COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp lớn tại Anh và Pháp thua lỗ nặng nề

Sân bay Heathrow (Anh) bị giảm 2,8 tỷ USD doanh thu trong năm 2020; trong khi doanh thu của chuỗi khách sạn khổng lồ Accor (Pháp) trong năm qua chỉ là 1,85 tỷ euro và lỗ ròng là 1,26 tỷ euro.
Hành khách thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Heathrow ở London, Anh, ngày 1/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hành khách thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Heathrow ở London, Anh, ngày 1/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giới chức sân bay Heathrow (Anh) vừa báo cáo giảm 2 tỷ bảng (2,8 tỷ USD) doanh thu trong năm 2020, sau khi lượng hành khách giảm mạnh do đại dịch COVID-19, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1970.

Cụ thể, ngày 24/2, đại diện của Heathrow cho biết lượng hành khách tại đây trong năm 2020 giảm 73% xuống còn 22 triệu người, trong đó có hơn 50% hành khách tham gia các chuyến bay trong 2 tháng đầu năm, trước khi đại dịch COVID-19 khiến hoạt động đi lại toàn cầu bị đình trệ.

Báo cáo của sân bay này cho thấy doanh thu trước thuế của Heathrow chỉ đạt 1,18 tỷ bảng, giảm 2 tỷ bảng, tương đương 62% so với năm 2019. Tuy nhiên, Heathrow vẫn còn 3,9 tỷ bảng trong thanh khoản, giúp sân bay này duy trì hoạt động đến năm 2023.

Giám đốc điều hành sân bay Heathrow, John Hollande-Kaye kêu gọi Chính phủ Anh nhất trí tiêu chuẩn chung về đi lại quốc tế, nhằm cho phép hành khách bay trở lại trong mùa Hè.

[COVID-19 'tấn công' trực diện vào mô hình kinh tế của Pháp]

Ông cũng đề nghị chính phủ kéo dài thời gian miễn thuế cho các doanh nghiệp vận hành sân bay nhằm hỗ trợ các công ty này vượt qua khủng hoảng do đại dịch.

Sân bay thuộc khu vực Tây London này đang hy vọng thị trường vận tải sẽ mở cửa trở lại từ giữa tháng Năm tới, sau khi Chính phủ Anh thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa hôm 22/2 vừa qua.

Mặc dù vẫn đang là sân bay lớn nhất tại Anh, song vào năm ngoái Heathrow đã đánh mất vị thế sân bay có lượng hành khách đông nhất châu Âu, do lịch trình các chuyến bay tại đây bị thu gọn hơn so với đối thủ là sân bay Paris.

Cùng ngày, tập đoàn Lloyds Banking (LBG) của Anh cũng báo cáo lợi nhuận ròng trong năm 2020 chỉ đạt 865 triệu bảng (1,2 tỷ USD), giảm gần 65% so với mức 2,46 tỷ bảng hồi năm 2019.

LBG cho biết tập đoàn này phải hứng chịu phí suy giảm lên tới 4,2 tỷ bảng do suy thoái kinh tế. Phí suy giảm được định nghĩa là chi phí phát sinh do sản phẩm hoặc dịch vụ bị coi là hư hỏng hoặc không sử dụng được.

Trong khi đó, chuỗi khách sạn khổng lồ Accor (Pháp) cũng báo cáo thua lỗ trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hãng cũng như dịch vụ lưu trú trên toàn cầu.

Là doanh nghiệp đứng thứ 6 thế giới trong ngành dịch vụ lưu trú, nhưng doanh thu của Accor trong năm qua chỉ đạt 1,6 tỷ euro (1,95 tỷ USD), giảm khoảng 60% so với năm 2019, lỗ ròng lên tới gần 2 tỷ euro.

Trước đó, khảo sát do hai hãng Factset và Bloomberg phối hợp tiến hành dự báo doanh thu của Accor trong năm qua là 1,85 tỷ euro và lỗ ròng là 1,26 tỷ euro.

Doanh thu trung bình cho mỗi phòng khách của Accor giảm 62% trong cả năm 2020, riêng quý 2/2020 giảm tới 88%, thời điểm làn sóng đại dịch COVID-19 đầu tiên hoành hành.

Accor hy vọng doanh thu trong năm 2021 sẽ được cải thiện, khi các nước triển khai chương trình tiêm vắcxin, cho phép nới lỏng các lệnh cấm. Tuy nhiên, hãng này vẫn tỏ ra thận trọng trong bối cảnh diễn biến của đại dịch vẫn còn rất khó lường.

Accor sở hữu nhiều thương hiệu chuỗi khách sạn như Ibis, Sofitel, Novotel, Mercure và Pullman./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục