Cục Tần số vô tuyến điện trả lời về hiện tượng nhiễu sóng phát thanh

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan để làm rõ nguyên nhân tình trạng nhiễu sóng tại một số đài truyền thanh ở khu vực miền Trung.

Thời gian qua, có thông tin đài truyền thanh phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bị nhiễu sóng, có xen lẫn tiếng Trung Quốc, một số đài truyền thanh ở khu vực miền Trung khác như Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị bị nhiễu sóng...

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đoàn Quang Hoan để làm rõ nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục tình trạng nhiễu sóng này.

- Thưa Cục trưởng, gần đây, một số đài truyền thanh ở các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung có hiện tượng bị nhiễu sóng, đâu là nguyên nhân của hiện tượng trên?

Cục trưởng Đoàn Quang Hoan: Sóng phát thanh thường không quá mạnh, tùy từng thời tiết tác động đến điều kiện truyền sóng làm cho tín hiệu truyền có khả năng đi rất xa nên dễ gây nên hiện tượng nhiễu sóng.

Điều này lý giải tại sao trong mùa nóng có nhiều ngày đài phát thanh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu được sóng điện thoại di động của Malaysia, Thái Lan; thậm chí ở vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, một số điểm có thể bắt được sóng điện thoại từ Trung Quốc.

Hiện dọc khu vực biên giới, sóng đài phát thanh Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia... có lúc đan xen nhau. Đây là điều bình thường. Nguyên nhân nhiễu sóng phát thanh, truyền hình chủ yếu do kỹ thuật.

Về cơ bản các đài phát thanh của các nước ít gây nhiễu cho nhau bởi mỗi đài có ấn định tần số khác nhau. Ở Mỹ Khê, Đà Nẵng, trong 14 cụm loa thu cùng tần số thì chỉ có 1 cụm bị nhiễu. Hơn nữa, tín hiệu Đài kiểm soát của Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực III không phát hiện có tần số tương tự từ Trung Quốc phát sang.

Bên cạnh đó, với truyền thanh không dây, hệ thống loa mở liên tục, tự động thu các tín hiệu cùng tần số. Các đài truyền thanh không dây ở các xã biên giới chất lượng kém, những năm trước đây sử dụng đúng băng tần FM thì vẫn xảy ra việc nhiễu sóng.

Vì vậy Cục Tần số vô tuyến điện đã quy hoạch băng tần truyền thanh không dây khác với băng tần FM. Với quy hoạch này, băng tần truyền thông không dây phát ở mức thấp 54-68MHz. Khi thực hiện quy hoạch, những đầu thu sử dụng băng tần 54-68MHz không có hiện tượng trên.

- Hiện tượng nhiễu sóng như thế này đã từng xảy ra nhiều ở Việt Nam và thế giới chưa, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Đoàn Quang Hoan: Cục Tần số vô tuyến điện từng ghi nhận nhiều trường hợp sóng phát thanh ở nước ngoài truyền đến Việt Nam với tín hiệu yếu, không đủ kích hoạt loa. Nhưng nếu có điều kiện thời tiết đặc biệt, môi trường truyền sóng trên mặt biển tốt hơn và xa hơn bình thường thì sẽ xảy ra hiện tượng đài phát sóng bị nhiễu. Ngay cả sóng điện thoại công suất rất nhỏ nhưng có thể truyền từ miền Nam Thái Lan, Bắc Malaysia sang đồng bằng sông Cửu Long nước ta.

Thế giới cũng chứng kiến nhiều vụ can nhiễu lớn. Kỳ họp nào của Ủy ban thể lệ thông tin vô tuyến quốc tế cũng có báo cáo về việc các đài phát thanh, truyền hình của Italy phát gây nhiễu cho các đài dọc hai bên bờ Địa Trung Hải như: bờ Tây Croatia, bờ Đông nước Pháp… Nguyên nhân là do Italy cho các doanh nghiệp đấu giá tần số không đúng với phổ tần được Liên minh viễn thông quốc tế cấp.

Để đảm bảo phục vụ cho người dân ở khu vực biên giới có thể nghe, xem tốt, tín hiệu phải phủ sóng đủ mạnh. Bởi vậy, việc một số khu vực biên giới các nước lân cận có thể bắt được sóng của nhau là điều không lạ. Hiện nay, các nước trên thế giới đang dùng chung băng tần với sóng phát thanh, truyền hình. Theo quy định, để tránh các hiện tượng nhiễu sóng, can sóng lẫn nhau, các nước tự ấn định tần số cho đài của mình rồi đăng ký với Liên minh viễn thông quốc tế.

- Để hạn chế, khắc phục hiện tượng nhiễu sóng trên, theo Cục trưởng cần có biện pháp gì?

Cục trưởng Đoàn Quang Hoan: Việc nhiễu sóng vô tuyến trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình trên thế giới là bình thường. Nếu sóng gây nhiễu mạnh sẽ phải xử lý theo hướng đàm phán quốc tế. Thường thì xử lý theo hình thức nước nào đăng ký trước được ưu tiên phát ở tần số đó, còn các nước khác phải chỉnh lại tần số.

Ở Việt Nam, hiện tượng nhiễu sóng ở một số tỉnh, thành miền Trung hầu như không ảnh hưởng đến tác nghiệp hay hoạt động của đài phát thanh nên chưa cần thiết có kháng nghị nhiễu với nước láng giềng. Những trường hợp có can nhiễu lớn chúng ta sẽ có kháng nghị ngay.

Với mức độ can nhiễu thấp, chúng ta nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phòng vệ. Cụ thể, Việt Nam có thể ấn định tần số khác hoặc sử dụng ăng-ten có hướng khác. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo chất lượng máy thu, đầu thu.

Trước đây, Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực III đã xử lý các vụ can nhiễu sóng ở Quảng Trị hoặc nhiều tỉnh dọc biên giới Tây Nam của Việt Nam theo cách như vậy. Thành phố Đà Nẵng cũng đã nâng cấp thiết bị, đưa bộ giải mã xử lý kỹ thuật khi xảy ra hiện tượng nhiễu sóng.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục