đánh giá các giá trị di sản và xây dựng hồ sơ, trình duyệt công nhận Công viên địa chất quốc gia hướng tới Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực Krông Nô, qua đó đạt được ba mục tiêu của Công viên địa chất là bảo tồn di sản, nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Hệ thống hang động núi lửa vùng Krông Nô có rất nhiều hang lớn nhỏ với kích thước và hình dạng khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã nghiên cứu, khảo sát thực địa được ba hang động (ký hiệu C7, C3, A1); trong đó, C7 là hang núi lửa dạng ống với chiều dài lớn nhất Đông Nam Á (hơn 1km). Phát hiện này có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế-xã hội đối với tỉnh Đắk Nông, mở ra tiềm năng to lớn trong việc phát triển các hoạt động du lịch của tỉnh và khu vực Tây Nguyên.

Trước đó, ngày 26/12/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản và Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo công bố kết quả khảo sát về hệ thống hang động núi lửa thuộc lưu vực sông Sêrêpôk, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Khu vực Krông Nô và kế cận có bối cảnh kiến tạo khá đặc biệt, có đặc điểm địa chất đa dạng, độc đáo là tiền đề tạo nên sự phong phú, đa dạng về tài nguyên di sản thiên nhiên và di sản văn hóa. Đây là khu vực có nhiều thắng cảnh đẹp gắn với các khu bảo tồn và rừng đặc dụng có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, đặc hữu, nhiều động thực vật quý hiếm; là khu vực có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với sự đa dạng về địa chất, những phát hiện về hệ thống hang động núi lửa đã hội tụ đầy đủ theo các tiêu chí của UNESCO cho việc thành lập công viên địa chất quốc gia tiến tới công nhận công viên địa chất toàn cầu.

Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu sơ bộ của các nhà nghiên cứu, hang động ở đây phát triển thành một hệ thống có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Bên trong hang còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về địa chất tạo thành đa dạng sinh học (không loại trừ cả khảo cổ…) đang cần được nghiên cứu khám phá. Điều thú vị cho du khách và gây sự chú ý đối với các nhà nghiên cứu là các hang này hình thành trong đá bazan chứ không phải trong đá carbonat (đá vôi) như đa số những hang động khác ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục