Cụm công trình Hải Vân Quan đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia

Nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công…
Cụm công trình Hải Vân Quan đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia ảnh 1Hải Vân Quan đã được xếp hạng Di tích quốc gia. (Ảnh: Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 24/5, tại địa điểm di tích Hải Vân Quan, tỉnh Thừa Thiên​-Huế và thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích ​quốc gia Hải Vân Quan, theo Quyết định 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên​-Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Công trình Hải Vân Quan được xây dựng từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7-1826).

[Thêm 3 di tích lịch sử, khảo cổ và kiến trúc được xếp hạng quốc gia]

Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan," cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan." Một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhân tạo," tức "làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7" (1826).

Nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công…

Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam. Chính vì vậy, triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ.

Đến nay, Hải Vân Quan đã trải qua 189 năm lịch sử (1826-2015) với nhiều biến động. Di tích này đã bị chiếm dụng bởi thực dân và đế quốc đồng thời chịu sự tác động rất lớn của bom đạn từ hai cuộc chiến tranh kéo dài hơn hai thập kỷ nên diện mạo thay đổi rất nhiều.

Sau năm 1975, Hải Vân Quan tiếp tục xuống cấp trầm trọng do không được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài.

Hải Vân Quan là một điểm nhìn tuyệt đẹp về vịnh và thành phố Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm và những cung đường quanh co, khúc khuỷu của đèo Hải Vân. Di tích này là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước trong nhiều thập niên qua.

Hiện nay di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó một lượng lớn du khách trong và ngoài nước vẫn đến đây tham quan hàng ngày.

Nếu các công trình ở Hải Vân Quan được đầu tư phục hồi, tu bổ, trả lại giá trị vốn có của nó thì không những có ý nghĩa là giữ gìn một cách trọn vẹn một di sản văn hóa dân tộc mà còn đem lại những lợi ích đáng kể trong sự nghiệp phát triển văn hóa và du lịch của tỉnh Thừa Thiên​-Huế và thành phố Đà Nẵng.

Dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng cùng ký biên bản ghi nhớ với phối hợp thực ​quốc gia Hải Vân Quan; giao cho Sở Văn hóa, Thể thao của hai địa phương làm cơ quan thường trực xây dựng các kế hoạch chi tiết để triển khai hiệu quả bản ghi nhớ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục