COP 21: Kết thúc tuần đầu, đàm phán chuyển sang quyết định

Ngày 6/12, đánh giá về tuần đàm phán đầu tiên COP 21, diễn ra tại Paris, Tổng thống Pháp nêu rõ các cuộc thương lượng hiện chưa kết thúc và đang bước vào giai đoạn quyết định.
COP 21: Kết thúc tuần đầu, đàm phán chuyển sang quyết định ảnh 1Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu ngày 6/12, tại Paris. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/12, đánh giá về tuần đàm phán đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), diễn ra tại Paris, Pháp từ ngày 30/11 vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu rõ các cuộc thương lượng hiện chưa kết thúc và đang bước vào giai đoạn quyết định.

Theo ông, hiện các bên vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thỏa hiệp và điều này đòi hỏi những nỗ lực lớn.

Sau tuần đàm phán đầu tiên, các bên đã cơ bản thông qua bản dự thảo hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu dài 48 trang, rút gọn 1/3 so với văn kiện ban đầu mà nước chủ nhà Pháp đề xuất. Mục tiêu chính vẫn không thay đổi-hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu tới năm 2100 ở 2 độ C.

Tuy nhiên, các bên tham gia COP 21 vẫn chưa thể thống nhất làm thể nào để thực hiện mục tiêu đó. Bởi vậy, có thể mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất sẽ giảm xuống là 1,5 độ C theo yêu cầu của nhiều đảo quốc nhỏ, thay vì 2 độ C.

Một trong những điểm bất đồng chủ chốt giữa các nước là khoản kinh phí để phát triển các nguồn năng lượng tái sinh ở các nền kinh tế kém phát triển. Các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh yêu cầu cơ chế phân bổ khoản tiền 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 mà các nước giàu cam kết hỗ trợ các nước nghèo phải được ghi cụ thể và rõ ràng trong hiệp định cuối cùng.

Theo kế hoạch, Quỹ Khí hậu xanh của Liên hợp quốc sẽ chịu trách nhiệm phân bổ khoản kinh phí được xem là hết sức quan trọng để các nước nghèo có thể hạn chế được những tác động cũng như tạo sự thích ứng cho nền kinh tế các nước này trong giai đoạn chuyển tiếp sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được tiêu chí để phân bổ khoản tiền trên.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch cũng là vấn đề, bởi để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống của các nước cũng sẽ tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục